Tác phẩm Trong Rừng Nho – Là tiểu thuyết dã sử về nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tác giả Ngô Tất Tố – Năm xuất bản 1942 – Chương 11.
Từ biệt phố Mã, Xuân Hương cùng Thận Trung, mỗi người một cáng, lẽo đẽo lên phủ Phủ Bình.
Đường núi quanh co, rậm rừng gai góc, hai người tuy ngồi trên cáng, không phải chạy bộ bước nào, nhưng mỗi khi lên đèo xuống dốc, ai nấy đều thấy như dốc ngược người đi. Dù vậy mặc lòng, hai người vẫn đều vui vẻ, không lấy gì làm ngại. Là vì ở đất đô hội, nhìn cảnh phồn hoa đã chán, nay được ngó cảnh đường rừng, cũng như vào chơi một thế giới khác, càng đi càng thấy nhiều vẻ đáng yêu.
Ngày thì chật vật trên đường, đêm vào ngủ trọ trong các thung lũng, dân Thổ dân Mán tưởng hai người là quan khách ở đường xuôi lên có việc gì, hò đều thừa tiếp một cách cung kính. Hai người tuy không thích vậy, nhưng cũng giả cách làm lơ, không dám nói thật rằng mình đi chơi.
Chừng năm, sáu ngày gì đó, đôi cáng nghễu nghện đến hạt Phủ Bình. Trước mặt bỗng hiện một trái núi lớn. Hỏi ra mới biết đó là ngọn núi Độc Tôn, chúa tể của đám núi Tam Đảo, Xuân Hương liền hỏi Thận Trung:
– Trong dãy núi này có một cổ tích, mình có biết không?
Thận Trung mỉm cười:
– Khinh nhau làm gì vậy? Mình còn biết, huống chi tôi.
Xuân Hương cũng cười:
– Cổ tích thế nào, mình thử nói cho tôi nghe.
– Di tích của Nguyễn Danh Phương chứ gì! Trong đời Cảnh Hưng, Danh Phương kéo quân chiếm trái núi này làm nơi sào huyệt để chống lại với triều đình vua Lê. Bấy giờ ông ta làm đúng như một vị đế vương, cung lâu đài dựng ở trên núi rất nhiều, đồn ải dinh trại ông khắp các miền chung quanh. Lương thực khí giới, ông ta chứa cả ở đồn Ngọc Bội. Đó là nội đồn ở gần chân núi, rồi đến đồn Hương Ngạch gọi là trong đồn, ngoài nữa là đồn Ục Kỳ, gọi là ngoại đồn. Lại còn vô số chi đồn, rải rác đóng ở các nơi khác. Cứ như các cụ truyền lại, thì quí mô của ông ta xếp đặt cũng khá vững chãi. Ruộng nương trong vùng này đều bị ông ta tịch biên, sai quân cày cấy lấy thóc để nuôi tướng sĩ. Những sản vật miền thượng du như: chè, sơn, nứa, gỗ, chì, kẽm, vân vân đều bị ông ta chiếm cả. Lúa gạo, của cải tích ở các đồn nhiều lắm. Ba hạt Lâm Thao, Tam Đại, Đà Dương đều vào tay ông ta, quan quân nhà Lê lên đánh mấy năm, lần nào cũng thua liểng xiểng. Qua năm Canh Ngọ triều đình sai Phạm Đình Trọng thống lĩnh đại quân kéo lên. Ông này là tay danh tướng, biết cách hành binh.
Lúc quân trẩy, ông ấy chia ra làm bốn đạo quân, đồng thời tiến vào.
Nói đến đây, Thận Trung mở ống thuốc lá cuốn một mồi thuốc, chàng lấy đá lửa đánh lửa châm thuốc, vừa hút vừa tiếp:
– Trước hết ông Phạm đem quân đánh đồn Ục Kỳ và chiếm luôn được đồn ấy. Các tướng bên kia thấy đồn Ục Kỳ đã đại bại ai nấy mất vía, đồn Hương Ngạnh chưa bị đánh chác gì cả, quân sĩ tự nhiên tản chạy… Ông Phạm thừa thế, tiến lên đánh đồn Ngọc Bội, quân của ông Phương phải rút lên núi Độc Tôn, quan quân lại đuổi lên tận sườn núi, đánh nhau ở đó một trận dữ lắm, quân ông Phương thua to, đêm ấy ông Phương phóng hỏa đốt hết nhà cửa kho đụn, rồi cùng các tướng đi trốn, ông Phạm tức thì đốc quân đuổi theo. Tới huyện Lập Thạch, ông Phương bị bắt.
Dứt mạch, chàng thở khói thuốc trong miệng, hài mắt lờ đờ nhìn Xuân Hương:
– Có phải câu chuyện thế không? Hay là tôi có nói sai chỗ nào?
Xuân Hương vẫn cười:
– Phải! Đúng thế. Kể ra ông Nguyên Danh Phương cũng là một tay anh hùng đấy chứ!
– Anh hùng lắm! Chẳng may gặp tay ông Phạm định Trọng, ông Phương mới bị tan tành. Nếu không có khi ông ta làm vua cũng nên.
Xuân Hương cười chế riễu:
– Mình bảo làm vua thì khó khăn gì. Tôi xem các vua mở nước đời trước lúc đầu phần nhiều là anh kẻ cướp, vây cánh mỗi ngày mỗi to thì họ làm giặc. Giặc mà đắc thế thì họ làm vua. Nói cho đúng anh nào bạo tay giết người, ấy là anh ấy làm vua, chẳng phải tài đức gì cả.
– Thì vẫn thế! Có lạ gì đâu? Nhưng, bạo tay giết người cũng là một cái tài của họ. Nếu bảo không phải là tài thì sao tôi với mình từ xưa đến giờ chưa giết được ai.
Xuân Hương ra vẻ lả lơi:
– Thôi đừng nói phiếm. Hãy lên trên núi coi thử di tích của ông Quận He ra sao.
Hai người liền bảo phu cáng kẻ ôm võng, người vác đòn theo mình lên núi.
Thoạt tiên hai người đến thăm dấu vết cung điện của Nguyễn Danh Phương. Tuy cái sào huyệt của viên đại tướng nay cây cối đã um tùm, cỏ gai rậm rạp, chỉ là hang tổ của giống cáo giống cầy, nhưng, trong những đám tro than đen xám, còn có thể nhận ra di tích lâu đài. Hai người ngậm ngùi than tiếc cho đời oanh liệt của ông chúa tể đường rừng, rồi cùng trở xuống đi xem mấy nơi Ngọc Bội, Hương Ngạnh và Ục Kỳ. Nhìn qua dấu tích của những dinh trại kho tàng còn lại, chàng và nàng đều phục Danh Phương là người thao lược, không kém những vua mở nước đời xưa. Thơ thẩn với núi rừng ít lâu, hai người lại cùng xuống núi, đêm ấy cả hai cùng ngủ trong một nếp nhà sàn ở chân làng Ngọc Bội. Hôm sau, Thận Trung chừng như đã mệt, muốn về Hà Nội nghỉ ngơi, Xuân Hương không nghe, nàng muốn lên phủ Thông Hóa viếng cảnh Ba Bể luôn thể. Bốn anh phu cáng cáng hai người từ phố Mã tới đó cũng đã nhọc lắm, thấy nói lên phủ Thông Hóa ai nấy đều sợ xanh mặt, họ bèn nói dối là không biết đường. Xuân Hương liền bảo thổ dân thuê hộ bốn người phu khác, trả tiền công cho bốn người này để họ trở về.
Từ Ngọc Bội lên Thông Hóa đường đi rất xa và rất hiểm trở, người ở miền xuôi ít ai đã biết lối đi. Chỉ có thổ dân suốt đời luồn rừng, thì họ mới thuộc. Tuy ở đường rừng, ít khi có người đi cáng nhưng bọn thổ dân sức lực khỏe lắm, hai người khiêng một mà họ lên đèo xuống đèo thường nhẹ tênh tênh.
Vừa đi vừa xem phong cảnh rừng rú, có đêm ngủ luôn trong rừng, len lỏi luồn rúc gần một tháng trời, hai người mới lên đến châu Bạch Thông. Phu cáng đưa chàng và nàng vào nghỉ trong nhà một viên quan lang, sáng mai, Thận Trung bèn bảo quan lang cho người khiêng đôi song loan đưa chàng và Xuân Hương lên núi Côn Lôn coi cảnh Ba Bể.
Ba Bể là một cảnh lạ, thỉnh thoảng cũng có người ở đường xuôi lên coi, cho nên dân thổ cũng có sẵn song loan để đưa người ta lên núi. Mỗi cái song loan phải hai người khiêng, chàng và nàng mỗi người ngồi vào một cái, đường núi dốc như bức tường, mới trông tưởng là không thể lên được, thế mà mấy anh phu khiêng song loan leo trèo rất tài, họ không phải bám phải víu gì hết, anh nào anh ấy cứ việc ngay lưng mà đi, ngồi trên song loan nhìn xuống chân họ, chẳng khác con mèo leo cột nhà vậy. Đường núi khuất khúc như hình chữ “chi”, từ chân núi đến định núi không thể một ngày mà tới, quan lang đã nói trước như vậy, nên chàng và nàng đã bảo họ sắp sửa lương thực đem theo, tiện đâu ăn đấy. Lên tới lưng núi thì trời vừa tối, hai người và lũ dân phu phải ngủ lại đó. Hồi ấy tuy đã trung tuần tháng ba, nhưng ở trên núi khí hậu vẫn còn hơi lạnh, chàng và nàng phải bảo lũ phu bẻ lá cây làm đệm mà nằm cho ấm. Sáng dậy, trời còn lờ mờ, dân phu đã giục hai người phải lên song loan, vì họ đã thuộc độ đường, phải đi luôn từ bây giờ thì đến quá trưa mới tới Ba Bể. Sự định liệu của họ rất đúng, chàng và nàng lên đến giữa núi, mặt trời đã xế về tây. Sau khi nghỉ ngơi ăn uống, chàng và nàng dắt tay nhau đứng ngắm hình thế của dãy Côn Lôn.
Núi này phát mạch từ xứ Tuyên Quang chạy thẳng đến châu Bạch Thông. Thân nó mọc ra rất nhiều nhánh ngang, nhánh nào cũng thẳng như tường đứng, ngọn núi mà chàng và nàng lên đó là ngọn núi cao nhất trong các ngọn, đỉnh nó chót vót giữa trời, xưa nay chưa ai lên được, chỗ chàng và nàng đứng coi mới ở giữa núi. Trong một tảng đá cao thẳm thình lình có một cái hang cao độ ba trượng, rộng độ trượng rưỡi, dài độ mười trượng, ở trên có nhiều nhũ đá rủ xuống, trông như bức tranh năm sắc, thật là một nơi thần đẽo qủy gọt, hơn hẳn nhân tạo.
Hang này quanh năm vẫn có nước suối chảy ra, đứng dưới trông lên trắng xóa như tấm lụa bạch. Các sách địa dư thuở trước, đều nói suối ấy phát nguyên tự bên Tàu, qua phủ Cao Bằng đến châu Bạch Thông rồi đổ ra đó. Không biết có đúng vậy không. Từ trong hang này đi ra, nhánh bên hữu là xã Tiên Loan có một cái bể, nhánh bên tả là xã Hải Vũ có hai cái bể. Hết bể sang tới địa hạt Tuyên Quang, bên kia cũng là một làn nước. Giữa chỗ hai làn nước ấy giáp nhau, có cái bờ đá ngăn cách, thuyền bè không thể đi qua. Mỗi cái bể đó, chu vi ước chừng hai dặm hoặc ba dặm, quanh bể toàn là núi đá, cạnh núi, xóm làng thổ dân ở khắp bốn mặt, chỗ thì nước, chỗ thì đá, chỗ thì cây cối um tùm, trong bề lại có những hòn núi đá nhỏ ẩn hiện giữa lớp sóng cồn. Khi ấy gió im, sóng lặng, thuyền chài bơi lên bơi xuống, phấp phới khắp các nơi, chàng và nàng thơ thẩn đứng coi, dường như ai nấy đều không biết chán. Xuân Hương chỉ tay xuống bể và nói:
– Trông bể, núi liệu có thật là kỳ công của tạo hóa?
Thận Trung chưa kịp nói sao, một người phu bộp chộp vội hỏi:
– Hai ngài có biết vì đâu có những bể này hay không?
Chàng và nàng đều lắc đầu:
– Chúng tôi không biết! Những bể ấy vì đâu mà có?
Người dân phu ra bộ đắc ý:
– Vì một bà long thần. Các cụ ở đây vẫn thường nói rằng: Đời xưa, mấy làng ở vùng Nam Mẫu mở hội làm chay, lập đàn thí thực to lắm. Người ở các nơi đến xem rất đông, thình lình có một bà già quần áo rách rưới, thân hình bẩn thỉu trốn vào đám xin ăn. Người làng lấy làm ghê tởm, thi nhau mắng đuổi bà lão. Bà lão cố ngồi từ sáng đến tối, không được miếng gì, lại phải chống gậy đi ra. Tới giữa đường gặp hai mẹ con nhà nọ cũng ở làng. Nam Mẫu, bà lão kể hết tình đầu.
Mẹ con nhà kia ngậm ngùi than thở mà rằng: “Khốn nạn? Bà đã tiều tụy thế này, mà sao người ta không thương? Tội nghiệp. Thôi đây, tôi còn vài bát cơm tối chưa ăn, bà hãy xơi cho đỡ đói”. Bà lão ăn mày tức thì ăn hết cả mấy bát cơm, mẹ con nhà kia vui vẻ mà về sắc mặt chưa hề có vẻ oán hận. Đêm hôm ấy, bà lão ăn mày lại đến tận nhà kia bảo rằng: “Lúc chiều nhà bà nhường cơm cho tôi, thật là một người nhân đức. Tôi đi từ bấy đến giờ vẫn không có chỗ nào ngủ, bà đã làm phúc thì hãy làm phúc cho trót, xin bà cho tôi ngủ nhờ một đêm, sáng mai tôi xin đi sớm”. Mẹ con nhà ấy lấy làm vui lòng, liền mời vào nhà nhường giường cho bà lão ngủ, cả hai mẹ con cùng nằm dưới đất. Nửa đêm nghe tiếng ngủ ngáy ầm ầm như sấm, mẹ con bà kia bảo nhau đốt đèn lên soi. Không thấy bà lão ăn mày tâu cả, chỉ thấy cái xác con rồng lớn độ vài mét nằm dài thườn thượt giữa nhà. Mẹ con nhà này sợ quá, tức thì tắt đèn đóng cửa đi ngủ, không dám đánh tiếng. Sáng mai trở dậy, lại thấy bà lão ăn mày nằm đó, không thấy con rồng đâu nữa? Mẹ con bà này biết rằng bà lão ăn mày không phải là ngườí thường, liền đến trước mặt thụp xuống vái lạy. Bà lão ăn mày thỏ thẻ bảo rằng “Ban ngày ta đi xem hội, trong hội toàn là những kẻ “khẩu phật tâm xà”, không ai ra gì. Chỉ có mẹ con nhà mụ, còn có một chút từ tâm, vậy ta làm phúc cứu cho ra khỏi bể “trầm luân”. Mẹ con bà này càng sợ, cứ việc vái lạy xì xụp, không dám ngẩng lên.
Bà lão ăn mày lại nói: “Nay mai chi đây, hễ thấy có sự gì lạ, mẹ con nhà mụ phải mau mau đem nhau lên mãi sườn núi mà ở, không được chậm trễ phút nào, nếu chậm thì chết, không ai cứu được”. Dứt lời, bà lão ăn mày biến mất. Mẹ con nhà kia thấy vậy càng khiếp, ai nấy tin rằng lời nói của bà cụ ấy tất nhiên sẽ có ứng nghiệm. Quả nhiên cuộc hội chưa tan, thì ở một khu ruộng cạn tự nhiên thấy có mạch nước phun lên. Mạch ấy lúc đầu bằng cái cổ tay, chỉ trong nháy mắt, nó đã loét bằng cái cống, nháy mắt nữa thì bằng cái chuôm, lại nháy mắt nữa thì bằng cái hồ, chưa đầy nửa ngày đã thành ba cái bể đó. Hết thảy dân cư trong vùng đều bị chìm xuống đáy bể chết cả, chỉ có mẹ con bà nọ sống sót Là vì hai người ấy nhờ có bà lão ăn mày báo trước, từ khi mới thấy nước phun, mẹ con đã dắt nhau chạy lên đến sườn núi. Thế là cả vùng Nam Mẫu, đàn ông đàn bà còn được hai người. Về sau, hai người ấy, con lấy vợ, mẹ lấy chồng, sinh con đẻ cháu, nẩy nở mỗi ngày mỗi nhiều, thành ra nhân dân trong vùng Nam Mẫu bây giờ.
Người dân phu nói luôn một mạch không nghỉ, dường như sợ rằng nghỉ, sẽ bị người khác cướp lời của mình, làm cho Xuân Hương và Thận Trung không thể nói xen vào chỗ nào được. Khi ấy hết chuyện, anh ta mới tạm dừng một phút để thở một hơi, rồi anh ta nói nốt câu kết:
– Như vậy hai ông bảo có lạ không?
Thận Trung nửa cười:
– Lạ lắm!
Rồi chàng ngoảnh nhìn Xuân Hương:
– Ở trên vùng này chắc có người đọc Công dư tiệp?
Xuân Hương lắc đầu:
– Không chắc! Hoặc giả người soạn Công dư tiệp ký đã nghe những chuyện truyền văn ở vùng này cũng nên.
Hai người lần lượt đi dạo vài nơi quanh bể, ngắm nghía phong cảnh. Xuân Hương muốn thuê một chiếc thuyền chài chở ra bể chơi. Bỗng đâu gió Nam nổi lên, các mặt bể sóng đánh cồn cộn, bao nhiêu thuyền chài đều phải rát vào ven bờ.
Bốn bề mây kéo tối sầm. Chiều trời mỗi lúc mỗi thêm u ám, bọn phu song loan sợ đổ mưa, liền giục hai người trở xuống, tìm chỗ gốc cây ẩn nấp, chàng và nàng đều phải quay lại lối cũ. Thận Trung chỉ xuống chân núi và bảo Xuân Hương:
– Cứ kể từ đây xuống đến chân núi cũng không xa lắm, thế mà phải đi gần hai ngày trời là nghĩa lý gì!
Xuân Hương đáp:
– Thì đường đi quanh co như thế, một bước sôi ra ba, bốn chục bước, trách nào mà chẳng đi xa thêm. Giả sử có con đường khác thẳng hơn một chút, thì đâu đến nỗi phải đi vằn vèo như vậy?
Đi một quãng nữa, Thận Trung lại nói:
– Chỗ này là một cảnh đẹp, văn nhân mặc khách ai trông thấy cũng phải say mê. Bây giờ hạt này còn là rừng rú những kẻ đương đại, không biết thưởng thức thắng cảnh cho nên họ không sửa sang. Nhưng con cháu chúng ta sau này tất nhiên cũng phải có kẻ mở mang đường lối, khiến cho du khách tiện sự đi lại.
Xuân Hương gật đầu:
– Cái đó có lẽ. Cảnh đẹp tức là cái mồi nhử người, dù nó ở xứ hẻo lánh, người ta cũng phải tìm đến. Tây hồ bên Tàu, đời Tô Đông Pha, còn là một chỗ hoang vu, chỉ để đày người có tội, thế mà ngày nay đã trở thành một nơi phồn hoa…
Câu chuyện đương dở, cả bọn đã tới chỗ cũ, dân phu mời hai người lên song loan để họ khiêng xuống.
Chẳng bao lâu, đến nhà quan lang. Xuân Hương muốn ở lại để xem một vài nơi nữa. Thận Trung sợ rằng ở đó lâu ngày sẽ bị ngã nước, hai người bèn cùng lên cáng trở về đường xuôi.
Tới huyện Kim Hoa, hai người vừa đỗ cáng vào hàng uống nước, trước quán bỗng có cái võng đòn cong do hai người lính áo nẹp khiêng đến, đằng sau lại có hai người cắp tráp xách điếu đi sau. Đến cửa quán, đòn võng hạ xuống, trên võng, một người khăn thâm, áo chùng, ra bộ nho học bệ vệ bước xuống. Thận Trung vội nhìn xem ai, thì ra một người học trò cụ Nghè Hoàng, cùng bạn đồng học với mình, vừa đậu Hương Cống khoa trước. Giữ lễ giao thiệp, chàng liền đứng dậy vái chào, ông Cống chỉ sẽ gật đầu một cái, rồi nghiêm trang bước vào, ngồi lên cái ghế cao nhất trong quán. Hai đứa đầy tớ cung kính đệ điếu và tráp đến tận trước mặt.
Thấy cử chỉ ấy, Thận Trung cũng như Xuân Hương, ai nấy đều giận đầy tiết, nhưng còn cố nhịn và đều ngồi vào chiếc ghế cạnh chõng bán hàng. Sau khi hút thuốc uống nước một cách trịnh trọng, ông Cống nhìn mặt Thận Trung mà hỏi:
– Trông thầy hình như quen quen?
Thận Trung cười khinh bỉ:
– Ngài chóng quên nhỉ? Tôi là thằng Trung họ Đàm đây mà!
Ông Cống càng làm ra bộ nghiêm nghị:
– À phải? Thầy không nói thì tôi không nhớ? Tôi nghe văn thầy cũng khá, làm sao không đậu?
Thận Trung giả cách cung kính:
– Bẩm tôi quên sách nhiều quá!
– Đó là tại thầy không chịu học. Phải cố học đi mới được!
– Tôi cũng muốn học, nhưng mà lắm chỗ quên lú không biết hỏi ai, hiện giờ cũng có câu không biết chữ ở sách nào, tiện thể gặp ngài, xin ngài làm ơn bảo cho?
– Câu gì?
Thận Trung khép nép đứng dậy chắp tay:
– Bẩm ngài cái câu “xê ra cho bà đun bếp” xuất xứ ở đâu?
Ông Cống hằm hằm đỏ mặt, đứng phắt dậy và nói lẩm bẩm:
– Quân vô hạnh. Rồi mày sẽ biết tay tao.
Tức thì ông Cống lên võng, giục lính khiêng đi cho chóng.