PHẦN XIV: SỐNG MÒN – NAM CAO – 1956

TÁC PHẨM SỐNG MÒN – TÁC GIẢ NAM CAO – NĂM XUẤT BẢN 1956 – CHƯƠNG XIV.

Những câu nói của Oanh về nhà trường khiến Thứ rất căm. Oanh nói thế, nghĩa là Oanh không chịu một trách nhiệm gì, bởi không có quyền định đoạt gì. Oanh chỉ là một người trông coi nhà trường thuê cho Đích mà thôi. Đích bảo trả Thứ hai mươi đồng, Oanh trả Thứ hai mươi đồng. Đích bảo trả San mười hai đồng thì Oanh trả đủ San mười hai đồng. Oanh chả cần hiểu như thế có xứng đáng hay không. Oanh chẳng bạc đãi ai, chẳng lợi lộc gì. Nếu quả thật có người tham lam, vơ vét thật nhiều về cái trường này, chẳng nghĩ gì đến công lao khó nhọc của Thứ và San, thì người ấy chính là Đích, anh họ Thứ. Thứ có oán thì oán Đích! Như thế là Đích không muốn cũng vẫn mang tiếng là người tệ. Oanh còn có một cái dụng ý thứ hai: Oanh định bắt Thứ phải câm miệng mãi. Oanh thừa biết Thứ và Đích có tình nghĩa an hem, tất phải nể nhau. Quyền định đoạt ở Oanh, thì Thứ còn có thể kêu ca. Nhưng quyền ở Đích, chắc Thứ có muốn kêu ca cũng ngại… Hẳn Oanh nghĩ thế. Đã vậy thì được lắm!…

Thứ đem những lời Oanh nói lại với San. San rất bất bình. Y đỏ mặt, tía tai, gân cổ lên, xỉ mắng Oanh:

– Nói không ngửi được! Đích đi làm, đã có lương thì cứ trông vào lương mà sống, còn trông vào cái trường này làm gì nữa? Đích tham lam quá! Đích lĩnh sáu mươi đồng bạc một tháng, còn kêu không đủ, thì chúng mình chỉ có một phần ba với một phần năm số sáu mươi đồng, sao vẫn phải tiêu đủ mãi!… Nhưng tôi chắc rằng Oanh làm màu mè ra như thế đó thôi. Chẳng được lợi lộc gì vào cái trường này… Bịt mắt ai, chứ bịt mắt chúng mình sao nổi? Chẳng lợi lộc gì thì tiền đâu mà may áo nhung, sắm đồ vàng, nuôi bà, nuôi mấy đứa cháu, đứa em, lại còn cưới vợ cho thằng em lớn nữa chứ? Cả nhà Oanh sống vì cái trường này, chứ còn vì đâu.

– Được rồi…

Thứ định viết cho Đích một bức thư. Y sẽ thẳng băng chẳng cần nể nang gì. Nói thẳng với nhau thì có lẽ Thứ không đủ can đảm nói đâu. Đừng nói gì đối với Đích là chỗ an hem: ngay đối với Oanh, Thứ cũng không nỡ nói. Nhưng mà viết!… Nhất là Đích đi làm thế, cứ phải đổi đi xa Hà Nội mãi mãi, thì có khi đến bốn, năm năm nữa, y và Thứ cũng chưa có dịp gặp nhau. Lâu rồi người ta quên đi. Về sau có gặp nhau, chắc hai bên cũng ngượng lắm… Thứ cân nhắc đến mấy lần như vậy. Y sắp viết, thì y chợt nhận được một lá thư của Đích. Đại khái như thế này:

“Thứ rất thân yêu!”

“Lâu nay, không có thư cho Thứ. Lỗi tại chiến tranh Sở tăng giờ làm. Công việc nhiều lên. Bận lắm! Thứ thế nào? Có mạnh khỏe chăng? Hà Nội vui chăng? Ở nhà quê mình có gì lạ không? Cả nhà sức khỏe thế nào? Bé con vẫn ngoan đấy chứ? Đích mong thư Thứ lắm.

À, Đích còn muốn nhờ Thứ việc này. Đích có tin cậy vào sự tận tâm và tính kín đáo của Thứ được chăng? Hẳn Thứ cũng biết Cảnh đấy chứ gì? Anh chàng xinh trai ở chung với Đích ở trường, hồi trường mới mở ấy mà. Đích nhớ như hồi ấy Thứ mới ở Sài Gòn về, có lên chơi với Đích mấy ngày, và đã có dịp làm quen với Cảnh. Phải không? Anh chàng ấy là một dân hay lượn phố.

Nhưng có điều này mà chắc Thứ cũng có biết nhưng biết không được rõ: Cảnh còn là ân nhân của nhà trường. Nói thiết thực hơn, một người chung vốn để mở trường. Y đã giúp trường về tiền, cũng như về công sức khá nhiều. Cố nhiên là y chẳng nghĩ đến đấy nữa đâu. Anh chàng ấy tốt bụng và rộng rãi, đối với bạn, y không ưa tính toán. Nhưng Đích lại nghe nói rằng hình như lớp này anh chàng túng và đã một vài lần đến hỏi vay Oanh, hoặc ở trường hoặc ở nhà riêng. Oanh giấu Đích điều ấy, bởi vì Oanh không muốn Đích phải bận tâm. Nhưng Oanh làm gì có tiền dư? Số thu của nhà trường chỉ vừa đủ số chi. Có tháng Đích còn phải gửi tiền thêm. Đích cũng không muốn cho Oanh, hiện nay đã đủ thứ lo rồi, lại còn phải thêm một cái lo chạy tiền cho Cảnh. Bởi vì dù thế nào thì chúng ta cũng nên trả lại Cảnh phần vốn của y đã góp xưa. Y đã có lòng tốt, cố quên đi. Nhưng chúng ta cũng cố quên thì bất tiện.

Vậy Thứ giùm Đích nhé! Thứ đừng hỏi Oanh nhưng cứ ngầm ngầm dò xem có thật Cảnh vẫn đến trường hoặc đến nhà riêng của Oanh không? Nếu đúng, thì đích là Cảnh cần tiền, Đích sẽ bỏ tiền túi của Đích ra gửi trả y, để khỏi hao hụt quá cho quỹ nhà trường và để khỏi bận lòng Oanh. Đích không muốn Oanh phải lo lắng quá, túng thiếu quá, đến thành ốm được. Vậy Đích trông vào Thứ đấy. Thứ để ý dò xem. Nhưng – Đích nhắc lại – phải cẩn thận đừng cho Oanh biết đấy. Nếu Oanh biết Oanh sẽ không để cho Đích trả tiền Cảnh đâu. Oanh cứ muốn việc nào riêng việc ấy, nợ của nhà trường thì chỉ có nhà trường mới có quyền trả thôi.

Xin tạm biệt! Thứ vui vẻ nhé!

ĐÍCH”


Đọc xong Thứ mỉm cười. Y đưa lá thư của Đích cho San. San đọc và mặt y sầm tối lại. Thứ cười ranh mãnh, hỏi:

– Anh nghĩ thế nào?

– Kịch cả! Kịch Corneille… Đời lấy đâu ra nhiều người tốt thế?

– Nghĩa là?…

– Nghĩa là Đích lòe anh! Điều thứ nhất: theo ý tôi thì Cảnh vẫn như thường, chẳng túng gì. Điều thứ hai, Cảnh có túng Đích cũng chẳng biết đấy là đâu. Điều thứ ba, Đích có biết: Đích cũng lờ đi. Điều nữa: dù Đích quả có ý tốt không muốn lờ đi thì nhà trường cũng thừa tiền trả Cảnh, chẳng phải đến nỗi Oanh phải vì lo mà ốm!…

– Theo ý anh, thì Đích viết thư này để làm gì?

– Tôi đã bảo: để lòe anh. Ra sự rằng Đích tốt, Đích ở tử tế, phân minh. Đích cũng như Oanh chẳng lợi gì về cái nhà trường này, và còn thiệt hại thêm và họ cố giữ lấy muốn làm ơn cho hai ta đấy! Vả lại cũng phải tỏ rằng đã phải bỏ vốn ra để mở trường, mà cái vốn ấy, thu về chưa đủ. Đích muốn bảo chúng mình: “Tao cho chúng mày thế cũng là phúc lắm rồi! Đáng lẽ chúng mày chẳng nên lấy đồng nào, cứ ăn cơm nhà đi mà dạy, lại còn phải bỏ tiền túi ra mà trả nợ cho nhà trường nữa!…”. Cả ba người, họ cùng tốt thế, chẳng lẽ chúng mình không tốt, dám tính toán cả trong chỗ bạn bè, dám đòi tăng lương tăng liếc!…

San nói một hơi, không còn kịp thở, mặt hầm hầm. Y cười chế nhạo, và bảo tiếp:

– Họ mưu mẹo kể cũng đã tài tình, nhưng vẫn còn để hở cái đuôi. Oanh bảo có tháng Oanh phải gửi tiền cho Đích, Đích bảo có tháng Đích phải gửi cho Oanh tiền!… Họ còn quên chưa bàn với nhau chỗ ấy!…

San tự đắc vì đã đi guốc trong bụng họ, khoái trá, cười hơ hớ. Nhưng Thứ lắc đầu:

– Anh ngốc!

Ngừng lại một chút để hưởng cái vẻ sửng sốt hiện trên nét mặt cụt hứng của San, rồi Thứ bảo:

– Tôi thì tôi cho rằng Đích ghen, chứ chẳng có ý gì đâu.

San ngạc nhiên, rồi ngẫm nghĩ. Rồi y hỏi:

– Đó! Cu cậu muốn biết Cảnh có hay đến với Oanh không nhưng lại ngượng với tôi (không hiểu sao thằng đàn ông nào cũng ngờ vực người yêu mà lại sợ người khác biết rằng mình ngờ vực người yêu). Cu cậu bèn nghĩ ra cái mẹo này. Nhưng bịt mắt ai, chứ bịt mắt thằng này sao nổi!…

San nhìn xuống, Thứ thấy cái cử chỉ cỏn con này đầy ý nghĩa. Ít lâu nay, động đến chuyện vợ con, chuyện yêu đương, chuyện ghen, chuyện ngoại tình… là San mất tự nhiên. Thứ cũng đã phải bao nhiêu năm như vậy. Chắc San đã phải cười thầm y mãi. Bây giờ lại chính San là người có cái cảm giác khó chịu bị người ta cười thầm.

San nghĩ ngợi một lúc rồi bảo Thứ:

– Anh cũng giỏi tâm lý đấy! Hồi cả ba người còn làm cùng một sở, họ ngồi cùng một chỗ với nhau. Do đó thành một bộ ba. Hai cậu thì dĩ nhiên là tướng quấy rối. Những lúc rỗi rãi, thế nào mà hai cậu chẳng tán Oanh chơi. Thế rồi bỗng một hôm – chắc là hai cậu bàn nhau mãi – hai cậu chợt nghĩ ra kế rủ Oanh chung tiền mở cái trường, để chỉ có ba người với nhau, tự do hơn. Oanh cũng chẳng ngờ nghệch gì mà không biết rằng hai cậu định gỡ gạc Oanh. Nhưng chết cái cu cậu khá tuổi rồi, Đích hay Cảnh, được cậu nào cũng tốt. Mới đầu, chắc cả hai cậu cũng chẳng cậu nào định lấy Oanh. Họ chỉ phiệu thôi. Oanh như thể của chung. Mạnh anh nào, anh ấy tán. Mạnh anh nào, anh ấy nói đùa, nói bỡn. Oanh ở giữa chịu đựng tất, chẳng nghiêng về bên nào cả. Nhưng sau cùng, có lẽ Oanh đã đủ thì giờ nhận ra rằng bó cỏ Đích hoặc to hơn, hoặc non hơn, hoặc dễ với hơn. Cảnh quay mặt hẳn về một phía ấy thôi. Đích bị chài. Anh chàng hí hửng tưởng rằng mình thắng được anh kia. Tình yêu, do giả vờ yêu, hay là do sự đụng chạm lâu ngày đến lúc nào, chính anh chàng Đích cũng chẳng hay. Nhưng Đích cứ càng ngày càng thấy khó chịu vì Cảnh cũng có thể cười cợt với Oanh. Sau cùng, thì chẳng cứ gì phải cười cợt, Cảnh chỉ có mặt ở đấy, cũng đủ là một cái gai trước mắt Đích rồi. Cảnh chợt nhận ra điều ấy. Y tìm lối thoát. Y bịa ra một cớ, dọn đi. Từ khi đi, hiếm họa lắm y mới đến trường. Có đến, y cũng chỉ nói chuyện với Đích qua loa, chẳng bao giờ nói với Oanh. Chỉ xem thế cũng đủ biết cậu cả Đích nhà ta ghen lắm. Bây giờ đi vắng thế, cậu nghĩ vẩn vơ, có lúc nghĩ rằng Cảnh lại có thể lợi dụng lúc Đích ở xa mà đi lại với Oanh. Bởi vậy Đích mới mật thư này cho thám tử riêng, là anh Thứ!

Thứ mỉm cười:

– Anh có biết thám tử trả lời thế nào không?

– “Không biết rõ” chứ gì?

– Anh muốn giết Đích hay sao?… Không biết rõ thì Đích sẽ mất ngủ nhiều đêm, y có thể sẽ phát điên. Tôi sẽ trả lời rất chắc chắn và gọn thon lỏn thế này: “Việc Đích nhờ tôi, tôi đã để ý dò. Cảnh của chúng ta có túng thiếu hay không, tôi không được biết. Chỉ biết rằng trông y vẫn như thường. Y cũng chẳng hề lên trường hay lên nhà Oanh một lần nào, vân vân…”.

– Có lẽ dù có thì anh cũng phải nói rằng không. Mà ai thì cũng phải trả lời như vậy. Nhưng theo ý anh thì trong khi Đích đi vắng, Cảnh có thể lại tìm cách nối lại mối liên lạc xưa với Oanh không?

Thứ hóm hỉnh cười:

– Theo ý tôi thì Đích cũng chẳng đáng phải lo gì, chẳng riêng gì về Cảnh, mà bất cứ người nào cũng vậy. Một người sáng suốt chỉ trông qua Oanh cũng đủ nhận ra rằng Oanh rất dễ chung tình. Nhưng khi người ta yêu, người ta có sáng suốt bao giờ?

Y nghĩ đến hồi y mới cưới Liên: y cứ tưởng như Liên chỉ ra khỏi nhà nửa bước, là đã có người trêu ghẹo Liên ngay!… Y hơi đỏ mặt, sợ San nhận thấy, y vội bảo:

– Giá chúng mình không sợ ác thì chỉ việc trả lời rằng Cảnh đến với Oanh luôn. Chắc chắn là chúng mình sẽ được cái trường. Bởi vì được cái tin sét đánh kia, Đích chỉ còn có hai con đường: một là bảo Oanh theo, hai là họ bỏ nhau. Oanh đi, thì tự ý phải trao lại cái trường, họ bỏ nhau thì chúng mình sẽ bắt Oanh trao lại, bấy giờ còn nể nang gì nữa!

– Thôi thì ác cũng được! Anh cứ trả lời thế đi!

San bàn như vậy bằng một giọng đùa. Thứ lắc đầu cười. Cả hai người cùng cho rằng chẳng khi nào họ hèn đến nỗi dám dùng cái lối vừa bàn. Nhưng một cái gì giống như là một ý tiếc vừa qua đôi mắt họ. Họ còn dịp nào tốt hơn?…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Bài Viết Được Xem Nhiều