Tác phẩm Vợ Già Chồng Trẻ – Chương 9

Tác Phẩm “Vợ già chồng trẻ – Chương 9” – Xuất bản năm 1957 của tác giả Hồ Biểu Chánh (1884 – 1958). Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ.


Cô giáo Tý đem em nhỏ vô mùng dỗ em ngủ rồi cô kêu con Hòa biểu vô nằm với em. Cô bước ra ngoài thấy sắp nhỏ trong đường hẻm chạy chơi la giỡn cười nói om sòm, còn mẹ cô ngồi chống hai tay trên bàn, mặt mày buồn hiu, cô nghi mẹ cô có việc ưu phiền trong lòng nên mới lộ vẽ áo não ra ngoài mặt.

      Cô Tý kéo ghế ngồi ngang với mẹ, nhìn mẹ một chút rồi nhỏ nhẹ hỏi: “Lúc nầy ở trong nhà có đủ tiền xài hay không má?”

      Cô Xuyến ngó con mà đáp: “Ðủ chớ. Ba con bây giờ mỗi kỳ lãnh tiền được tới tám chục, thành ra mỗi tháng một trăm sáu, giữ sáu chục mà xài, giao cho má tới một trăm. Má may cầm chừng cho chị em trong xóm, phần má kiếm mỗi tháng được năm ba chục nữa. Má không cần mướn người ở, thành ra số ăn xài trong nhà không tốn hao lắm đâu. Tháng nào cũng có dư đôi ba chục luôn luôn; có thiếu hụt đâu mà con lo.”

      Tý hỏi nữa: “Vậy thì sao mà má ốm? Chuyến nầy con về con thấy má ốm nhiều. Mà con còn nhận thấy tuy có con về má mừng, song bộ má không được vui như hồi trước. Sắc mặt má có nét buồn. Có việc chi hay sao mà má buồn? Bây giờ có một mình con với má, đâu má nói thiệt cho con nghe thử coi.”

      Cô Xuyến thở một hơi dài rồi chậm rãi đáp: “Có việc chi đâu con.”

      Tý nói: “Má không bịnh hoạn, tiền bạc dư, trong nhà không có việc chi thì tại sao mà má ốm. Con nghi phải có việc chi làm cho má buồn ngấm ngầm trong lòng, má ăn ngủ không được, nên má mới ốm chớ. Má phải nói thiệt với con, chớ sao má lại giấu con?”

      Cô Xuyến ngồi lặng thinh, sắc mặt càng thêm buồn.

      Tý nói tiếp: “Má sanh có một mình con. Nhờ ơn ba má lo cho con ăn học, nên ngày nay con đã có một địa vị tuy không cao sang cho lắm, song cũng không đến nỗi hèn hạ. Con đã có chồng tử tế, đã sanh được một đứa con trai khứa kháo dễ nuôi. Con về từ sớm mơi hôm qua tới giờ, con để ý dòm xem cử chỉ của ba, thì thấy con về ba rất vui mừng, ba thân thiết với rể, ba nựng nịu cháu ngoại. Ðối với con, ba cũng vẫn thương yêu như hồi con còn nhỏ. Ðối với má thì ba cũng quí trọng, vui vẻ như xưa. Gia đình của mình êm ấm no đủ như vầy thì khá gọi là có hạnh phúc lắm rồi, còn mong muốn cao xa trật dọc làm chi nữa.”

      Tý liếc thấy mẹ ngồi trầm ngâm mà ứa nước mắt, cô bèn nói tiếp nữa: “Con nhớ ngày ba trước mất, con mới được bảy tuổi, nhưng mà con biết chuyện đủ rồi. Mẹ con mình ở trong một căn nhà lá bủm thủm bên xóm Ụ Tàu, ngày đêm má phải ngồi may mướn mới có tiền mua gạo mà ăn với nhau. Mà ăn cơm thì chỉ có một món mặn mặn dễ nuốt vậy thôi, chớ đâu có thịt cá như bây giờ. Nhờ ba sau yêu má, rồi mướn căn nhà nầy đem mẹ con mình về ở chung với ba, má mới được thảnh thơi, lần lần sắm đồ đạc trong nhà, bề ăn ở mới được sung sướng một chút. Còn phận con thì con cũng nhờ ba sau lo cho con ăn học hẳn hòi con mới lập thân được, rồi đứng gả con lấy chồng, con mới được tử tế như vầy. Con thấy chuyện bây giờ rồi con nhớ chuyện hồi trước, thì con cho mẹ con mình đã có phước lắm rồi. Vậy má nên vui lòng mà ăn ngon, ngủ khỏe đặng bổ sức sống lâu với con, má chẳng nên ân hận về việc xưa, dầu ba có làm điều chi má không ưng ý, má cũng nên khỏa lấp, má đừng thèm kể, đừng thèm buồn. Má nên vui với ngày già mà sống đặng hưởng hạnh phúc với chồng con. Năm nay tóc má đã bạc, răng má đã rụng, da má đã dùn, nếu má ôm lòng ưu phiền thì con sợ e má ốm o mà sanh bịnh hoạn, rồi cảnh già sẽ tới gấp cho má nữa thì càng thêm khổ.”

      Cô Xuyến mang tâm hồn đa sầu đa cảm, mà bị con đụng tới nhược điểm của cô, thì cô xúc động chịu không nổi, nên nước mắt cô tuôn ra cô cầm không được. Cô đứng dậy bước ra khép khít hai cánh cửa rồi mới trở lại ngồi mà khóc.

      Tý thấy mẹ như vậy cô cũng ứa nước mắt mà nói: “Má có việc chi ức uất xin má nói rõ cho con biết đặng con liệu coi có thể gở mối sầu cho má được hay không. Má banh da xé thịt má đẻ con ra. Con là khí huyết của má. Có việc chi làm cho má buồn rầu, má phải chia sớt cho con, chớ sao mẹ lại giấu con.”

      Cô Xuyến nhìn con với cặp mắt chan chứa thân yêu, cô lấy vạt áo mà lau giọt lụy rồi cô nói:

–         Má thắc mắc nỗi lòng đã hai năm rồi mà má không thể nói ra được. Con là máu thịt của má, mà má cũng không thể cho con biết, nghĩ vì con biết thì bận thêm lòng con mà không ích gì cho má.

–         Dầu không ích, má cũng phải nói cho con hiểu chớ. Vì má mà con bận lòng là việc dĩ nhiên. Má không chịu nói, con càng bận nhiều hơn nữa.

–         Con muốn biết thì bữa nay má nói hết cho con nghe.

–         Má cứ nói thiệt, đừng dấu chi hết. Con đã có đủ trí khôn, con biết quấy phải, biết xử sự. Nếu má giấu thì con có biết má đau khổ chỗ nào đâu mà chữa.

–         Hồi nãy con nói khi cha con chết, con mới được bảy tuổi, nhưng con biết đủ chuyện hết. Con có biết là biết chuyện con thấy, còn chuyện con không thấy, hoặc không hiểu, thì con biết sao cho được. Từ ngày má làm bạn với cha con cho tới ngày cha con chết, khoảng đời đó dài đến 11 năm, má chịu đau khổ hàng ngày, mà khổ thân má không kể, má chỉ buồn và khổ trí mà thôi.

–         Con nhớ hễ cha say rượu thì cha cứ đánh chửi má.

–         Ðó là một trong những cái khổ của má mà thôi. Nỗi đau khổ nhứt của má là vợ mà không thấy chồng làm một điều gì, cũng không nghe chồng nói một câu nào có tình hay có nghĩa hết. Thân má cũng như vật ngộ ngộ để cho người chồng thỏa nhục dục vậy thôi. Bởi vậy má chán nản, kể đời của má là một chuỗi sầu đến chết cũng chưa được biết một ngày hoặc một giờ vui nào hết. Tấm thân má chẳng khác nào cái xác không hồn. Ngày má sanh con ra, má thương con, nên má lấy con mà làm mục đích cho đời sống của má. Từ đó má kể con, chớ má không kể đến chồng nữa, dầu chồng làm khổ cho má cách nào má cũng sống mà nuôi con. Thình lình cha con vì tật say sưa mà chết bờ chết bụi. Chồng chết không lẽ má vui, mà thiệt cái chết đó mới giải thoát khổ não cho má. Má quyết ở giá mà may mướn hoặc làm bánh bán kiếm tiền lời mà nuôi con cho nên vai nên vóc. Má đã chán cảnh đời làm vợ người rồi, nên má quyết định không làm vợ ai nữa hết. Nào dè ba con bây giờ đó, lúc ấy là trai mới lớn lên, anh ta ở gần nhà mình mấy năm, biết gia đạo của mình, hiểu tâm hồn của má, lại thương nỗi khổ của má nữa. Thấy cha con đã chết, anh ta đến nói ngay với má rằng đối với má anh ta mang một tình yêu nồng nhiệt nặng nề. Anh ta xin má ưng làm vợ đặng anh để tất cả tình yêu cho má thưởng thức, gây hạnh phúc gia đình cho má vui hưởng. Anh ta quyết giúp cho má sung sướng trong khoảng đời tương lai và giúp nuôi con hẳn hòi, hứa sẽ thương yêu con cũng như con ruột của anh ta vậy.

–         Con công nhận ba đã giữ vẹn mấy lời hứa đó.

–         Má cũng không chối cãi. Nhưng con nên biết rằng hồi đó ba con mới 20 tuổi, còn má tới 31 tuổi, má lớn hơn ba con nhiều quá. Tuy má ngao ngán cái cảnh vợ chồng, song má là người khao khát tình yêu, bởi vậy nghe lời nói thiết tha lại thấy bộ tướng thành thiệt, má phới động tâm hồn, không có đủ nghị lực mà cự tuyệt. Nhưng má trọng tuổi mà có kinh nghiệm về thế thái nhân tình, má lo ngại quá, một là vợ chồng không xứng đôi vừa lứa sợ thiên hạ cười chê, hai là nghĩ không còn mấy năm nữa má sẽ già, mà ba con còn trai trẻ, ba con sẽ chán mà bỏ má, làm cho đời má phải mang thêm một tủi nhục khác nữa. Má nói ngay với ba con, má khuyên anh ta phải suy nghĩ lại, không nên hốt tốc mà hại má phải đau khổ lần thứ nhì. Má xin cưới gái son đồng chạn mà cưới vợ, còn có yêu má thì yêu theo tình chị em rồi gần gũi hoặc chung chạ cho vui vậy thôi. Mãn kỳ hạn 10 ngày, ba con trở lại nói cương quyết rằng trên đời chỉ yêu có một mình má, phải phối hiệp với má mà thôi, thề thốt sẽ yêu má mãn đời, sẽ thương con như con ruột và sẽ xây nền hạnh phúc cho mẹ con mình hưởng, không kể tiếng thị phi về tuổi tác chinh lịch. Má khao khát tình yêu, lúc đó mới được gặp tình yêu vừa chơn thành vừa nồng nhiệt, má không còn sức mà phân trần phải quấy nữa, xuôi tay nhắm mắt giao trái tim của má cho ba con, phú may rủi cho số mạng.

–         Theo ý con, thì may chớ đâu phải rủi.

–         Khoan! Ðể má nói hết rồi con sẽ biết.Vì má không chống nổi tình yêu trặc trẹo của ba con đó, nên ba con mới kiếm sang căn phố đặng dọn về ở chung với nhau mà tránh tiếng cười chê của người quen biết bên vùng Vĩnh Hội. Trót mười mấy năm ở đây, tuy không phải giàu có gì, song ba con giao tất cả tình yêu cho má, lại còn làm đại nghĩa với con nữa, thiệt nhờ ba con mà đời của má tưởng đã khô héo rồi chết rụi, chẳng dè nó xanh tươi lại, làm cho má vui sướng chẳng khác nào như lặn hụp giữa vời được người cứu vớt đem lên bờ. Chung sống với ba con trong căn nhà nầy má vui sướng như ở trên cõi thần tiên. Chừng con thi đậu được đi làm cô giáo thì má còn mãn nguyện mà ba con cũng làm tròn lời hứa. Năm đó má nhận thấy má đã bắt đầu già rồi. Nhưng má nghĩ dầu má chết má cũng vui lòng mát dạ, ngặt tình yêu với nghĩa nặng của ba con sờ sờ đó, má phải níu sự sống mà đền đáp cho ba con, chớ chết té ra má vô tình bạc nghĩa. Nào dè cảnh già của má càng ngày càng phát hiện rõ ràng, không thể giấu giếm được. Trong vài năm sau đây, chính từ ngày gả con lấy chồng rồi, má liếc mắt dòm coi thì ba con đã thấy sắc điêu tàn của má. Ðiều má lo ngại ngày trước thì ngày nay nó đã tới rồi. Thiệt tuy thấy má già, song ba con chẳng hề khinh bỉ hay bạc bẽo má. Vợ chồng cũng vẫn đầm ấm như thường nhưng vài năm nay ba con thường có sắc buồn rồi hay thả đi chơi, mỗi tuần vài đêm, có đêm lối 11 giờ thì về, mà có đêm đi tới một hai giờ khuya. Còn thứ bảy, chúa nhựt thì đi luôn luôn, đi như bữa nay, tối thứ bảy hễ ăn cơm rồi thì đi biệt, có khi sáng chú nhựt thì về, có khi chiều tối mới về.

–         Má có hỏi ba đi đâu không?

–         Hỏi làm chi con. Hỏi sợ ba con buồn. Mà có khi tự nhiên ba con nói người nầy rủ đi chơi, hoặc người nọ mời đi ăn uống, nói sao má hay vậy chớ má không dám gạn hỏi. Mà hễ đi ban đêm thì má ngủ không được, má ở nhà má thức má may mà chờ, có khi má thức tới sáng bét.

–         Tại như vậy nên má ốm chớ gì. Ăn ngủ không được, tự nhiên phải ốm, phải già gấp. Má không chịu hỏi, thì ít nữa má cũng lén đi theo mà rình coi ba con đi đâu chớ.

–         Con bày cái đó càng bậy hơn nữa. Trót mười mấy năm nay ba con cho má hưởng tình yêu ngỏa nguê, hưởng cái hạnh phúc tuyệt vọng mà má đã chắc má hết thấy được. Say sưa với tình yêu chơn thành và nồng nhiệt tới mười mấy năm, má nghĩ đã nhiều lắm con à. Ngày nay má già rồi, mà ba con còn trẻ, má đã có biết cái hoàn cảnh ấy từ khi ba má muốn phối hiệp với nhau, bởi vậy má không lạ gì, mà cũng không uất ức gì mà ghen tương, nên đi theo đặng rình rập. Má biết thân phận má đã già, sắc đã phai màu dã lợt, nên ba con mới đi tìm mùi thơm sắc đẹp mà vui chơi. Thiệt ban đầu má cũng có lo gìn giữ tình yêu của ba con cho lâu dài hơn, giữ được ngày nào hay ngày nấy. Má sửa dáng, má thay răng, má dấu chỗ da dùn, má che mái tóc bạc. Ngặt cái già nó không để cho má ngăn cản, nó cứ mạnh dạn mà tới hoài. Má ngăn cản không nổi, má phải đành chịu thua khoanh tay an phận. Má thầm nghĩ hễ người chồng mà chán rồi thì chẳng nên làm cho họ buồn, họ giận. Nếu mình ghen tương chọc họ giận, họ buồn thì họ càng bỏ mình mau hơn nữa. Bởi nghĩ như vậy nên hai năm nay má đau khổ về tình yêu sắp tan rã, nhưng má rán dằn lòng mím miệng mà chịu, không dám than thở với ba con, cứ làm cho ba con vui vẻ luôn luôn, nhờ vậy má mới níu được chút đỉnh tình yêu, ba con không nỡ bỏ má già cả mà theo tình yêu trẻ trung son giá.

–         Má đau khổ mà má cứ giấu giếm ôm lòng mà chịu riêng, má phải chết gấp chớ. Má phải làm sao cho ba đừng đi chơi nữa. Như má không chịu rầy rà, thì ít nữa má cũng năn nỉ khóc lóc mà can ba mới phải chớ.

–         Can gián sao được con. Má phải biết thân phận má đã già mà ba con còn trẻ. Tại má già nên ba con mới kiếm người trang lứa cho vui. Ðó là lẽ tự nhiên. Má cượng cầu sao được. Hơn nữa ba con đã cho má thưởng thức tình yêu mười mấy năm trường, má nghĩ đã nhiều quá rồi, má không được phép đòi hỏi thêm nữa. Huống chi má còn chịu cái ơn của ba con tác thành cho nó (???). Ðó là nghĩa nặng, mà phải lo mà đáp, chớ đâu dám làm buồn cho ba con. Thà má ôm đau khổ mà chết, chớ má không nỡ làm phật ý người tình, người nghĩa của má.

–         Ba đi chơi hoài như vậy chắc ba có trai gái với người nào đó chớ gì. Má có biết ba kết tình với ai hay không? Việc lâu quá có lẽ người ta cũng đồn thấu tới tai má chớ.

      Cô Xuyến ngồi trầm ngâm không nói nữa. Tý thôi thúc xin mẹ nói cho cô biết coi cha cô kết tình với ai ở đâu mà gây buồn thảm cho mẹ như vầy.

      Cô Xuyến nghĩ mấy năm nay không có người tâm phúc cho cô than thở đặng nhẹ bớt nỗi lòng. Hôm nay có dịp gặp con, cô đã tỏ bày tâm sự gần đủ hết rồi, không cần phải giấu làm chi nữa, bởi vậy cô thở một hơi dài rồi nói tiếp: “Thiệt hai năm nay vì sợ làm buồn cho ba con nên má không dám hỏi đon hỏi reng, mà má cũng không dám theo mà rình rập. Nhưng chị em trong xóm họ thương má, họ hay hết nên hôm trước họ có học với má. Họ nói hơn một năm nay ba con trai gái với cô Lựu, con gái bà Tư Yến, có sặp bán hàng vải ngoài chợ Ông Lãnh, người thì gặp dắt nhau đi chơi, người thì gặp hai người đi coi hát.”

Cô Tý trợn mắt ngó mẹ mà hỏi:

–         Họ có nói cô Lựu đó bao lớn hay không má?

–         Họ nói hai mươi ngoài tuổi, lối 23 hoặc 24 tuổi, chớ không lớn hơn.

–         Cỡ tuổi con, có lẽ con biết. Họ có nói đẹp hay không má?

–         Nước da trắng, dễ coi, gương mặt vui vẻ.

–         Họ có nói nhà cửa ở đâu hay không?

–         Có người biết. Họ nói ở bên rạch Cầu dừa. Họ lại chỉ rành, họ nói ở nhà ngói hai căn vách ván, ở bên phía hãng Liên Thành, trở cửa ngang lò heo, ở ngoài dốc cầu đi theo mé rạch mà vô, bỏ vài cái nhà thì tới. Cô Lựu ở đó với cha mẹ.

–         Má biết rõ như vậy, sao má không qua mà bắt ba?

–         Bắt làm chi? Ba con đi làm về, má không dám làm mặt buồn với ba con. Có lẽ nào má dám làm rầy rà xấu hổ cho ba con.

      Cô Tý lắc đầu, bậm môi, kế nghe tiếng con khóc trong buồng, cô vội vã đi vô mà dỗ con. Cô Xuyến gài cửa rồi tắt đèn đi vô giường mà nằm.

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời