Tác Phẩm “Vợ già chồng trẻ – Chương 1” – Xuất bản năm 1957 của tác giả Hồ Biểu Chánh (1884 – 1958). Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ.
Cô Xuyến tuy là con nhà nghèo hèn côi cúc, phải lăn lóc theo đời mà sống giữa đau khổ cần lao, song tạo hóa cắc cớ khi cô sanh lại gắn cho cô một tâm hồn đa sầu, đa cảm, sầu về số phận bần hàn, cảm những tình yêu nồng nhiệt. Chừng lớn lên, được tiếp xúc với đời, tâm hồn ấy càng thêm bồng bột, nằm đêm cô thầm ước mong có được một người chồng là bạn tri âm, người bạn thân yêu tâm đồng tâm, ý hiệp ý, để siết tay sát cánh mà đi cùng nhau trên đường đời, chia sớt ngọt bùi, chung nuốt cay đắng, miễn vợ chồng khắn khít thương nhau, dầu ăn cơm với muối, ở trong lều tranh cũng vui lòng phỉ chí.
Khi bà dì định gả cô cho Túc, cô tưởng cảnh vui của cô chờ đợi đã lù đù hiện ra mà tiếp rước cô. Nào dè Túc là một anh thợ máy cũng như muôn ngàn anh thợ máy khác, cũng ăn, cũng ngủ, cũng vui, cũng buồn, mà không phải người bạn tri âm theo trí cô tưởng tượng. Túc chỉ là một người chồng, nghĩa là một người chủ trong nhà, có đủ các quyền mà sai khiến, rầy la, nộ nạt đánh chửi cô, lại cũng có quyền xử dụng thân thể cô, ép buộc trí não cô, dầu muốn dầu không, cô cũng phải vâng chịu, chớ không được phép trả treo chống cự.
Trót 11 năm trường, cô Xuyến sống chung với một người chồng đã có sanh được một đứa con, nhưng mà chẳng bao giờ cô được thấy chồng chia sớt chút ngọt bùi nào cho cô, chỉ bắt cô ngày nào cũng nuốt những đắng cay gay gắt. Chẳng bao giờ cô được nghe chồng nói với cô một lời nào mà tỏ bày tình nghĩa, hay là hàm súc thân yêu. Mà mấy năm sau nầy người chồng còn sanh tật say sưa, làm cho nỗi đau khổ của cô chồng chất đã nhiều rồi mà cứ thêm hoài hằng bữa.
Ðùng một cái, đống đau khổ tan rã !
Quen mang xiềng xích trót mười năm, tình cờ được thong thả, nhẹ nhàng mà cô Xuyến còn bợ ngợ nên ngơ ngáo chưa biết còn buồn hay là được vui, chưa thấy đường lối nào mà bước tới. Ðứng trước cảnh đời mới vừa nở ra tiếp rước cô, nhưng vì còn ngán cảnh đời cũ, nên cô nhút nhát không dám mạnh bước đi vào, cũng không còn nghị lực mà hy vọng hạnh phúc nữa.
Thời may cô Xuyến gặp chàng Giao, cũng là thợ máy như Hai Túc, nhưng chàng trẻ tuổi, chưa mang tật nào, giống như Túc khi mới cưới cô vậy.
Giao là trai mới 20 mươi tuổi, trí còn non, máu đương nóng, đầy đủ sức khỏe, chưa biết ái tình. Ai xuôi khiến Giao lại yêu Xuyến là một đóa hoa thuở nay ở dựa rào không ai ngó tới, nên khô héo sắp tàn nay mai. Giao yêu mà thiệt thà nên nói ngay ra không thèm môi miếng. Chàng lại can đảm nên cứng cỏi, xin thay cho Túc mà tạo hạnh phúc cho Xuyến hưởng, để bù trừ những nỗi đau khổ trong khoảng đời vừa mới qua.
Thuở nay Xuyến khao khát những lời tình nghĩa mà chưa hề được nghe. Ðến 31 tuổi rồi, đã có một đời chồng, lại có đứa con tới 7 tuổi, Xuyến lại gặp bạn tri âm hiểu biết nỗi khổ của cô. Xuyến ngạc nhiên, không biết sự có thiệt hay là lời phỉnh phờ, hay là giấc mơ mộng.
Xuyến gạn lại thì quả là sự thiệt. Nhưng cô cũng chưa dám mừng. Cô khuyên Giao phải suy nghĩ lại, phải dọ xét tình yêu cho châu đáo, cô cũng xin để cho cô hỏi lại lòng của cô, nhứt là cô phải ngó kỹ cảnh tương lai coi sự tuổi tác bất đồng nó có thể tạo hạnh phúc mà chung hưởng với nhau, hay là nó gây ra những đau khổ khác.
Té ra thái độ cương quyết của Giao tiếp theo tình âu yếm thiết tha, lời thề thốt nặng nề, và khinh rẻ tiếng thị phi của thiên hạ, các điều đó hiệp nhau mà phá vỡ tan những lo ngại của Xuyến, làm cho cô lớn tuổi nên sáng suốt và dè dặt, mà cảm xúc đến nỗi bó tay để cho lửa tình của Giao tràn lan cháy luôn qua gan ruột của cô rồi tình đồng tình, nghĩa cảm nghĩa, cả hai khối ái tình đều nồng nhiệt như nhau mới gây cuộc vợ chồng say sưa đầm ấm, mê mết thân yêu, không cần thị phi, không cần tuổi tác.
Từ khi dọn qua ở chung với nhau trong đường hẻm sau trường học Cầu Kho, vợ chồng Giao với Xuyến vui sống với chuổi ngày luôn luôn êm ấm, tươi cười, tràn ngập tình yêu, nực nồng đạo nghĩa. Giao mê mết ái tình, nên không thấy tuổi bất đồng, chắc rằng hạnh phúc của mình không có hạnh phúc nào bì kịp, dầu cưới vợ tuổi mười chín hay đôi mươi như mình, thì con vợ đó không thể gây hạnh phúc cho mình hưởng như Xuyến vậy được. Còn Xuyến thuở nay khao khát tình yêu, bây giờ cô đã gặp được rồi thì cô hớn hở lo củng cố hạnh phúc tuyệt vời trời phật ban cho cô lúc bóng đã xế, hoa sắp tàn. Cô ví phận cô chẳng khác nào một bụi cây thuở nay cứ khô héo nhờ Giao đoái tưởng nên tưới nước vun phân giùm mới đơm lá xanh tươi. Cô phải biết ơn Giao, phải lo đền đáp ơn ấy, lo duy trì chút nhan sắc còn sót, lo gìn giữ tình yêu cho nồng nàn, đặng Giao hưởng hạnh phúc mà Giao mong muốn khi Giao đến dọ lòng tỏ ý.
Vì vậy nên được an vui, cả hai đều không nhàm, không chán. Giao thì lo trau giồi nghề nghiệp đặng ăn lương cho nhiều để giúp cho gia đình càng ngày càng thêm tốt đẹp, thêm thảnh thơi. Còn Xuyến thì lo bề nội trợ cho vuông tròn, lo tiện tặn cho có tiền dư mà sắm đồ đạc trong nhà lần lần đặng chồng đi làm mệt hễ về tới nhà thì hưởng không khí khoẻ khoắn tốt tươi, thấy vợ đẹp vui lòng, thấy đồ tốt vừa ý, ăn đồ ăn ngon miệng, nằm chỗ nằm khỏe lưng. Chồng cứ lo cho vợ vui, vợ cứ lo cho chồng khỏe, chồng vợ nương nhau, lo cho nhau, tự nhiên tình yêu không thể lợt phai, hạnh phúc khó mà sụp đổ.
Cô Xuyến có tánh nhỏ nhoi, vui vẻ, nên ở được vài tháng cô làm quen hết với đàn bà ở vùng nầy. Người ta biết cô là thợ may mới đưa đồ cho cô may thử. Thấy cô may khéo mà lại kỹ, ai cũng chịu nên lần lần cô có đồ may luôn luôn. Hồi đó máy may bán giá rẻ, cô Xuyến mua chịu một cái đặng may cho mau, mỗi tháng góp cho người ta một số tiền, trong một năm thì dứt nợ, cô làm chủ cái máy. Còn hãng cưa thấy Giao siêng năng, giỏi giắn, lại tận tụy với nghề, muốn cầm chưn Giao nên tăng lương lên mỗi tháng một trăm.
Chồng ăn lương lớn, lại vợ may mướn mỗi tháng có tiền thêm năm ba chục nữa, bây giờ tiền bạc phủ phê, trong nhà đồ đạc hực hỡ chẳng khác gì nhà mấy thầy ở ngoài đường lớn. Nhờ nhà ở một bên có vô đèn khí[1], cô Xuyến òn ỷ với vợ thầy ở gần nhà bên mà xin cho câu đặng ban đêm may cho tiện, thành thử nhà của vợ chồng Giao cũng đốt đèn điện như ai.
Vợ chồng Giao ở nhà thì mặc quần hàng áo lụa và mang guốc luôn luôn. Giao đi làm thì mang giày Tây, mặc đồ Tây bằng bố xanh theo điệu thợ máy. Mà chiều thứ bảy dắt nhau đi ăn uống rồi coi hát thì vợ chồng với con Tý đều mặc đồ đàng hoàng, không thua ai hết.
Con Tý mỗi ngày lại trường Cầu Kho mà học, lần lần nó biết đọc biết viết, thêm vui cho mẹ cha nữa.
Cô Xuyến sợ già nên mỗi ngày chăm nom trau giồi trang điểm không dám loè loẹt như gái nhỏ, chỉ rửa mặt sạch sẽ, bới tóc vén khéo, làm cho tuổi của cô bớt chinh lịch với tuổi chồng.
Giao làm thợ máy tự nhiên da nám tay chai. Xuyến lục đục ở trong nhà lại mai chiều đều điểm trang sắc sảo. Vợ chồng chẳng hề nói chuyện nhà của mình cho ai biết, cũng không cho ai biết thiệt tuổi của mình làm chi. Con Tý vẫn kêu Giao bằng ba, cha con vui vẻ trìu mến nhau luôn luôn. Vì vậy nên chi trong xóm nghi Giao có vợ lớn tuổi hơn chồng chút đỉnh vậy thôi, không ai dè chồng nhỏ hơn vợ đến 11 tuổi và Tý là con ghẻ của Giao chớ không phải con ruột.
Vợ chồng Giao với Xuyến ăn ở cùng nhau trót mười hai năm, chẳng những là nhà cửa đàng hoàng, bạc tiền chời chở, cả hai đều quên hết những chuyện thắc mắc với những lời chê cười hồi còn ở bên xóm Ụ Tàu mà thôi, mà nhiều đêm vợ chồng vui sướng nằm rù rì nói chuyện với nhau, lại còn khinh thiên hạ dại khờ kết đôi bạn cứ lo bạc vàng ít nhiều, cứ kiếm tuổi tác cho xứng, không thèm lựa đồng chí đồng tình, tâm đầu ý hiệp, mới tạo gia đình hạnh phúc như mình được.
Mà thiệt trót mười hai năm nay, mặc dầu tuổi tác bất đồng, vợ chồng Giao với Xuyến nhiệt thành yêu nhau đắm đuối, chồng không làm cho vợ buồn, vợ cứ chăm nom làm cho chồng vui, nhờ vậy mà trên thuận dưới hòa, trong êm ngoài ấm, cả hai đều cảm kích vì nghĩa, say sưa vì tình, nghĩa càng ngày càng thêm nặng, tình càng bữa càng thêm sâu, mới nảy nở ê hề hạnh phúc trong gia đình cho chồng vợ an hưởng.
Con Tý ham học, trí sáng, tánh siêng, hồi 14 tuổi đã thi đậu bằng sơ học dễ dàng. Giao hết sức vui mừng, biểu vợ đừng sợ tốn hao, cho nó vào trường tư thục tiếp theo lớp trung học, đặng trong bốn năm nó thi lấy bằng thành chung[2] rồi xin làm nữ giáo viên cho đời sống của nó ra khỏi vòng lao động đặng tấm thân nó thảnh thơi sung sướng.
Vâng ý chồng, cô Xuyến kiếm thế cho con Tý học tiếp. Tý cố gắng đêm ngày, mà cũng nhờ cha mẹ an ủi chăm nom nên khi được 19 tuổi nó thi đậu bằng thành chung và được cấp bằng làm nữ giáo viên dạy trường con gái tại tỉnh lỵ Gò Công.
Giao lấy làm đắc chí, vì đã làm tròn lời hứa với Xuyến khi tha thiết xin phối hiệp cùng nàng. Còn Xuyến thầm nghĩ dầu Túc sống cho tới ngày nay, chưa chắc Túc lo cho con ăn học mà lập thân được như Giao vậy, bởi vậy cô xem nghĩa của Giao càng thêm nặng dày, nên cô quyết đem tất cả tình yêu nồng nàn thành thiệt của cô mà đền đáp.
Vâng theo lời chồng dạy, cô Xuyến đưa Tý xuống Gò Công, kiếm chỗ tử tế gởi con ăn ở mà dạy học, sắp đặt đâu đó yên ổn rồi cô mới trở về lo nuôi chồng.
Qua năm sau có một giáo viên tên Thành cũng có bằng thành chung, lại có tập sự một năm tại trường sư phạm. Thầy dạy tại trường tỉnh Gò Công thấy tánh hạnh của cô Tý thầy vừa lòng, nên cậy mai lên nói với vợ chồng Giao mà xin cưới Tý. Giao biểu vợ xuống hỏi ý con và dọ tánh tình của chàng rể. Nghe hai trẻ xứng đôi vừa lứa lại hiệp ý đồng nghề, Giao mới đứng gã Tý lấy chồng, làm đám cưới rỡ ràng, gây cho cô Xuyến phải mang thêm cái nghĩa nặng nề nữa.
Xuyến khao khát tình yêu thì mấy năm nay đã được thưởng thức tình yêu mỹ mãn, Giao hứa ra tay làm nghĩa thương Tý như con, thì vẹn toàn. Từ đây vợ chồng đồng an vui với tình nghĩa ngỏa nguê, mặc dầu ngày lại tháng qua, Xuyến với Giao cứ say sưa mê mẩn tình nghĩa nặng dày, tin chắc cảnh đời thương yêu êm ấm nầy sẽ kéo dài cho đến khi nhắm mắt lìa trần, bởi vậy không cần phải lo ngại chi hết.
[1] đèn điện
[2] (diplôme), bằng trung học theo chương trình cũ của Pháp, còn gọi là bằng tài năng