Tác phẩm Vỡ Đê – Chương 9

Tác Phẩm “Vỡ Đê – Chương 9” – Xuất bản năm 1936 của tác giả Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939). Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp.


Phú đương phải trong cảnh đau đớn tự giận mình. Chàng hối hận lắm, vì từ lúc bị bắt, chàng chỉ nghĩ đến mẹ. Làm như Phú đã làm thì thật là dại dột vô cùng, vô ý thức vô cùng, nhất là khi anh ruột mình đã bị mười lăm năm biệt xứ, nhất là khi mẹ già chỉ còn trông cậy vào có một mình mà thôi. Bướng bỉnh mà làm gì? Xúi giục dân quê thì ích gì? Vì chưng cái sự khốn nạn của dân quê cũng không thay đổi, mà mình thì lại bị bắt. Trong khi ấy, mẹ già sẽ ra sao? Phú đã nhiều lúc ứa hai hàng lệ. Nhưng chàng cũng hy vọng rằng nếu quan trên kết án cho “công bình” thì tội của chàng chẳng lấy gì làm to. Nhưng mãi mà chưa thấy quan trên lấy khẩu cung! Phú thấy rằng như vậy là ông huyện đã bắt giam trái phép, vì như trong luật đã nói, một viên tri huyện không được bắt giam ai trong lô cốt quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Nghĩ thế rồi, Phú lại chợt nhớ đến việc hộ đê… Thật thế, khi quan trên bận việc đê điều thì việc điều tra kia có thể ngừng trệ cũng được lắm. Phú rùng mình lo lắng cho cái thời hạn tạm giam.

Phú sẽ bị kết vào tội gì, chàng cứ đoán qua cũng đủ biết, Phú bị giam riêng trong một gian phòng của lô cốt, bị canh phòng một cách khá ráo riết như vậy, thì nghĩa là người ta đã coi chàng như một chính trị phạm rồi. Một căn phòng chật hẹp, tường quét hắc ín đen bóng nhễ nhại, chỉ có một ô cửa nhỏ để thông không khí với bên ngoài, tối om om, đến nỗi nếu không có ba bữa cơm thì chàng không thể biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm, và đã bị giam trong bao nhiêu lâu. Mỗi khi đến giờ phát cơm thì cửa sắt vuông bị lòi ra, ba tiếng gõ vào khung cửa, một cái mặt đầy những vẻ hung ác nhẫn tâm nhìn vào, rồi thì một thùng gỗ vuông trong có một nắm cơm và mấy con cá mắm ươn bị nhét qua khe cửa. Một tiếng quát: ” ăn!”, rồi thì cửa lại sập vào khung chốt, phòng lại tối om…

Bữa cơm tù tội thứ nhất trong đời, Phú thấy không thể nào kham nổi. Cá mắm thì gần thối nát, cơm thì nồng nặc những mùi vôi. Lần đầu, vì buồn nôn quá, Phú không ăn được hết nắm cơm, và cũng không thấy đói. Nhưng đến bữa thứ ba thì nắm cơm không còn mùi vôi, cá mắm cũng hóa ra ngon lành rồi! Rệp và muỗi là những thứ làm cho Phú thỉnh thoảng quên mất cái êm ả bứt rứt đáng kinh hoàng của cảnh ngục tù âm u. Đến bấy giờ Phú mới biết cái giá trị của ánh sáng, của không khí, nghĩa là giá trị của tự do, cái điều mà xưa kia chàng không thấy có chút giá trị nào.

Đây, đây, tiếng giày nện vang lô- cốt, Phú mừng thầm, chắc hẳn người ta đã vào lấy khẩu cung… Tiếng khóa trong ổ lách cách, cánh cửa to bị đẩy vào. Phú đứng lên, nhưng một làn ánh sáng kéo ùa vào phòng đã khiến chàng hoa mắt, quáng quàng lên, tự hồ đứng không vững nữa. Khi Phú định được tâm thần rồi, thì có hai người đứng sừng sững trước mặt chàng. Một người trạc độ bốn mươi tuổi, da mặt đen, cái đen thiết bì, hai con mắt to nhiều lòng trắng và ít lòng đen, dưới đôi lông mày rậm như hai con sâu róm, và trên mép, một thứ mép có đôi môi mỏng dính như lúc nào cũng mím miệng vậy, thì có hai cánh râu cong như cái tay lái xe đạp, nó tiêu biểu cho cả con người, về nhân phẩm cũng như về chức nghiệp. Người ấy mặc cái áo sa hoa, đội cái khăn lượt ta, đi một đôi giày tây. Còn người kia thì đầu không khăn, chân giẫm đất, mặc một cái áo tây cũ vải vàng, nét mặt trông lại hung ác hơn nữa, tay cầm một tập giấy.

Phú đoán người vận áo dài là viên lục sự hay thừa phái chi đó, còn anh kia hẳn là người loong toong… Nhưng chính người ấy lại quay cổ ra ngoài phán một cách quyền hành lắm:

– Cho mấy cái ghế vào đây nhé!

Hai phút sau, một viên gác ngục đã đem hai cái ghế nhỏ vào phòng. Rồi người ta lại đóng cái cửa chính, chỉ còn để ngỏ hẳn cái cửa vòng cánh sắt. Xong đâu đấy, cả hai ngồi xuống ghế, rồi người vận áo dài khẽ nói một cách rất ôn tồn:

– Anh nên sửa soạn đáp lại những câu hỏi của quan trên.

Nói xong, người ấy mở rộng cái bìa giấy má trên hai đầu gối, lại lôi ở túi ra một cái bút máy, trong khi người có cái áo tây vàng bắt chân chữ ngũ lên mà rung đùi một cách đắc chí. Đứng trước hai người, Phú khoanh tay ra ý giữ lễ phép, nghĩ ngợi một lát rồi đáp:

– Bẩm vâng, chúng tôi cũng chỉ mong có thế. Thưa ngài, chúng tôi bị giam quá một ngày rồi… Nếu tôi không lầm thì như thế là quá cái quyền hạn bắt giam người của một ông tri huyện. Đáng lẽ người ta phải giải tôi lên tỉnh tùy quyền quan trên.

Người già cười nhạt mà rằng:

– Anh đã hơi biết luật như thế, sao còn làm điều phi pháp như thế?

Phú cãi:

– Tôi làm gì mà phi pháp?

– Thế sao anh lại xui dân phu hộ đê rằng phải có nhận được tiền rồi đã thì mới làm việc?

Phú lại cãi:

– Chính tôi, tôi cũng kêu như thế chứ không phải chỉ xui giục người khác kêu mà thôi. Tôi kêu vì thấy quan huyện hứa rằng Nhà nước có trả tiền cho dân phu phen…

Người có áo tây vàng đứng lên phân vua:

– Thế là anh nhận hai tội rồi đấy nhé. Cứ biết vậy, chốc nữa thì đừng có chối cãi.

Người già lại hỏi Phú:

– Anh cho rằng việc đòi tiền công của anh là chính đáng lắm, có phải thế không?

Phú cứng cỏi đáp:

– Phải! Mà tôi đã làm gì thì tôi không chối cãi! Khi tôi đói thì tôi phải muốn ăn, khi người ta đã hứa gì cho tôi thì tôi có quyền hỏi người ta về lời hứa ấy.

Người già bất bình mà rằng:

– Ừ, thế thì anh cứ biết một mình anh thôi, chứ anh phải bảo người khác mà làm gì?

– Một mình tôi kêu thì không ăn thua, phải nhiều người kêu thì mới có kết quả được!

Sau khi đáp thế, Phú tưởng người lấy cung sẽ bắt bẻ chàng một vài điều gì nữa. Nhưng không! Người ấy lặng lẽ cúi đầu hí hoáy viết trên giấy trắng. Phú không biết vô tình đã mắc mưu. Viên lục sự già đã chép đúng những lời hỏi của mình cũng như những câu đáp ngay thật bướng bỉnh của Phú… Thì ra đáp như thế, Phú đã tự buộc mình vào dây của pháp luật mà không biết.

Về sau người lục sự già lại hỏi:

– Thế anh nghi cho quan huyện sở tại trẩm công xá của dân phu hay sao mà anh lại phải cổ động rầm rĩ như thế? Anh có biết rằng làm như anh làm, chính là thiếu lễ phép với quan trên không?

Thấy cái lòng thành thực của mình đối với nhà chức trách mà lại bị ngờ vực như thế, Phú phát cáu, lại đáp:

– Tôi đâu dám ngờ ông huyện có cái bụng dạ tầm thường ấy, nhưng mà tôi ngờ bọn lý dịch. Vì rằng điều không ai là không biết, là bọn lý dịch vẫn thường bóp hầu bóp cổ và nhũng lạm, và biển thủ tiền của đám cùng đinh. Tôi muốn quan trên đề phòng cho cùng dân cái nạn ấy chứ không có cái ý gì khác!

Viên lục sự nghe xong lại chăm chú ghi những câu hỏi đáp trên mặt giấy. Đoạn lại ngửng mặt lên hất hàm hỏi:

– Do việc xui giục của anh mà lính phải bắn súng chỉ thiên để thị uy, mà dân thì phải mấy người bị thương trong khi giải tán. Nhà nước buộc anh phải chịu trách nhiệm ấy thì anh bảo sao?

– Tôi không chịu trách nhiệm về khoản ấy! Buộc tội như vậy là thậm vô lý.

Viên lục sự lại chép nữa. Sau cùng viên ấy bảo:

– Đây tôi đọc lại anh nghe. Anh đáp thế nào, tôi chép vào biên bản đúng như thế, không có sai một chữ. Để tôi cho anh biết cái lương tâm về phận sự của tôi, không có mai sau anh lại kêu là người lấy cung cố tình làm sai sự thực để anh phải tội.

Rồi viên ấy đọc lại những câu Phú đã đáp.

– Thế nào? Tôi có thuật sai không?

– Không, cám ơn ông, ông làm biên bản đúng lắm.

– Thế thì anh ký nhận vào đây hộ một chữ.

– Vâng, tôi xin ký.

Nói xong, chẳng nghĩ ngợi xa xôi, Phú ký ngay vào giấy. Thế là xong! Chàng chẳng biết đã mắc mưu viên lục sự già, cái người suốt đời chỉ làm cái việc nham hiểm là buộc tội mọi người bằng những câu hỏi vặn loanh quanh. Phú không biết rằng điều cốt yếu của người lấy cung chỉ là làm thế nào buộc Phú phải nhận cái tội có xui dân phu đình công và biểu tình thôi. Những lời kết án gay gắt khác là để cho bị cáo không kịp nghĩ đến sự chối cãi cái tội chính.

Phú ký xong một chữ thì người ấy mới dõng dạc nói:

– Tốt lắm! Anh là người cũng hiểu đôi chút pháp luật là lại còn phạm luật. Để rồi nay mai anh ra tòa mà cãi. Nhưng mà tiện đây thì tôi cũng làm phúc đọc cho anh rõ anh bị buộc vào tội gì… Nghe đây này!

Cúi xuống tập giấy, viên lục sự tìm tòi rồi đọc:

– “Hoàng Việt Hình Luật, hiện hành trong xứ nào thuộc tòa Nam án. Điều thứ 128… Những người nào xui giục người ta bãi khóa đình công, hay là không chịu ứng thí bất cứ là phạm cách nào, thời sẽ bị giam từ 3 tháng đến 2 năm, hay là phạt tiền từ 30 đồng đến 210 đồng. Nếu sự xui giục ấy thành hiệu, thời sẽ bị giam từ 2 năm đến 5 năm. Những kẻ tòng phạm thì sẽ bị nghị xử một nửa tội danh của chính phạm.

“Điều thứ 147 – Người nào dùng sự hành hung, dọa nạt, cổ động mà xui người ta hay là toan xui người ta rủ nhau đình công cốt để bắt buộc phải tăng lên hay là hạ tiền công xuống, hoặc là ngăn trở sự tự do của công nghệ và làm việc làm ăn, thời sẽ bị các tội danh trên này (phạt giam từ 1 tháng đến 1 năm hay là phạt bạc từ 10 đồng đến 120 đồng, không cứ chính phạm hay tòng phạm; và lại có thể chiểu theo điều 23 mà giao quản). Nếu tình cờ có xảy ra tội nặng hơn thì sẽ tùy theo tình trạng sự hành hung và địa vị người bị hại mà nghị xử nặng hơn!

Đọc xong, viên lục sự khoanh tay, hỏi Phú bằng mấy cái hất hàm. Anh chàng áo tây thì lại vung chân một cách khả ố hơn nữa. Nhưng Phú không đáp lại chỉ khoanh tay, đứng dựa lưng vào tường. Viên lục sự nói tiếp:

– Việc xui dân biểu tình anh đã nhận rồi. Thế là tốt lắm. Nhưng mà sự trị an của các nhà cầm quyền không phải chỉ có thế. Xong việc kia rồi thì bây giờ tôi có bổn phận phải hỏi cho ra rằng anh là người của một hội kín nào, của một đảng kín nào…

Phú lắc đầu:

– Tôi chẳng ở hội kín nào cả! Không cứ phải là một đảng viên cách mạng thì mới biết kêu đói, đòi công!

– Im! Câm mồm!

Người áo tây vàng nói leo vào:

– Ông lại dần xác ra bây giờ chứ hỗn thế à! Bố anh, anh ruột anh đều chống lại chính phủ. Bây giờ thì đến lượt anh! Mau lên khai ra… Đừng chối cãi vô ích. Đã bị bắt vào đây thì không ai chối cãi được! Muốn tử tế thì mau khai ra, anh chịu mệnh lệnh của đảng nào?

– Tôi không vào đảng kín nào cả, oan tôi lắm! Buộc tội tôi đến thế nữa thì quá lắm!

– Đừng nói thế! Tôi chỉ làm bổn phận của tôi. Anh đừng tưởng quan trên không biết những hành động của anh trong mấy năm nay, sau khi anh bỏ học. Anh đã cổ động cho cả làng anh ai cũng có tư tưởng phiến loạn, điều ấy, đừng có che mắt nhà chức trách…

– Không làm gì có những chuyện ấy!

– Anh là một đảng viên cộng sản, có không? Chi bộ anh có tên chánh Mận, người làng anh, làm thủ quỹ, có không? Tên chánh Mận muốn che mắt thế gian, định lấy chị ruột anh để hành động mọi việc cho dễ, có không? Hôm rằm tháng chạp năm ngoái, lão có triệu tập một phiên họp bí mật tại nhà lão, có không?

Nghe thế, Phú khoanh tay, ưỡn ngực lên. Chàng hiểu ngay cái dã tâm của tụi sai nha định buộc tội lương dân, những người có máu mặt, để hòng bóp nặn, vơ vét… Chàng trừng trừng nhìn lão mà nói:

– Thưa ông, ông hỏi ra ngoài đầu đề mất rồi. Tôi có thể đáp lại những câu hỏi vặn như thế trước mặt ông công sứ, hay ít ra cũng ông huyện.

Tức thì viên lục sự đứng phắt lên, đập vào ngực mình thình thình thình, hết sức giận dữ mà rằng:

– Nhưng mà tao đây, hiện giờ thay quyền quan huyện hỏi cung mày, mày có biết không? Mày có biết bố mày đây là ai không? Mày có biết rằng dù ông huyện nào đến đây thì cũng chỉ một tay bố mày đây, làm án từ và cai trị dân mà thôi hay không?

Đoạn lão liếc mắt ra hiệu cho anh chàng áo tây ngắn. Tên này đứng lên, lại gần Phú, tát cho đánh bốp một cái vào hai mắt, Phú loạng choạng.

Nó đấm một cái bằng tay phải, đoạn lại đấm móc lại cái nữa bằng tay trái. Bị hai quả đấm vào hai má, Phú ngã ngồi xuống đất…

– Muốn chết vì tra tấn hay muốn sự thực tường khai thì bảo tao?

Nói thế rồi, nó lại túm tóc lôi Phú, bắt ngồi xuống cái ghế của nó. Phú khặc khờ, ho lên mấy tiếng, bưng lấy mặt, choáng váng… Đến khi Phú ngồi xem chừng đã vững thì một cái thụi vào giữa ngực lại khiến chàng ngã lăn một nơi, cái ghế bắn ra một nơi…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời