Phần 3: Vàng và Máu (1934) – Thế Lữ

Phần 3: CON CHÂU CHẤU TRE

Quá trưa hôm đó, thằng cu Tân con ông lý Bằng mặc áo cộc trắng quần đùi nâu, đi thơ thẩn trong làng. Nó là một đứa trẻ tươi cười nhanh nhẹn, mà nay sao lại rầu thế kia ? Là vì nó không tìm được ai chơi với.

Ở nhà, thầy u nó đi vắng, em bé ngủ trên cái võng đu cót két, vú già vừa ngủ gật vừa nghêu ngao ru; trong lúc ấy thì tiếng mọt cứ gậm mãi chân bàn thờ, và tiếng trang cứ lê hoài trên lớp thóc phơi ngoài sân: cái gì nghe cũng buồn tênh, cũng chán ngắt. Nó đã ra đình chơi: ngoài hiên đình, hai người đàn ông phơi bụng ra ngáy ở một góc chiếu; trên cây soan tây hoa đỏ sặc sở tiếng ve cứ réo rắt gào trong ánh nắng ngày hè gay gắt. Nó đến nhà thằng Tý con ông Hương, nhưng thằng Tý phải đi chăn trâu thay cho thằng Cam; mà nhà ông Hương chỉ có người lớn thôi, nó không chơi được với ai hết.

Cả làng đều vắng yên một cách nặng nề đè nén, không khí thì oi ả và chói lòa. Cái vẻ tịch mịch của một buổi trưa mùa hè, cùng với cái buồn của đứa trẻ như kéo dài ra… Thỉnh thoảng một cơn gió nồng nao nao ồ đến, làm cho những dặng cây tre lá sắc, thở dài lên những tiếng khô khan.

° ° °

Thằng cu Tân vẫn bước bước một trong đường rậm mà về con đường ngang rẽ ra đồng.

Tới chỗ ngã ba, nó dừng chân, trông ra phía ruộng lúa đầu đường vàng hoe ánh chang chang nắng đốt. Nó nhíp mắt lại để xem có thằng Tý không. Lúc nó toan quay đi thì chú ý đến những tiếng rứt lá tre trong bóng mát. Nó lại gần thì nhận ra ông xã Cờ.

– Ông lấy lá tre làm gì thế ông xã ?

Người đàn ông đã lấy được một đống lá lớn, bấy giờ nghe tiếng đứa bé thì ngừng cán câu liêm ngảnh đầu lại tươi cười:

– Thằng cu Tân đấy ư ?

Rồi ông ta lại quay đi, vừa rứt lá vừa nói tiếp:

– Trâu nhà tao hôm nay đẻ tao lấy lá tre về cho nó ăn đây, ông lý có nhà không thế ?

– Thầy tôi lên tỉnh từ sáng, u tôi sang làng… Mà, trâu đẻ lại ăn lá tre được ư ông xã ?

Ông xã “Ừ!” một tiếng rồi hạ câu liêm xuống gỡ những cành tre nhỏ nó vu vướng lấy cái giây thép xổ ra trên đẩu cán.

Cắt lá tre cũng chẳng vui gì mà xem, và nó còn mải tìm thằng Tý, nên không dừng đó nữa.

Nó di ra phía ruộng được mấy bước thì ông xã Cờ gọi:

– Này cu !

– Gì thế ông xã ?

– Lại tao cho cái này.

Thằng cu Tân trở gót liền, vẻ mặt hớn hở:

– Ông cho tôi cái gì thế ông xã ?

Ông Cờ thong thả nói:

– Con châu chấu tre.

Một con châu chấu to bằng ngón chân cái, mầu xanh non như đám mạ, đang lấy hai càng đầy những gai đạp mãi vào lòng bàn tay người bắt nó. Thằng Tân miệng nở như hoa, sun soe nói:

– Ồ ! Con châu chấu to chưa ! Ông xã làm sao bắt nó được thế ?

– Tao thấy nó mắc mình vào cành tre này. Đây, cầm lấy !

Cu Tân thích rối rít, giơ tay lên: nhưng con châu chấu tre thì to, xem ra khoẻ hơn những ngón tí hon của nó. Nó chực bảo ông xã bỏ vào túi áo nó, nhưng chợt nghĩ ra:

– À ! Ông xã này: đem bẻ một cẳng nó đi, còn một cẳng tôi lấy giây lại tôi buộc.

Nói rồi, nó vừa chạy đi vừa nhìn xuống đất để tìm giây. Nó trở lại những lối vừa qua: ngõ nhà thằng Tý, trước cửa đình công, bờ một cái ao to; nhưng không thấy một sợi gai hay sợi cói nào hết.

Nó nghĩ bụng:

“Quái ! Sao những lúc mình không thèm thì chỗ nào cũng có giây ?”.

Nó lại nghĩ đến vật nó sắp được chơi trong lúc đang buồn ngao ngán này. Một con châu chấu tre ! Ồ ! Mấy chốc đã bắt được thứ hiếm có ấy ? Nó sẽ đem khoe thằng Tý, bạn nó, sẽ dọa là con châu chấu ma đấy; nhưng nó không cần. Nó biết thế nào thằng Tý cũng đòi chơi chung với mình. Cu Tân tha hồ mà làm bộ với thằng Tý.

Nghĩ tới đó, cu Tân mừng quớ lên reo to mấy tiếng lăng nhăng không có nghĩa gì, vặt chiếc lá, rứt nắm cỏ, rồi lại chăm chú đi tìm những sợi giây nó vẫn trốn đâu tiệt cả.

Sau cùng nó về nhà, chực rình cắt lấy một sợi giây ở cái võng đã bị nó “thiến” nhiều bận, thì bỗng trông ngay thấy một cái chai miệng rộng thân phình.

Nó bắc ghế lấy xuống rồi một mạch chạy đến chỗ ông xã đợi. Nó hối hận mà lẩm bẩm nói:

– Giá đừng bảo ông ta bẻ cẳng con châu chấu có hơn không ?

Thằng cu Tân lại hơi lo rằng ông xã Cờ thôi không cho nó nữa – vì thường thường nó bị người lớn lừa dối – hoặc ông xã để cho con châu chấu bay đi mất rồi.

Sự từng trải hẹp hòi của đứa bé cũng đã làm cho nó ngờ vực những cái tốt đẹp, sung sướng. Nó muốn khỏi tâng hẩng nên cầm như cái sung sướng được chơi con châu chấu tốt đẹp ấy nó không được hưởng đâu.

Nó chạy càng gần đến con đường ngang thì quả tim nó càng đập già: nửa vì mừng nửa vì lo ngại.

Cái đống lá tre nó vẫn lừ lừ đó, mà ông xã Cờ tử tế kia thì đâu ?

Nó ngơ ngác chạy lên xem thì: “ối trời ơi !” ông xã Cờ đang nằm vật dưới rãnh.

Thằng Cu buông cái chai thủy tinh xuống, nắm chặt lấy cái quang ở đống lá tre bên cạnh; nó run, mà đống lá cũng run.

Cổ ông xã Cờ bị ai chém đằng sau, đầu gân rời ra; mặt quay lên bờ đường, hai mắt mở to; miệng há hốc, máu đẫm một phần xám ngắt và nhuộm đỏ cả bộ râu cằm; mình ông ngã xấp, nằm quay về phía đâu làng, đè lên dặng khoai ngứa, tay trái thọc xuống bùn, tay phải với lên như muốn nắm lấy khóm cỏ trên bờ rãnh. Máu đượm ở quanh cái áo nâu, máu phun vào một hàng dọc khoai phía đỉnh đầu, máu dội từng đám ở trên mép đường đất.

Thằng Tân mê hoảng, không nghĩ ngợi gì hết. Nó muốn chạy, nhưng chưa hoàn hồn.

Đến lúc trông thấy những lá khoai với cành tre rung động vì cơn gió ào qua, nó mới định thân lại một chút. Nó văng mình chạy thẳng lên; thế nào quần vướng cành tre và chân vướng phải quần, nó ngã xuống một cái rất mạnh.

– Thôi chết rồi !

Nó kêu chưa dứt tiếng thì đã lăn xuống bên cái thây chết, bụng đè lên cánh tay phải ông xã và cạnh sườn sát bên mặt ông ta.

Bùn dưới rãnh vọt lên cạnh đường làm cho nó trượt tay mỗi khi muốn chống minh ngồi dậy. Khắp người nó lại thêm rủn ra nữa. Lưỡi líu lại muốn kêu gọi cũng không ra hơi.

Trong khi nó lấy hết sức can đảm giũa lúc nguy khiếp mà tìm hết cách chỗi dậy, thì mắt bỗng trông thấy một vật đỏ lòm lòm đang động cựa dưới cái lưỡi câu liêm; cán câu liêm nằm ghếch lên bờ đường và về phía đồng ruộng.

Nó nhìn kỹ thì ra con châu chấu tre.

Con châu chấu lớn đang len lách cố bò lên, đầu và cánh đặc những bùn lẫn máu. Thằng Tân rợn người lên một cái. Nó thoáng nghĩ ra một điều rất ghê gớm, là ông xã bị hại chính vì con châu chấu ma.

Thế mà con vật cứ lừ lừ tiến đến mặt nó hoài, bộ điệu thong thả một cách hiểm ác. Nó toan gạt con châu chấu đi, thì bấy giờ mới biết rằng tay trái nó đang nắm phải mồm người chết. Nó cuống quít buông tay ra nhưng bị râu quấn chặt lấy. Ngay lúc đó con châu chấu đã bò đến gần cổ đứa bé. Nó hét lên một tiếng lởn rồi chết ngất di.

° ° °

Lúc thằng cu Tân tỉnh dậy thấy mình ở nhà, nằm trong buồng, mồm đầy những thuốc gió và nước tiễu. U nó thì cúi xuống vừa xụt xùi khóc vừa gọi:

– Tân ơi, con đã tỉnh chưa ?

Chung quanh giường thấy sáu bảy người đàn bà; họ lau mồ hôi và thắt lại cái quần vừa mới thay cho nó. Nó thấy buồn buồn ở ngực vội cầm lấy mép áo giựt rối rít lên. Nhưng không thấy con châu chấu ma ở trong, nên nó yên tâm, chực ngồi dậy. Người ta ép nó nằm xuống rồi nói khẽ những câu ngọt ngào vào tai nó. Bỗng một người đàn ông mặc áo the chùng ở ngoài đi vào hỏi:

– Nó tỉnh rồi à ? Nó đã nói được chưa ?

– Bẩm ông chánh cháu đã tỉnh.

Người mà u nó gọi là ông chánh ấy trông nghiêm khắc lắm. Ông nhích cải ghế của một người mang đến để ngồi bên cạnh nó, rồi hỏi nó một câu rất vu vơ:

– Mày trông thấy đứa chém xã Cờ chạy vè lối nào ?

Thằng Tân nhìn u nó thì thấy mặt u nó có vẻ lo sợ. Nó cũng sợ, vì chắc người ta đến bỏ tù nó đây.

Ông chánh hỏi thêm:

– Thế nào, nói đi ! Đứa chém xã Cờ là đứa nào, mày có nhận được mặt không ? Nó chém rồi chạy về lối nào ? Mày ngồi dậy cho tao hỏi.

– Bẩm ông chánh (lời mẹ đứa bé) cháu hãy còn sợ lắm ông cho chảu nằm.

– Ừ, thế mày làm sao, nói cho tao biết.

– Quái, sao ông ấy hỏi mình những câu đến lạ !

Thằng Tân nghĩ bụng thế, thưa rằng:

– Con không thấy gì cả.

– Sao lại không thấy ?? Lúc ấy mày có ở đấy kia mà !…

Thằng Tân chực trả lời thì u nó dỗ:.

– Con cứ thực thà kể lại cho ông chánh nghe, ông chánh có lòng thương con không việc gì đâu mà sợ.

Nhìn mặt ông chánh thì chả có vẻ thương xót tí nào hết. Nhưng đứa bẻ cũng đem chuyện gặp ông xã lúc còn sống cho đến lúc nó bị ngã, thấy con châu chấu bò vào cổ mình thuật lại. rồi bàn thêm rằng:

– Con châu chấu ấy là con châu chấu ma.

Người ta còn hỏi nó nhiều câu lôi thôi nữa. Sau thấy nó không thể nói rõ được “hung thủ” là ai, nên người ta phải để nó nằm yên vậy.

Ông chánh ra khỏi được một lúc thì thầy nó về. Rồi cả quan huyện cũng đến. Nó lại phải trả lời một giao nữa, nhưng không làm thế nào nói cho người ta tin rằng ông xã chết vì con châu chấu ma. Có một lần, chờ lúc vắng người, u nó phải đe: “Mày mà nói đến con châu chấu ấy nữa thì phải đòn đấy”.

Ðứa bé suy nghĩ lung lắm.

Cái sợ con châu chấu tre dần dần bớt đi thì nó cũng dần dần thôi ngờ đó là con vật ma. Nó muốn trở dậy nhưng u nó không cho: Nằm đo bực dọc một hồi, rồi quay ra ngủ.

Trong mấy ngày sau, nó cứ thấy thầy u nó chạy ngược chạy xuôi, khi thì tính toán rồn tiền khi thì bàn bạc mua tre lá, khi phải làm cơm rượu cho ông chánh sơi; hôm thì phải cung đốn các cậu lệ nhà quan huyện. Nó thấy vậy, biết là tại mình mà cha mẹ lo lắng, nên nó không được vui. Bà lý Bằng cứ thở dài suốt ngày, còn ông lý thì cấm nó không được ra khỏi ngõ.

Đến khi cái lệ cấm ấy không thi hành nữa, thằng cu Tân cũng không hay ra ngoài chơi, bởi vì trong làng ai trông thấy nó cũng hỏi han đến câu chuyện ông xã Cờ bị giết là chuyện nó không muốn nhắc lại bao giờ. Người ta ngậm ngùi thương hại cho số phận ông xã Cờ nhiều lắm. Ông là người hiền lành tử tế, không hề to tiếng với ai cả; thế mà sao bỗng không lại bị giết thảm hại thế ?

– Tại sao ông xã bị giết hở cu ? đứa nào giết, sao mày không bảo ?

Người ta không đời nào quên câu hỏi khó chịu ấy. Nó đã phân giải đến mấy trăm lần rằng: nó không biết, nó không biết một ly một tí gì ! Nhưng, người ta không tin. Người ta lại coi nó bằng con mắt e dè, khinh bỉ, hình như thằng bé “ranh con” ấy thế mà ghê gớm lắm, chứ không vừa đâu.

Rồi lại còn người nhà ông xã Cờ nữa ! Mỗi lần bà xã trông thấy nó là mỗi lần bà khóc lóc, làm như nó là một cái dấu tích của sự oan khổ: bà khóc lóc bắt nó nghe những nỗi lòng của bà đau đớn và bầy cho nó xem cái tình cảnh mẹ góa con côi trong nhà bà. Bà mà biết đứa nào giết chết chông bà là “bà xẻ nhỏ nó ra, bà băm vằm nó ra, rồi bà tung đầu gió”. Tội nghiệp cho đứa bé, nó trông thấy hai con ngươi đe dọa sau lần nước mắt của bà xã, với cái mặt căm tức chõ mãi vào nó mà không còn hồn vía nào ! Nó đợi bà xã đọc xong bản án và buông nó ra, rồi ba chân bốn cẳng chạy mất. Từ đó nó sợ người đàn bà khăn trắng, áo trắng ấy như sợ một con yêu tinh.

Cái “án mạng ly kỳ” xảy ra đã hơn một tháng trời mà vẫn không ai “khám phá” được sự “bí mật”. (những tiếng này thằng cu Tân bấy giờ mới nghe thấy lần đầu).

Trong làng, hai ba người bị bắt “giam cứu” rồi lại được tha. Rồi hết ngày nọ đến ngày kia, thời giờ đã làm cho trí nhớ của mọi người với nỗi xót thương cua bà xã Cờ dần dần phai nhạt.

Một buổi chiều kia, thằng cu Tân đi ra đình chơi (vì nó đã dám đi chơi rồi), gặp bạn nó là thằng cu Tý. Hai đứa ngồi nói chuyện với nhau ở gốc cây gạo, thằng Tân mới nhắc đến chuyện ông xã để nói đến chuyện con châu chấu tre.

Thằng Tý dẩu môi nói:

– Tao đã bảo châu chấu như thế là châu chấu ma, có sai đâu !

Thằng Tân đáp:

– Ừ, mà trông nó ghê thực. Lúc ấy nó bò vào cổ tao mà tao sợ quá, tao chắc thế nào nó cũng cắn chết tao. Nhưng không phải ma đâu vì tao không chết.

– Không là ma lại thế. Thế ông xã không chết à ?

Thằng Tân cãi:

– Ông xã chết tại người ta chém, tao không biết ai chém; con châu chấu biết chém đâu…

– Mà không biết nó bò đi dâu nhỉ ?

– Tao bắt được.

– Thật không ?

– Thật. Nhưng tao vứt nó vào bếp ngay. Nhưng nó là ma thì không chết đâu, nó biến đi. Nhưng tao không sợ.

Thằng Tân ruỗi cẳng ra gãi và hỏi nữa.

– Nhưng mày bắt được lúc nào ?

– Lúc người ta khiêng ông xã về nhà. Trước lúc ấy tao vẫn ngồi ở bờ ruộng dưới gốc cây đa văn chỉ coi trâu. Con trâu của nhà thằng Sứt, không có ai coi, đến ăn lúa ruộng nhà ông xã. Tao nghe tiếng ông xã trong bụi tre chửi con trâu ấy, rồi như đi tìm cái gì ném đuổi nó đi.

Cu Tân vội hỏi:

– Thế mày có ném ra cái gì không ?

– Không. Ông ấy chửi một cái nữa rồi thôi không nói gì. Mà con trâu cũng không đi. Thế rồi, một lúc lâu, tao thấy tiếng mày kêu to lên, rồi có tiếng nhiều người chạy đến, vì người nhà ông Thức ở cạnh đấy cũng nghe thấy mày kêu. Tao bỏ trâu chạy vào xem thì thấy mày nằm bên ông xã. Lúc ấy thì ông xã chết rồi.

Thằng Tân yên lặng, ra dáng nghĩ ngợi. Nó nhìn trào mặt bạn nó như nhìn một người lạ, rồi lại trông đi.

Thằng Tý nói tiếp:

– Tao sợ quá mày ạ; tao tưởng mày chết thực, nhưng người ta bảo không hề gì, lúc khiêng mày với ông xã đi, tao đứng xem thi còn thấy con châu chấu ma đang bò trên cái lưỡi liềm; tao mới lấy cả cái liềm lên; thế rồi thì là…

Nó mới nói đến đó thì thằng Tân vùng đứng dậy chạy băng đi, hớt hơ hớt hải về nhà, vào buồng, xuống bếp, luôn miệng hỏi:

– Thầy đâu hử ? Thầy tôi đâu ?

Lúc nó thấy thầy nó ở sau vườn lên, nó chạy ngay lại cầm lấy tay mà bảo.

– Thầy ạ, con biết tại sao ông xã chết hôm nọ cơ !

Thầy nó cau mày hơi gắt:

– Thôi đi chơi đừng nói láo !

– Kìa, thực đấy mà ! thực đấy mà !

Nó nói câu đó bằng một thứ giọng rất thực thà vẻ mặt rất nghiêm trọng, khiến ông lý Bằng phải chú ý rồi hỏi:

– Ừ thế ai giết ông ấy ?

– Cái lưỡi liềm ! Vâng, cái lưỡi câu liêm ! Ông xã muốn đuổi con trâu nhà thằng Sứt đi, mới lấy cán câu liêm mà lao… Bất đồ vô ý, để cho lưỡi quặp vào trong, ở ngay sau đầu… nên lúc ném đi… phải rồi… chắc hẳn thế…

° ° °

Cái tia sáng nẩy ra trong óc đứa trẻ đã cho nó tìm được ra sự thực. Song người lớn còn đạo mạo suy xét đến những lẽ sâu xa hơn; bởi thế thầy thằng Tân không thèm nghe lời nó.

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời