100. ĐẰNG SAU CHẤM NHỎ

Thầy giáo dùng phấn trắng chấm lên tấm bảng đen, sau đó hỏi học sinh:

— Các em nhìn thấy cái gì?

Cả lớp 50 em học sinh đều đồng thanh đáp:

— Một chấm trắng.

Thầy giáo nói:

— Không đúng.

Các học sinh ngạc nhiên hỏi lại:

— Sao lại không đúng ạ? Rõ ràng là một chấm trắng mà!

Một học sinh bạo dạn đến gần bảng đen, muốn nhìn kỹ dấu chấm mà thầy giáo vừa chấm lên rốt cuộc là cái gì, nhìn trái nhìn phải, nhìn trên nhìn dưới, nhìn rất nhiều lần, vẫn chỉ là chấm trắng, liền nói một cách dứt khoát:

— Thưa thầy, không thể nào sai được. Đó đích thực là một dấu chấm màu trắng.

Thầy giáo nói:

— Các em có 50 cặp mắt, mà toàn nhìn ra là một điểm trắng à?

Lại có một bạn nữa:

— Thưa thầy, có phải thầy đang muốn chúng em phải dùng trí tưởng tượng không?

Thầy giáo phủ định:

— Tôi không dạy môn văn. Tôi hỏi các em nhìn thấy cái gì là hiện thực.

— Hiện thực là một chấm trắng! – 50 học sinh đồng thanh đáp.

— Chẳng lẽ các em không nhìn thấy tấm bảng đen đằng sau dấu chấm và bức tường đằng sau cái bảng đen? – Thầy giáo hỏi.

50 học sinh lúc này mới vỡ lẽ. Chỉ nhìn thấy chấm trắng trên bảng mà quên mất cái bảng đen và bức tường đằng sau nó. Đây không phải là sai lầm mà chúng ta vẫn hay phạm phải trong cuộc sống sao?

Chúng ta phạm phải sai lầm này vì tư duy quán tính, thời gian qua đi làm cho tầm nhìn của ta bi hạn chế.

Tư duy định hình chỉ làm cho chúng ta nhìn thấy ngôi sao lóng lánh, mà quên mất đằng sau nó là bầu trời và cả vũ trụ bao la.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Bài Viết Được Xem Nhiều