Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 23 của cuốn tiểu thuyết.
Hiền đưa Phụng và Lưu đi thẳng vào nhà Vọi như chủ dẫn khách vậy. Con chó trắng đã quen với cô thiếu nữ thường vuốt ve nó nên lại gần vẫy đuôi mừng quýnh, kêu rít lên. Hiền cất tiếng gọi, tức thì bà Bật đang rửa rau ở sân liền vứt ‘phịch’ cái rổ xuống đất mà chạy ra.
Cảnh tượng ‘quá thân mật’ ấy làm cho Lưu tức giận, mặt hơi tái đi. Chàng đứng im, trừng trừng nhìn hết chỗ nọ chỗ kia, tỏ vẻ khinh bỉ.
Bà Bật vừa lau tay ướt vào áo, vừa vui mừng nói:
– Trời ơi, quý hóa quá! Xin rước cô… Xin rước thầy và hai cô vào chơi.
Hiền hỏi:
– Anh Vọi ốm ra sao thế bác?
– Vâng, cháu ốm. Sao cô biết cháu ốm mà đến hỏi thăm?
Thì ra Vòi nói dối rằng mẹ sai lên xin thuốc. Nhưng nói dối như thế để làm gì? Hay Vòi láu lỉnh, ranh mãnh định có mục đích quỷ quái chi đây? Hiền ngờ vực, nhưng chỉ mỉm cười đáp lại với bà Bật:
– À, tôi gặp cái Vòi. Hỏi thăm mới biết. Tôi có gửi nó cầm về cho anh Vọi một ống thuốc sốt. Chẳng hay nó đã đưa cho anh ấy uống chưa?
– Thưa cô, nó chưa về. Chừng nó còn chạy ra chợ.
Hiền và Phụng bước ra thềm. Còn Lưu thì đứng ngoài sân chắp tay sau lưng chúm môi huýt sáo làm bộ mặt ra vẻ thản nhiên lãnh đạm, nhưng bao nhiêu giận dữ căm hờn vẽ rành rành trên nét mặt.
– Mời thầy vào trong nhà ngồi chơi xơi nước.
– Được, mặc tôi.
Bà Bật kéo vội chiếc mới gác trên cái giá gỗ treo ở hiên rồi đem đến phản vừa giải trùm lên chiếu rách vừa mời:
– Xin rước thầy với cô ngồi chơi tạm.
– Được, bác. Đưa chúng tôi vào thăm anh Vọi đã.
Hiền và Phụng lách vào trong gian nhà kín mít tối om. Vọi nghe rõ tiếng Hiền vội đứng xuống đất chắp tay chào:
– Lạy cô ạ. Mẹ ơi! Chống hộ con cái phên nứa cho sáng một tí, chứ chẳng nhìn rõ gì sốt!
Tiếng Hiền đáp:
– Được, anh cứ nằm nghỉ. Anh sao thế?
– Thưa cô, tôi cũng cảm qua loa.
Vọi biết có một cô đi với Hiền, nhưng chưa rõ là ai. Mãi đến lúc bà Bật chống cao cái phên lên, chàng mới nhận ra là một cô dự tiệc trà bữa nọ. Chàng sa sầm ngay nét mặt. Cái cảnh trong phòng khách nhà Hiền với tiếng đàn réo rắt hòa tiếng cười nói mỉa mai đã ám ảnh chàng luôn mấy hôm liền nay lại hiện ra.
– Kìa, anh không nằm nghỉ? Sao lại dậy thế?
– Thưa cô, cứ để mặc tôi ạ. Tôi đỡ nhiều rồi.
Câu nói thành thật của anh đánh cá chất phác làm Hiền nghe như có ngụ ý tình tứ, đầy xúc động trong đó. Nàng hiểu câu nói kia của Vọi có nghĩa là:
– “Tôi đỡ nhiều rồi vì cô hạ cố đến thăm tôi.”.
Hiền mỉm cười sung sướng ghé tai Phụng thì thầm:
– Chị coi, người nhà quê chẳng biết ‘tán’ là gì?
Phụng ngơ ngác không hiểu ‘tán’ ở chỗ nào. Vọi thì cho là hai cô lại ‘giễu’ mình nên thở dài ngồi xuống phản, hai tay ôm đầu. Hiền tưởng Vọi mệt lắm, lại gần bên, đặt tay lên trán chàng.
– Đầu anh nóng lắm, phải nằm xuống mà nghỉ chứ!
Nhưng Vọi vẫn ngồi. Thấy vậy, Hiền nói tiếp:
– Nằm xuống! Bảo ngoan, không tôi giận!
Bàn tay cô thiếu nữ vừa thơm tho, vừa mát rượi cộng thêm giọng nói dịu dàng êm đềm khiến anh nhà quê choáng váng mê man như mất cả hồn. Thân chàng thong thả, nghiêng mình xuống phản.
Lúc ấy Lưu sốt ruột nên đi vào. Chàng mím môi, trợn mắt đứng nhìn rồi bước thẳng đến gần Hiền khẽ nói:
– Về thôi, không ở nhà cụ mong đợi.
Hiền như chẳng chú ý đến lời của Lưu nói. Nàng dịu dàng bảo Vọi:
– Anh nằm nghỉ, lát nữa Vòi nó đem thuốc về. Anh uống một viên sẽ khỏi ngay.
Bà Bật mời ba người ra phản ngoài hiên xơi nước. Hiền và Phụng nhận lời, bưng cái bát sành mẻ đựng nước chè tươi nóng uống ‘xì xụp’ có vẻ ngon lành lắm. Còn Lưu thì hai tay thọc túi quần đi đi lại lại ngoài sân và luôn miệng kêu:
– Mùi gì tanh quá!
Bà Bật ở trong nhà chạy ra đáp:
– Thưa thầy, mùi lưới phơi đàng kia đấy! Thưa thầy, con nhà chài lưới thì sạch làm sao được?
Quay qua Hiền và Phụng, bà vừa cười vừa nói:
– Thưa thầy với hai cô, cá tanh thế mới có cơm ăn.
Hiền lấy làm khó chịu về tính nết của Lưu nên nói chọc tức một câu:
– Phải, cũng như sau này anh Lưu ra làm trạng- sư 1, người ta càng hay kiện cáo nhau thì anh càng có nhiều tiền tiêu thôi!
Bà Bật chẳng hiểu gì nhưng cũng đáp liều:
– Vâng, chính thế thưa thầy với hai cô. Thời buổi này khó kiếm ăn lắm! Một đồng bạc cá ngày xưa bây giờ chỉ bán được năm, sáu hào thôi!