Tác phẩm Vỡ Đê – Chương 17

Tác Phẩm “Vỡ Đê – Chương 17” – Xuất bản năm 1936 của tác giả Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939). Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp.


Khi Phú sang đến nơi thì ông chánh Mận đương có việc với ông lý trưởng. Sợ vào ngay không tiện, chàng vẫn đứng trên bè chuối, hai tay vịn vào cái tường có mảnh chai tua tủa xiên lên. Giữa lúc ấy có một người đàn bà trong làng mà Phú không biết tên cũng đứng trên bè chuối ra ý chờ đợi, và có lẽ phải chờ đã lâu lắm.

Con chó bông đi đi lại lại trên nóc nhà thỉnh thoảng lại vươn cổ cắn với ra mấy tiếng như xua đuổi một kẻ đến nhờ vả. Nghe thấy chó cắn, tuy vẫn ngồi quay lưng ra, ông chánh Mận cũng nói rõ to:

– Ấy tôi đã bảo thế mà nhà chị cứ đứng đấy thì mặc kệ nhà chị.

Chừng như câu nói hắt hủi ấy cũng là quý hóa lắm rồi, người đàn bà chẳng để lỡ cái dịp được người ta mắng mình thì mình mới được đáp, bèn vội van lơn bằng một giọng cực kỳ khổ não:

– Bẩm ông, con chỉ xin ông một lần này nữa thôi… Thật thế, con xin cam đoan là lần cuối cùng. Ông đã làm phúc thì xin ông làm phúc cho chót…

Người đàn bà còn lải nhải nói nhiều nữa nhưng bị tiếng chó cắn lấn át mất cả. Đến lúc ấy, ông chánh Mận mới hút xong mồi thuốc lào và đứng lên quay ra…

– Này tôi bảo thật, nhà chị không đi thì tôi cho chúng nó ra đuổi chị ngay bây giờ cho mà xem! Léo nhéo mãi, điếc tai lắm.

Mắng xong người đàn bà, ông ta trông thấy Phú, ông đổi ngay nét mặt, đổi ngay giọng nói, hòa nhã mời.

– Có cầu tre ở trong đấy, cậu cứ trèo qua tường mà vào.

Ông lý trưởng ngẩng nhìn lên, vẻ mặt có ý khó chịu. Con chó bông cũng sủa vang lên. Phú biết sẽ phiền cho ông lý, song cứ trèo tường vào ngay vì chàng thấy rằng nếu cứ đứng ngoài với người đàn bà thì sẽ bị coi rẻ như người ấy mất. Mặc! Cứ biết đã mời thì vào, chàng chẳng cần kể rằng hai người đã xong chuyện với nhau hay chưa.

Phú sang không vì mục đích vay mượn gì, nhưng vì người nhà của chàng vẫn vay mượn nên Phú cũng ngượng. Chàng chỉ sợ người ta hiểu nhầm mình, mặc lòng chàng vẫn dặn mình rằng người ta có hiểu nhầm mình thì cũng không sao. Nghèo mà lại còn quá tự ái thì sinh ra lẩn thẩn thế. Cho nên Phú rất nóng ruột muốn được nói, trước mặt ông lý trưởng, đến việc Phú bị tra khảo ở huyện, đến cái muốn nắn bóp, hãm hại ông chánh Mận của viên lục sự già nó khiến Phú sang đây… Chàng hỏi ngay ông lý trưởng:

– Ông có vội gì không? Ông còn ở chơi đây được lâu chứ?

Ông lý trưởng ngáp dài và đáp:

– Tối mịt đến nơi thế này thì còn bận quái gì? Ở lâu đây được.

– Thế mai ông có phải ra đê không?

– Ngày kia mới phải ra. Tôi ở đê vừa về.

– Ngoài ấy có gì lạ không hở ông?

– Có! Ông huyện cũ bị đổi hay bị cách chức gì đó, còn ông huyện mới thì trẻ tuổi lắm, áng chừng tân học, lại ác hơn ông huyện cũ nữa.

– A thế kia à! Thế ông có biết vì sao mà lão huyện bị cách không?

– Chắc chỉ vì đê vỡ chớ còn gì nữa.

Tự nhiên Phú thấy trong lòng có điều gì sung sướng lắm; trong một phút không nghĩ kỹ, chàng tưởng chừng như mình vượt ngục mà viên tri huyện ấy chịu họa lây. Chàng lại quên khuấy rằng cái tai nạn của viên quan ấy nếu có làm cho chàng hài lòng thì nó cũng làm cho người thiếu nữ cứu chàng phải khổ sở. Phú cứ vui vẻ hỏi chuyện:

– Thế phu phen đã được gạo tiền gì chưa hở ông?

– Đã, từ bốn hôm nay, mỗi người được lĩnh mỗi ngày hai bơ gạo.

– À, thế ông trưởng nhà cụ bô Điềm thế nào?

– Vẫn ở ngoài ấy. Lúc nãy tôi đã đem về cho cụ bô hai bơ gạo ông ta gửi. Hôm nay mà tôi không về làng thì rành là vô số người chết đói!

Nói xong, ông lý vỗ đùi bôm bốp, đắc chí lắm, sung sướng lắm. Phú quay hỏi ông chánh Mận:

– À, ông chánh nhỉ? Ông có biết đến một ông lục sự nào ở huyện không?

Ông này nói ngay:

– Có lắm, cái lão lông mày sâu róm, con mắt trắng dã, cái môi thâm sì ấy chứ gì?

– Phải đấy. Ông quen biết lão ấy chăng?

– Quen thì cũng quen gọi là thôi. Đâu như cách đây dăm năm, có một người trong họ tôi dắt lão đến vay tiền. Hai bên đi lại được mấy tháng rồi sau không giả được đúng hẹn, lão vay nữa tôi không ưng. Từ độ ấy mất mặt. Cậu hỏi đến lão làm gì? Thằng cha bóp nặn khiếp lắm.

Phú bèn đem hết đầu đuôi câu chuyện từ lúc bị bắt cho đến lúc bị tra khảo ra kể tỉ mỉ cho hai người nghe. Khi Phú nhắc lại câu hỏi vặn của viên lục sự già để buộc tội cả ông chánh Mận vào với hội kín thì ông này tái mặt lại vì cái lo về tính mệnh và tài sản.

Phú kết luận:

– Ấy tôi nói thế để ông biết và giữ gìn.

Ông lý tắc lưỡi hai ba lần mà rằng:

– Chết chết! Ra lại có những người hiểm độc đến thế. Không trách cổ nhân đã phải nói: “Một đời làm lái, bại hoại ba đời” là phải lắm. Vậy thì từ nay trở đi, ông chánh nên cẩn thận. Sợ hằn thù thì có lẽ ta nên…

Ông ngừng lại, đợi hai người kia phải hỏi thì mới nói tiếp:

– Ta nên mua chuộc lấy lòng lão ngay đi. Có lẽ lại cho vay mượn như xưa thì hơn.

Nhưng ông chánh nói:

– Không được. Cậu Phú được tha về rồi mà mình mới cư xử như thế, nó biết thóp thì mình chết với nó. Nhưng sao mà cậu lại được tha hở cậu Phú?

– Tôi không có tội gì thì tôi được tha chứ sao?

– Nó tra tấn cậu bằng cách ghê gớm đến như thế mà cậu không nhận liều thì giỏi thật. Tôi xin phục cậu đấy. Tôi cảm ơn cậu lắm, giá không được người gan như cậu thì dễ tôi cũng bị xích rồi.

Phú nhìn lên thì thấy ông chánh Mận đã nói những lời ấy trong lúc cúi mặt. Vậy thì ông cảm động hay ông giả dối? Ông đã tin lời Phú chưa? Hay ông lại nghi Phú bịa ra chuyện ấy để lấy lòng cho dễ chuyện vay mượn về mai sau? Tức quá, Phú rất muốn hiểu ngay bụng dạ ông chánh Mận mà không sao được. V

ô tình, ông lý bình phẩm:

– Giỏi thật đấy chứ lỵ! Đốt đèn đun dưới lỗ đít thì tôi tưởng gan bằng tướng cướp cũng phải nhận những tội mà nó buộc mình!

Vẫn cúi mặt, ông chánh Mận lại nói:

– Gan lắm! Anh hùng lắm! Thật thế! Chỉ có điều hơi lạ là sao chưa có kết quả gì mà lão huyện đã tha ngay…

Ông lý trưởng kết luận bằng cái óc lý luận riêng:

– Người ta không có tội thì giam mãi để làm gì?

Phú toan kể nốt cả câu chuyện được có người mở cửa lô-cốt cho mình trốn đi, thì ông chánh Mận ắt là không còn ngờ vực gì chàng nữa, song le chàng lại thôi, vì lẽ một là chàng chưa tin cậy hẳn được ông lý trưởng, hai là tại việc ấy nó hầu như là chuyện bịa đặt, giả dụ chàng có nói cũng vị tất đã ai tin… Mà có khi người ta lại nghi ngờ thêm nữa! Nghĩ đến đấy thì lại chột dạ, chàng lo lắng không biết liệu có được yên ở làng mà ngồi trên đống nước để sống khổ sở với mẹ già hay không? Hay nay mai lại chính ông lý ngồi trước mặt mình, kêu có lệnh quan trên mà sai tuần tráng trói mình giải huyện cũng chưa biết chừng.

Thế là Phú cũng có những nét mặt đăm đăm y như ông chánh Mận. Trong một lúc lâu, hai người đều im lặng, thành thử ông lý cũng lây cái trầm ngâm, rồi ông lý nói kín:

– Thôi thế việc kia thì ta nhất định cứ như thế.

Ông chánh Mận gật đầu:

– Phải ta cứ thế!

Đến đây, ông lý đứng lên toan cáo thoái, vì một tên người nhà đã bưng mâm cơm vào. Nhưng ông chánh Mận dùng lời khéo lưu cả hai người cùng ngồi lại. Phú nhất định chối từ, song ông chánh Mận lại nói:

– Lụt lội thế này có phải cậu sang chơi đây dễ đâu! Vậy cậu đã sang, nhân thể gặp bữa, xin đừng từ chối. Vả lại việc có can hệ đến tính mệnh tôi mà cậu vừa nói tôi nghe thì nào tôi đã được bàn soạn với cậu về cách đề phòng ra làm sao đâu!

Trước những lời lẽ như thế, Phú thấy rằng chối từ nữa là vô nghĩa lý.

Mâm cơm nước lụt của nhà giầu trông cũng tươm tất lắm. Có thịt gà luộc, rau chuối, và cua om. Cơm thì gạo tám thơm, trắng tinh, thơm nức. Ông lý quay lại kêu để mời bà cụ mẹ ông chánh và hai đứa bé cùng ngồi nhân thể thì tên người nhà đã bưng ra phía bên kia cái bè một mâm nữa rồi. Chủ nhân cắt nghĩa rằng không có thóc nuôi gà nên phải thịt gà đi, không có chỗ để gạo tám thì phải thổi cơm đi cho khỏi mốc, chứ giời ra tai, giữa lúc nhiều người không có mà ăn, không phải ông được ăn như thế mà lấy làm vui… Cua thì bắt được ngoài đồng, rau chuối thì ngả từng cây xuống mà ăn, không thì úng thủy, cây nó cũng đến chết mất… Thì ra vì trong cảnh bất đắc dĩ mà ông chánh Mận bị bó buộc được có một mâm cơm tươm tất vừa để cho mình, vừa để đãi khách.

Ngồi vào ăn miếng ngon, Phú mới chợt nghĩ đến người đàn bà đi vay. Chàng liền quay đầu lại… Thì ra người đàn bà ấy vẫn đứng nguyên chỗ! Mãi đến lúc ấy mới biết thất vọng, người ấy thở dài ngán ngẩm trố hai con mắt nhìn vào mâm cơm, nuốt nước dãi ừng ực, gạt nước mắt, rồi sau cùng, lặng lẽ quay mũi cái bè chuối. Phú thấy mình cũng dã man như đời, vội vàng quay vào, không dám nhìn nốt cái cảnh thương tâm.

Giữa bữa cơm, sau những câu chuyện trò đằm thắm trong lúc cao hứng, ông chánh Mận nhắc lại chuyện hỏi cô Tuất làm vợ kế với Phú, trước mặt ông lý. Ông này vội bênh ngay người cho mình ăn:

– Tưởng nhận đi là phải, không hiểu tại sao cụ Cử nhà ta lại còn không bằng lòng! Còn trẻ như bác Tuất mà muốn ở vậy, khó lắm.

Phú chưa biết đỡ lời ra sao thì ông lý đã lại hỏi:

– Còn cậu? ừ thế nào, còn cậu thì cậu có thuận hay là không? Nếu cậu thuận thì sao cậu không nói vào hộ một câu cho ông chánh tôi đây cũng xong được chuyện ấy đi. Sớm ngày nào hay ngày ấy.

Chả nhẽ Phú lại đáp rằng xưa nay mình vẫn chỉ đứng trung lập. Và nhân người ta lại nhắc đến chuyện ấy, Phú nghĩ đến việc ông chánh Mận bị nghi cũng có chân trong hội kín với chàng. Do thế, chàng phải trả lời trái hẳn ý nghĩ.

– Tôi thì tôi hoan nghênh việc ấy hết sức đấy chứ… Đẻ tôi thì cũng cho tùy lòng, còn chị tôi mà chưa nhận lời thì tôi có hiểu vì lẽ gì đâu! Tôi chắc vì thương con nên chị tôi không biết giải quyết thế nào cả đấy thôi. Hoặc chị tôi muốn ở vậy thờ chồng nuôi con chăng?

Đáp thế xong, Phú càng thấy mình khôn ngoan. Thật thế, ông chánh Mận hẳn phải không còn được nghi ngờ cái việc ông ta bị tình nghi. Chàng đã muốn cho hai người lấy được nhau thì bỗng dưng còn bịa đặt ra chuyện hội kín hội hở nó có thể khiến cho ông chánh sợ hãi, hai người không lấy được nhau mà làm gì? Từ đấy trở đi, mặt ông chánh đã thấy vui vẻ hơn trước. Ông nói một câu lạc đề:

– Chà! Kệ cho chúng nó thù hằn! Sự thực, mình không có gì mà lo!

Do câu nói ấy, Phú biết rằng lúc trước, đích xác chàng đã bị ngờ vực là bịa đặt để lấy lòng, hòng sự vay mượn, chàng bỗng hối hận vì đã ngồi vào ăn.

Chim chóc đã bặt tiếng kêu. ở một ngọn tre xa xa, hai con chèo bẻo đã thôi không ưỡn ngực hóng gió mà chui vào tổ. Trên không gian xám đen, một chữ V độ chừng ba chục con vạc đi ăn đêm thoáng qua như một cái chớp, với dư âm của những tiếng kêu lào xào… Ông chánh Mận quát người nhà:

– Ơ hay! Chúng bay đâu? Tối thế này rồi mà không cho đèn ra đây?

Có tiếng đáp ở phía sau một mái nhà:

– Hết dầu từ đêm qua rồi ạ.

– Thế thì đốt cho tao bó đuốc vậy. Cũng sắp xong rồi.

Lúc một anh lực điền đem đuốc ra thì Phú đã xếp đũa trên bát. Trong ánh sáng đỏ rực của lửa nứa, ông chánh và ông lý cùng và lùa bát cơm cuối cùng, bà lão già và hai đứa bé thì cơm nước xong, đã sửa soạn để ngủ. Tàn nứa rơi xuống nước rên lên xèo xèo…

Bầu không khí đương êm ả thì bỗng con chó bông cắn rộ lên một cách khác thường, ba người hoảng hốt quay nhìn ra. Một người đã trèo qua cái tường có mảnh chai, đứng trên cầu tre. Mắt người ấy đen sì, tay người ấy có một cái gậy. Người ấy lên mái nhà, con bông xồ ra, tức thì bị một gậy vào giữa lưng, kêu ăng ẳng, bị gạt bắn xuống nước. Bên trong, ông chánh và ông lý cùng đứng lên, chỉ vừa kịp kêu: “Thôi chết!” thì bên ngoài tường, đuốc đã sáng rực, rồi một chục người nữa, kẻ nào cũng mặt bôi nhọ, tay có dao, gậy, giáo, mác, tay thước, lần lượt kéo vào… Trong chốc lát, đó là những hình ảnh làm cho ta thất đảm như khi thấy trong những cơn ác mộng.

– Ai ngồi đâu cứ việc yên đấy cả một lượt! Đừng có kêu la vô ích; bữa nay các quan đi đông! Các quan không muốn giết hại một mạng nào cả thì đừng làm gì cho các quan phải nổi giận!

Những lời lẽ hách dịch của người đầu đảng ấy lại nhờ được một cái giọng “sang sảng tiếng đồng” làm cho oai vệ lắm, nên chi mọi người ai nấy chỉ còn kịp sợ run lên cầm cập… Mười tên cướp, trong đó có hai tên cầm hai bó đuốc, đã đùng đùng nhảy lên bờ. Dưới cái ánh sáng đỏ rực nhấp nháy lúc to lúc nhỏ của đuốc, những cái mặt bôi nhọ trông gớm ghiếc, những bóng giáo, bóng gậy, mờ mờ tỏ tỏ, đã hứa một cuộc đổ máu lai láng, nếu có tiếng kêu… Phú, ông lý, ông chánh, im lặng nhìn bọn cướp đứng chung quanh họ thành một vòng tròn. Duy cái anh chàng lực điền cầm đuốc từ nãy soi mâm cơm, thì lúc ấy lại dại dột múa vung bó đuốc, khua khua trước mặt ra ý không cho bọn cướp động đến người, và bắt đầu kêu to: “ối làng nước ơi!…” Nhưng bốp một cái, một cái gậy đã vọt vào bụng chân anh ta khiến anh ta té sấp, bó đuốc rơi xuống mặt bè nứa. Một tên cướp vội cúi nhặt bó đuốc ấy lên; một tên khác, nhanh như điện, đã nhét một mớ giẻ vào mồm anh chàng lực điền, lật sấp anh ta xuống, trói giật cánh khuỷu. Chỉ trông thấy thế, bọn này cũng đủ hết hồn rồi.

Ra oai như vậy, người tướng cướp cho là đủ. Bèn chỉ tay vào ông chánh Mận, bảo một tên cướp:

– Thằng này to béo hơn cả, chính nó là chủ nhà. Bảo cho nó biết rằng các quan thu thuế bằng tiền và cả bằng thóc gạo!

Ngồi dưới cái con dao trường của tên cướp, bà cụ mẹ ông chánh vừa khóc vừa kêu:

– Lạy các ông, có gì thì xin các ông cứ lấy cho thế, chứ xin các ông đừng đánh trói ai cả!

– Được lắm, các quan cũng không muốn đánh trói ai làm gì.

Tuy thế người ta cũng cứ trói hai tay ông chánh về sau lưng. Bị một lưỡi dao kề ở cổ, ông nổi giận, gắt với bọn cướp:

– Lụt lội như thế, mất mẹ nó cả cơ nghiệp rồi, còn đếch gì mà cướp! Đấy, đồ đồng với đồ sứ có gì thì ngâm cả dưới nước ấy, lặn xuống mà lấy! Thóc còn tất cả ba chục thúng, mà là thóc ướt, có khuân thì cứ khuân đi! Thằng áng đâu, xúc thóc ra đổ vào thuyền cho các quan! Rồi thì cả làng này nhịn, chết đói vậy!

Thấy ông chánh có vẻ thực thà, bọn cướp không tra khảo gì nữa. Họ chia nhau ra làm hai tốp, năm tên thì đứng vây giữ người nhà, năm tên khác hoặc đốc thúc hoặc cùng thằng áng khiêng thóc đổ vào thuyền của họ.

Khi trên mấy nóc nhà, những nong thóc đã trơ nan ra, thì bọn cướp lôi ông chánh Mận, bắt đi theo. Họ làm việc trong nháy mắt, và vì lẽ không ai chống cự nên họ không để rỏ một giọt máu.

Khi cướp đi đã hơi xa, Phú cởi trói, tìm cách chạy chữa cho anh lực điền thì ông lý khuyên giải bà lão:

– Cụ chớ lo, chốc nữa ông chánh sẽ về. Đây là lương dân ở nơi xa đói khát quá mà phải đi ăn cướp chứ không phải bọn chuyên nghiệp.

Độ nửa giờ sau, ông chánh quả nhiên về thật. Quần áo lướt thướt, ông trèo qua tường vào, nói:

– Chúng nó cởi trói cho tôi rồi đẩy tôi lên cành đa ở ngoài cầu Tréo. Chúng có một thuyền gỗ, sáu thuyền thúng. Đích thị là dân đói!

Rồi ông bảo ông lý:

– Ấy đấy, đầu đuôi là thế, xin ông thảo tờ trình quan cho tôi… Thế là nhà này mai cũng nhịn đói nốt!

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời