TÁC PHẨM SỐNG MÒN – TÁC GIẢ NAM CAO – NĂM XUẤT BẢN 1956 – CHƯƠNG XX.
Bây giờ đã lâu rồi. Oanh chưa cho đánh trống, chỉ vì số học trò tụ tập ở trường còn ít quá. Chúng đứng quây cả vào một chỗ, độ mười lăm đứa. Mấy đứa lớn đang nói chuyện báo động với nhau, náo nhiệt chẳng kém gì một bọn cùng xem Tây du kí cả rồi, ngồi nhắc lại những đoạn hay.
Chúng tranh nhau mà nói, đứa nọ cướp lời đứa kia, xua tay bịt mũi, xun xoe, làm như sắp đánh nhau rồi lại hi hí, ha ha cười với nhau. Những đứa bé đứng ở ngoài, hếch mũi nhìn, cười nhút nhát hơn. Tất cả thỉnh thoảng lại một hai đứa nhìn trộm lên hiên gác, là chỗ thỉnh thoảng Oanh hoặc Thứ lại ra, vờ nhìn trời, nhìn đất những đâu đâu nhưng chính là để nhìn chúng… Sau lần đếm cuối cùng, Thứ bảo Oanh:
– Lớp trẻ con chẳng có đứa nào, lớp dự bị một thằng, sơ đẳng ba thằng, cả hai lớp thì mới được năm thằng. Lớp nhất của tôi đông nhất: những năm nhân mạng.
– Chưa đủ tiền nhà. Chết cha!
Oanh lắc đầu chán nản, kêu lên vậy, rồi hỏi Đích đang nằm ủ rũ
– Có dạy không?
– Có chứ!
Giọng nói và vẻ mặt Đích khi nói đến hai tiếng ấy, tỏ ra rằng y thấy câu Oanh hỏi vô lý lắm. Y bảo tiếp:
– Cứ dạy. Một thằng cũng dạy. Rồi dần dần những thằng khác mới đi. Không dạy, chúng đi trường khác thì trường mình vỡ mất.
Y bàn:
– Dồn tất cả vào làm hai lớp, mỗi người dạy một lớp. Khi nào có thể học trò, sẽ lại chia ra như trước.
Thứ bảo:
– Thế thì đánh trống đi. Muộn lắm rồi, chẳng còn đứa nào nữa đâu.
Oanh ngần ngại. Y muốn đóng cửa trường, đưa Đích về nhà quê dưỡng bệnh, vừa yên ổn, vừa đỡ tốn. Số tiền dành dụm cần giữ lại mà uống thuốc. Về nhà quê, ăn không mất, tiền nhà không mất, đã có song thân Đích. Đỡ được nhiều. Tội gì mà dạy học lỗ vốn để số tiền của mình mòn đi?… Đích nhất định không nghĩ thế. Gây được một cái trường đông học trò, khó lắm. Để cho tan, uổng quá! Cố mà giữ vững, nếu tình hình yên ổn, mình còn ăn về lâu, về dài. Vả lại, y không muốn về quê. Ở đây tiện thuốc thang, tiện đốc tờ. Về nhà quê thì chết mất… Y bảo vậy. Oanh biết không thể nào cưỡng lại đành ngáp dài một tiếng, đứng lên. Thứ gọi thằng Mô:
– Mở cửa đánh trống đi, Mô nhé!
Mô chẳng nói gì, đi ra cửa. Mặt nó sưng lên, như giận dỗi ai. Nó giận trời, giận đời, giận mẹ vợ, giận ô tô, giận chiến tranh, giận tất cả mọi người. Tìm cái dùi trống không thấy, nó nhặt ngay một thanh củi tạ, đập loạng choạng mấy tiếng, rồi quăng ngay ra giữa lối đi. Oanh trông thấy, đen mặt lại, nhưng chỉ lắc đầu, chẳng nói gì. Thằng Mô bây giờ quá lắm rồi. Hơi mắng nó là nó cãi. Nó không muốn ở cho Oanh nữa. Cách đây ít lâu, Mô đã lén đi xin việc làm ở nhà máy rượu bia. Người ta hỏi nó trước làm ở đâu. Khi biết nó ở trường, ông ký giữa việc nhận người làm, vốn cũng có con học ở trường, tạt vào hỏi qua ý kiến Oanh. Oanh không thuận để Mô thôi. Mô không xin được việc làm. Nó căm Oanh từ đấy và trở nên chây lười và bướng bỉnh… Học trò vào. Thấy lớp còn rộng mênh mông chúng thích chí, hét ầm lên. Có đứa lăn cả ra bàn. Những đứa khác mỗi đứa một bàn và đua nhau dang chân, khuỳnh tay ra cho nó thích. Một thằng, vốn hay làm trò khỉ, thì lại so người lại, khép chặt hai tay vào cạnh sườn, nhăn mặt kêu: “Úi trời ôi! Chật quá! Không còn giãy được!”.
Thứ mỉm cười. Một tháng rồi mới lại được trông thấy chúng, y thấy yêu yêu chúng và dễ dãi, mặc cho chúng nó đùa, vả lại gắt với chúng làm gì? Trước tình thế này, trong lớp học chỉ có một thầy với mười trò, chúng chán học cũng như y chán dạy. Chẳng thế mà có đến ba đứa không mang bút, vở, bởi đi thì đi, nhưng cũng chắc nhà trường còn đóng cửa. Thứ không dạy vội. Y hỏi chuyện chúng, vui vẻ và thân mật, như một người anh đi xa về hỏi chuyện các em. Chúng nhua nhúa trả lời y. Chúng pha đùa. Chúng khoe những tin lạ với y. Chúng hỏi y và bàn tán về Tầu, về Nhật, về Nga, về Đức… Đang vui chuyện thì bỗng một thằng đứng phắt lên, trợn mắt, giơ một ngón tay lên ngang mũi.
– Lặng im! Lặng im…
Mọi người ngơ ngác, chưa hiểu sao, thì nó đã kêu lên:
– Báo động! Báo động!…
Lắng tai nghe, quả nhiên có tiếng còi rền rĩ văng vẳng tới. Chưa nghe thấy tiếng còi báo động lần nào, Thứ thấy lòng dạ bồn chồn. Tiếng còi gầm lên, rùng rợn, đau đớn, não nùng như tiếng kêu thất vọng của một con quái vật, báo một cái thảm họa gì sắp tới. Thứ hơi tái mặt đi. Học trò lục sục xô bàn ghế, tìm sách vở, như một đàn gà khi người ta mở cửa chuồng. Chúng la lên.
– Thưa thầy! Cho về ạ!… Cho về ạ!… Mai có đi không ạ?
Thứ đứng lên, giơ tay ra hiệu cho chúng đừng lộn xộn và ra lệnh:
– Cứ ngồi yên!… Đợi tôi một chút.
Y chạy lên gác. Oanh cũng vừa lên, đang nhìn Đích mỉm cười. Đích như người uất ức. Y quả là ốm nặng. Mới có thế mà nước mắt y đã ứa ra, y muốn nghẹn. Thứ và Oanh phải dịu dàng, phải ôn tồn hết sức. Ba người bàn một lúc, rồi quyết định. Trường sẽ đóng cửa mười lăm hôm nữa, nếu sáng mai vẫn còn báo động như thường. Oanh và Thứ bảo cho học trò biết, rồi cho chúng về. Cửa đóng lại rồi, họ lên gác, ba người lại ngồi, ngao ngán nhìn nhau. Oanh và Thứ hết cười gượng lại thở dài. Đích khóc. Ở dưới, những nhà hàng xóm ra cửa đứng, nhìn người, xe lũ lượt từ Hà Nội tuồn lên, đi qua đấy. Bà đỡ đi hết từ cửa nhà nọ đến nhà kia.
– Đã vui chưa?… Đã vui chưa?… Các ông! Các bà!
Bà cười bằng những tiếng cười đặc sệt, và bà lắc đầu, chán ngán. Lũ con gái nhà Hải Nam, hình như được thả lỏng hơn, cũng ra cổng đứng, nhìn những người chạy ra ngoài thành phố, đùa bỡn, cấu chí, xô đẩy nhau, cười hi hí. Cụ Hải Nam ở trong nhà, chẳng biết gắt gỏng gì, quát om sòm. Tiếng cụ nghe sang sảng. Ra hiên gác đứng, Thứ thấy những anh xe, chị vú nhà cụ nhao nháo chạy đi chạy lại, mặt nhăn nhó và khổ sở. Có tiếng đập bàn, đập ghế hay quăng đồ đạc rầm rầm. Lũ con gái đứng ngoài cổng sợ hãi, lè lưỡi nhìn nhau, rồi lùi lũi rút vào trong nhà hết. Họ không dám đi cùng một lượt, cúi mặt rón rén chân. Thứ lấy làm mừng vì hồi nào, y đã không vào nhà cụ Hải Nam, hỏi trọ…
Ngày hôm sau, vẫn còn có báo động, cả ngày hôm sau nữa. Thế là cái việc trường phải đóng cửa thêm mười lăm hôm, đã là sự dĩ nhiên rồi. Cả ba người chán nản hơn. Bao giờ người ta cũng cố bám vào một chút hy vọng để hy vọng đến cùng. Nhưng hầu như cả ba người cùng tin chắc rằng mười lăm hôm nữa cũng chưa khai giảng được, hoặc còn báo động, hoặc số học trò ít quá, hay là không có hẳn. Tuy vậy, họ cũng cho dán ở cửa trường, tờ yết thị thế này: “Các lớp nghỉ hè bắt đầu học từ 15 Juillet sắp tới. Lớp nhất và lớp nhì có học thêm tiếng Anh”. Đó là mưu của Đích. Y có một quyển tự học tiếng Anh đưa cho Thứ, bảo Thứ cố học lấy mấy chục bài, để rồi sẽ truyền lại mỗi tuần vài bài cho học trò…
Bệnh Đích tăng. Hôm nào y cũng sốt về chiều. Y mất ngủ luôn. Đáng lo ngại nhất là tinh thần y đã trở nên yếu quá. Mỗi lần cặp ống hàn thử biểu xong, y lại buồn rầu, y hay tủi thân, hay khóc như những bà già. Y hằn học với Oanh, day dứt, mỉa mai, giận dỗi Oanh chán rồi lại xin lỗi Oanh, khóc với Oanh. Y uất hận vì những cớ chẳng đáng kể vào đâu, mà mỗi lần hơi có điều gì chẳng vừa lòng, lại trợn mắt nghiến răng, đập phá hung hăng, nhiều khi lại còn rít lên chửi Oanh, túm lấy Oanh toan đánh, đạp, bóp cổ, đâm chém nữa. Mỗi lần, Thứ lại xông vào, ôm chặt lấy y, cố dìu y nằm xuống. Như vậy chẳng khó gì. Bởi vì sức y chỉ còn bằng sức một con gà. Ôm lấy y, Thứ chỉ dám dùng một nửa sức mình, sợ làm y bẹp ngực. Cái khó là làm thế nào cứu chữa y, sau mỗi cơn điên. Bởi vì sau lúc ấy thường y trợn ngược mắt lên, cứng hàm ra, thở hồng hộc thành những tiếng rên như tiếng một con bò đực bị chọc tiết kê, lạnh toát chân tay, rồi cứ thỉu dần đi, chực chết. Thứ và Oanh lại cuống quýt xoa, bóp cho y, cố gọi cho y tỉnh lại, có khi Thứ phải đi tìm thầy thuốc.
Không có việc gì làm, Thứ toan đọc sách, nhưng không đọc được. Óc y lúc này không còn chỗ cho những điều suy nghĩ trầm mặc. Những sách dễ đọc, những tiểu thuyết thì lại nhạt phèo. Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen. Mối tình của anh này với chị kia, cái giọng lướt mướt của một kẻ thất tình cũng như những thương tiếc vẩn vơ của một anh chàng đầu óc không bận vướng một việc gì, bèn nhớ hão, mong hờ cho đoạn tháng ngày… Những cái ấy có nghĩa lý gì bên cạnh cuộc sống sôi nổi, rất ồn ào, rất chật vật, rất đau thương ở quanh ta? Những cái ấy có nghĩa lý gì, bên cạnh ngay chính những lo lắng, những băn khoăn, những tủi hờn ở trong ta? Lúc này mà bình tĩnh nằm đọc sách, Thứ thấy mỉa mai quá! Y chạy lăng quăng. Để đi trốn những buồn lo hay để trông nom vào sự tình cờ? Hình như y ngầm mong sẽ gặp ở chỗ này, chỗ khác một việc làm, một món tiền rơi, một ý kiến gì giúp y có kế sinh nhai, khỏi phải ăn báo vợ trong những ngày sắp tới. Y đọc những lời rao vặt trên các báo hằng ngày. Y xem những tờ yết thị ở các sở công tư, trên xe điện, ở tủ kính các cửa hàng, ở trên những bức tường. Toàn những người muốn bán, muốn nhượng, muốn để lại, muốn mua. Toàn những bản cáo thị dạy người ta phải làm thế nào khi có báo động, có tàu bay, có bom rơi. Toàn những lệnh tản cư. Một đôi khi chỗ dạy học ở tư gia… Thứ đi chán lại về, mệt mỏi thêm, cái vẻ phờ phạc, thẫn thờ vẫn không rời khỏi mặt. Đích vẫn rên. Oanh vẫn thở ngắn, than dài, nước mắt rưng rưng. Thứ lại càng sốt ruột…
Một hôm, đang cúi mặt đi, y ngước đôi mắt thẫn thờ lên và bỗng gặp một đôi mắt đen lay láy nhìn y. Tim y nhảy thót lên. Y nhận ra Tư. Tư cúi mặt nhìn xuống, e lệ và hơi bối rối. Lòng Thứ xao lên, nhưng chỉ một phút thôi. Rồi y lại lạnh lùng ngay. Lúc này, hình như tất cả những cái gì không phải là cơm ăn, việc làm đối với Thứ đều bị coi là phù phiếm, là vô ích cả. Y nghĩ đến Liên, đến việc hôm nào… Thật là trẻ con! Thật là điên rồ! Làm như Liên là một tiểu thư chẳng có việc gì ngoài cái việc nhí nhảnh và vui vẻ, trẻ trung! Làm như y chẳng có việc gì phải lo, ngoài cái việc gìn giữ vợ yêu! Những chuyện ấy không có sự quan trọng lớn lao quá thế đâu! Điều quan hệ là làm thế nào cho được sống. Cơm! Áo! Sự an toàn! Tương lai của mình! Tương lai của các con! Sống! Sống!… Tất cả sự quan hệ là ở đó. Phải làm thế nào cho được sống, được ngước mắt lên, được thở hít tự do, cùng với tất cả mọi người. Cuộc sống đè nặng lên ngực người ta quá!
Y rẽ vào nhà ông Học. Con chó kéo cái xích sắt kêu loảng xoảng, sủa mấy tiếng ông ổng, rồi nhận ra người quen, vẫy đuôi mừng. Ông Học đang nằm có nửa người ở trên giường, hai tay chít lại ở dưới đầu, hai chân buông xuống thềm nhà, vội ngồi lên:
– Kìa! Ông giáo! Chào ông!
– Ông ạ! Hôm nay ông lại rỗi.
– Vâng, thưa ông mấy hôm nay người ta chạy cả, hàng bán không mạnh lắm, nhà tôi làm ít đi, nên gần rỗi cả ngày.
– Ông bà có định chạy đâu không?
– Thưa ông, không ạ! Chạy thì lấy gì mà ăn được? Ở nhà quê chúng tôi, một thước đất cắm dùi không có. Thôi thì đành nhẽ…
Ông phàn nàn về nỗi từ hôm có báo động đến nay, ông thua thiệt. Hàng ế. Đậu nành lên giá. Giá gạo cũng đột nhiên cao vọt hẳn lên… ông hỏi Thứ về tình hình trên nhà trường… Bà ở dưới căn nhà lá, chạy lên.
– Chào ông giáo!
– Vâng! Chào bà! Bà có chạy không?
– Thưa ông, có ạ! Mẹ con tôi sắp đi đây ạ! Tôi vừa bảo: lên chào ông chủ và gửi lại ông cái nhà… Thưa ông, cũng chẳng phải sợ bom đạn gì đâu! Nhưng thóc cao, gạo kém quá! Công làm thì vẫn thế. Sáu đồng bạc với ba đồng của thầy các cháu cho, ba mẹ con ăn không đủ…
– Ở nhà quê, bà có nhiều ruộng đất không?
– Thưa ông, không ạ! Chẳng nói giấu gì hai ông, trước nhà cũng có vài sào vườn, hơn một mẫu ruộng, nhưng thầy cháu bán cả rồi. Bán để lấy tiền buôn bán, bắt cả mẹ con tôi ra Hà Nội bảo: “Ra Hà Nội, đi bán cháo còn hơn ở nhà quê bám lấy mấy sào vườn, hơn mẫu ruộng…”. Nói của đáng tội, mẹ con tôi cũng chẳng muốn đi, nhưng ruộng đất bán hết rồi, nên cũng phải đi. Đi, nên bây giờ mới khổ.
– Thế bây giờ bà đưa cháu về đâu được?
– Chẳng nói giấu gì hai ông, bây giờ thì đành nhẽ, tôi lại cho các cháu về ở nhờ nhà chị, nhà em, rồi lại làm thuê cuốc mướn, mò cua bắt ốc, buôn thúng bán mẹt, gặp cái gì làm cái ấy, lần hồi nuôi các cháu. Ở nhà quê, mọi thứ thế nào cũng còn rẻ hơn…
Thứ toan hỏi về ông chồng, nhưng lại ái ngại, không muốn hỏi. Bà chào Thứ và ông Học, rồi bà xuống nhà lá, lấy cái thúng đựng tất cả gia tài, sự nghiệp, dẫn hai con ra về. Vẫn cái áo cánh như mọi bữa. Cả ba mẹ con buồn xìu xịu. Hai con bé hình như không còn muốn bước. Bà phải thúc chúng đi nhanh mấy lần. Ra đến cổng, bà gặp u em. U em bám lấy bà:
– Mẹ con về nhà quê thật đấy ư?
– Về thật!
Họ nhìn nhau một lúc. Rồi bà mếu, u em mếu. Hai đứa trẻ, bị lây, cũng khóc. Bà vội vàng đẩy hai con đi trước rồi vỗ vai u em từ biệt.
– Thôi! Mẹ con tôi đi đây, u em ạ! Chào u em ở lại.
Bà vừa đi, vừa lau nước mắt. U em cũng kéo dải yếm lau nước mắt, đi chéo qua bếp, vào buồng…
Thứ đứng lên, chào ông Học
– Xin vô phép ông… Ông ngồi chơi, tôi xuống qua dưới này một chút.
Y xuống nhà bà Hà. Chính y cũng không hiểu rõ tại sao y đến khắp lượt nhà mấy người quen như vậy. Y làm như y sắp đi xa và đi từ biệt những người quen thuộc. Có lẽ y biết y sắp rời nơi này hẳn. Có lẽ y tò mò… Chỉ mình Hà ở nhà. Nó ôm con. Căn nhà lá ẩm ướt, tối o mom. Hà nghe tiếng chào. Y biết rằng nó khóc. Thì ra nó đang ngồi khóc một mình, nước mắt làm mờ mắt nên không trong rõ y ngay được. Y hỏi thăm về bà cụ. Nó lại hu hu khóc.
– Thưa cậu, bà con thì chết rồi. Người ta xe vào nhà thương. Thưa cậu, thấy nhà con bảo bà con mê man, không biết gì. Thưa cậu, không biết hôm nay còn sống hay chết rồi? Chúng con, cũng chẳng đứa nào đến được. Con thì ôm cháu ngồi đây, với lại con sản hậu ốm mãi, ra sự cũng chưa chịu khỏi. Nhà con thì bận. Thấy nói: cậu Đích cũng ốm nặng lắm, nhà con cũng dát, không dám xin phép cô giáo cho nghỉ để đi xuống nhà thương thăm bà con…
– Thăm nom gì! Chết lúc này là phúc…
Tiếng Mô. Thứ và vợ Mô cùng quay ra cửa. Mô bước vào…
– Thưa cậu, cậu đi đâu mãi thế ạ? Cậu Đích hôm nay mệt lắm.
Mô bảo y như vậy. Y bảo nó:
– Lúc này, mày chịu khó xuống nhà thương xem bà cụ đã khỏi chưa. Bỏ liều bà cụ thế, phải tội.
Nó cười buồn:
– Thưa cậu, con thì nhất định chẳng thăm nom gì nữa. Bà còn sống nhờ trời, chết nhờ nhà thương. Đem về nhà, biết lấy gì mà chôn! Với lại, nói cậu bỏ lỗi, lúc này bà con chết là bà con may đấy. Như chúng con mới khổ! Vợ ôm con, ngồi đây. Chồng làm chỉ đủ chồng ăn. Giá còn bà con thì khi nào nhà con khỏe, bà còn bế con cho, để nó đi làm. Bây giờ như thế…
Thứ móc ví, lấy năm hào, cho con nó. Y ra về…
Một cái xe hơi đã đậu trước cửa nhà Hải Nam. Đầy tớ chạy đi, chạy lại khuân đồ đạc. Thỉnh thoảng một cô, áo dài tha thướt, ra khỏi một cái cửa, thấp thoáng ở ngoài hiên một tí rồi lại vào một cái cửa khác. Họ tấp nập sửa soạn đi về ấp…
Oanh mở cửa.
– À! Chú! Chú đi đâu mãi thế? Tôi mong chú mãi
Mắt y còn ngân ngấn nước. Thứ hỏi ngay
– Thế nào?
– Chú đóng cửa lại giùm tôi đã…
Và khi Thứ khóa cửa xong…
– Chú vào trong này, tôi nói chuyện…
Y nói khẽ.
– Chú về nhà quê giùm tôi nhé!
– Làm gì?
– Tìm người nhà Đích. Đích mệt lắm rồi, chú ạ! Thế nào cũng chết. Mà chết mau chứ không lâu. Có khi chỉ ngày mai, ngày kia, vài ba hôm nữa. Tôi biết lắm. Đêm qua tôi chiêm bao thấy…
Y nức nở, đưa mùi xoa lên bịt chặt lấy hai con mắt. Đôi vai gầy và cái ngực y nhấp nhô, theo tiếng khóc cố nén đi. Thứ bảo:
– Biết đâu mà tin vào mộng mị?
– Không! Tôi biết lắm!… Đích không sống được. Tôi biết đã lâu. Tôi bảo Đích về quê đã mấy lần. Nhưng Đích không nghe. Đích cứ bám lấy tôi. Nếu Đích chết ở đây thì lôi thôi cho tôi lắm. Tôi lấy địa vị gì mà làm ma cho Đích? Cũng tại ông bà chánh cứ rùi gắng mãi, không chịu cưới tôi cho Đích. Bây giờ thành ra dang dở. Tôi đã vậy. Tôi không tiếc gì với Đích. Nhưng còn bà tôi, ba tôi, các em tôi… với người ngoài… Tôi đã bảo mãi Đích về đi, rồi tôi sẽ nói dối nhà tôi, tôi sẽ về với Đích sau. Tôi không bỏ Đích đâu. Nhưng Đích cứ khóc, cứ dằn dỗi, cứ bảo tôi muốn đánh lừa Đích về rồi bỏ Đích! Chú nghĩ, Đích đang ốm đau như vậy, tôi nỡ lòng nào mà bỏ Đích! Nhưng nói thế nào thì Đích cũng không tin. Bây giờ Đích quá rồi. Tôi không chắc Đích có qua được đêm nay. Chú về tìm ông Chánh lên ngay hộ tôi, phòng Đích chết còn dễ xử. Nhưng chú đừng nói cho Đích biết. Đích có hỏi, tôi sẽ nói dối rằng chú đi Hà Đông chơi…
Thứ mặc cho Oanh nói. Y chỉ cúi đầu nghe, chẳng nói gì. Y thấm thía buồn. Người ta yêu nhau đến có thể chết vì nhau, nhưng vẫn không dám tận nghĩa cùng nhau chỉ vì chưa cưới hỏi! Nhưng trách gì Oanh! Thứ nhiều khi cũng có những cái sợ vô lý, những cái e ngại lố lăng, nó khiến y không dám cư xử theo lòng mình…
Thứ rón rén lên gác, lại gần chỗ Đích nằm, Đích thở nặng nhọc lắm rồi. Thứ nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh y…
– Anh Đích ơi! Mệt lắm ư?
Đích mở mắt ra. Đôi mắt uể oải, nặng u buồn, nhìn một lúc, nhận ra kẻ gọi mình, lại đờ ra. Nước mắt rưng rức, Đích mếu.
– Tôi chết…
Tiếng Đích phều phào, rưng rức… Thứ lặng lẽ nhìn một lúc rồi dịu dàng bảo:
– Tôi đưa anh về quê nhé?
Đột nhiên mắt Đích long lên. Y thở mạnh hơn, dằn dỗi.
– Về nhà quê làm gì hở Thứ? Về chỉ càng thêm cực. Thà cứ nằm ở đây. Nếu quá, tôi sẽ cố lê ra cái bãi cỏ trên kia… Tôi sẽ lăn ra mà chết như một đứa ăn mày… Chẳng phải phiền đến ai…
Y ngừng một chút để thở hồng hộc như bò, rồi rít lên, hai hàm răng khô nghiến chặt.
– Đời!… Ôi chao đời!…
Oanh sụt sịt, úp mặt vào mùi xoa…
*
* *
Thứ đứng tựa mạn tàu… Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn. Trời xanh lơ, tươi màu như vừa mới quét sơn. Một vài túm mây trắng, lửng lơ. Không gian như rộng quang ra. Ánh nắng chan hòa và rực rỡ. Nhưng Thứ buồn…
Y nhìn đằng sau, Hà Nội lùi dần như muốn bỏ y. Đời y cũng lùi dần. Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Cái đầu tóc mới nuôi có bao giờ thèm mong sau này làm một ông phán tầm thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương về nuôi vợ, nuôi con? Y sẽ đỗ thành chung, y sẽ đỗ tú tài, y sẽ vào đại học đường, y sang Tây… Y sẽ thành một vĩ nhân đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình. Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân. Vào Sài Gòn, y đã làm một kẻ lông bông. Tuy vậy, mấy năm ở Sài Gòn cũng là một quãng thời gian đẹp của y. Ít ra, y cũng hăm hở, y đã náo nức, y đã mong chờ. Y đã ghét và yêu. Y đã say mê. Y đã ngồi ở thư viện không biết mỏi lưng và đón một dịp đi Pháp không biết nản… Về Hà Nội, y sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm rom. Y chỉ còn dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống y với vợ con y. Nhưng cũng chưa đến nỗi hỏng cả mười phần. Ít ra, y cũng còn làm được một việc gì, còn kiếm nổi bát cơm của mình ăn. Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!…
Nghĩ thế y thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Y sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may, sống bất cứ thế nào và chết thế nào cũng được. Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã. Y sẽ đi và bất cần tất cả!… Nhưng mà Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần… và đời y cũng lùi dần. Y đang lùi về một xó nhà quê. Con tàu trở y về. Y cưỡng lại làm sao, bởi vì y đang ở trên con tàu đó. Chiều hôm nay, về đến nhà, y sẽ bảo Liên rằng trường đã vỡ rồi, y hết kế sinh nhai, y sẽ ra đi, sẽ đi liều… Liên sẽ vuốt tóc y, xoa đầu y, vỗ về y vào bảo rằng y sẽ chẳng đi đâu. Và y sẽ chẳng đi đâu… Ấy! Cái đời y là vậy! Y biết thế! Y nhu nhược quá, hèn yếu quá! Y không bao giờ cưỡng lại, không bao giờ nhảy xuống sông, xuống bể, không bao giờ chĩa súng lục vào mặt người bẻ lái và ra lệnh cho hắn hãm máy, quay mũi lại. Y chỉ để mặc con tàu mang đi.
Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần… và bây giờ thì xa rồi, khuất hẳn rồi. Hai bên bờ sông, lần lượt qua những đồng ruộng và những khóm tre, những làng mạc xo ro, những người nhà quê bao nhiêu đời nay đương đánh vật nhau với đất. Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…
Bên cạnh Thứ, một anh chàng nhà quê trẻ tuổi, mượn được tờ báo của một kẻ đồng hành, mở ra, ề à đọc cho mấy người nhà quê khác nghe chung. Thứ nhớ đến cuộc chiến tranh ghê gớm hiện thời. Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu thành phố tan nát! Cái thảm sông máu, núi thây thật là rùng rợn. Nhân loại lên cơn sốt rét, đang quằn quại, nhăn nhớ, rên la, tự mình lại cắn mình, tự mình lại xé mình, để đổi thay. Cái gì sẽ trồi ra? Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tia sáng mong manh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn… đẹp đẽ hơn… Nhưng y lại đỏ mặt ngay. Người ta chỉ được hưởng những cái gì mình đáng hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?
Viết xong tại Đại Hoàng 1-10-1944