CHƯƠNG 28 – TIỂU THUYẾT TRỐNG MÁI

Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 28 của cuốn tiểu thuyết.

Đến núi Trống Mái, Vọi không sao đứng lại. Chàng leo lên tảng đá đứng vơ vẩn nhìn ra biển. Gió lạnh thổi thông qua chỗ hổng giữa hòn Trống và hòn Mái. Nhưng Vọi chẳng thấy lạnh. Cả thân thể lẫn đầu óc chàng nóng bừng.

Hai tay Vọi vịn vào thành đá bỗng sờ vào nét sơn của hàng chữ. Vọi nhớ lại những tảng đá… Câu giảng nghĩa của Hiền không bao giờ Vọi quên được một tiếng.

– “Những chữ viết đó là những chữ bắt đầu tên người con trai và người con gái. Ví dụ, Vọi và Hiền chẳng hạn, thì viết chữ V và chữ H.”

Sao Hiền đem ‘Vọi với Hiền’ ra thí dụ? Thật Vọi không hiểu, hay sợ không dám hiểu. Mà Vọi cũng chẳng biết chữ V và chữ H viết ra sao.

Nắng chiều còn phảng phất quanh vùng cao, kéo dài cái bóng tím hai hòn Trống Mái lên mặt đồi. Vọi ghé gần tò mò ngắm những chữ viết trên đá rồi nhặt viên gạch theo từng nét vạch ra bên cạnh một cặp chữ, ước ao rằng đó là hai chữ V và H.

Trong một kẽ đá, Vọi thấy có một mảnh vỏ dừa khô liền ‘cởi’ ra xem. Một cảnh âu yếm êm đềm vụt hiện ra trước mắt Vọi…

Hôm ấy cô Hiền bảo Vọi đưa đi coi dãy núi Đường Trèo. Khi trở về, Hiền kêu khát nước. Vọi chạy tức tốc vào làng mua được một quả dừa đem đến. Không có cốc hay bát, Hiền phải cầm quả dừa dốc ngược vào miệng mà uống. Sau đó nàng cười ngất đưa chỗ còn lại cho Vọi. Trong đời Vọi, thật không một lần nào Vọi được uống một thứ nước dừa ngọt và dịu như thế…, vừa phảng phất mùi thơm của hơi thở lẫn mùi phấn hồng của đôi môi…

Hiền toan cầm quả dừa hết nước ném xuống đồi thì Vọi ngăn lại, lấy dao rựa bổ đôi ra. Hiền chợt hiểu ý, vui sướng cầm một nửa gặm cùi ăn, còn nửa kia đưa cho Vọi. Ăn xong, Hiền ‘tinh nghịch’ dấu mảnh vỏ vào kẽ đá và bảo Vọi:

– Để người nào lúc khát tìm thấy mà thèm nhỏ rãi.

……

Vọi ngắm nghía mảnh vỏ dừa khô, trong lòng ngao ngán. Trời đã nhá nhem tối, chàng vẫn còn ngồi trên đá như một pho tượng. Rồi chẳng biết nghĩ gì, Vọi bưng mặt khóc rưng rức.

Giọng hát của Vòi ở đàng xa làm cho Vọi giật mình. Chàng lau vội nước mắt, chạy ẩn núp sau tảng đá. Nhưng chậm quá rồi, Vòi đã trông thấy bóng anh và đã cất tiếng gọi:

– Anh Vọi ơi! Anh chưa về nhà ư?

Chẳng đạng đừng, Vọi phải bước xuống đồi. Vòi đi với một người con gái, nhưng vì trời tối quá nên chàng không nhận được là ai.

– Anh Vọi ơi, mang hộ chúng em cái bào này với! Nặng lắm, chúng em phải hai người mới khiêng nổi đấy.

Vọi lim dim cặp mắt, cố nhìn:

– Nhưng ai đi với mày thế?

– Chị Thu!

– Thế à?

– Vì nặng quá nên em nhờ chị Thu khiêng giúp em.

Vọi lẳng lặng đỡ lấy cái bào, nhẹ nhàng vác lên vai bước rảo tiến lên trước.

– Thong thả chờ chúng em với!

Vọi không đáp, cứ thoăn thoắt bước xuống đồi. Thu và Vòi lẽo đẽo theo sau. Thu là người Sầm Sơn, nhà ở liền bên cạnh nhà cậu mợ Vọi. Mẹ và cậu mợ chàng thường khen nàng đảm đang, ngoan ngoãn và vẫn có ý hỏi nàng cho Vọi. Nay thấy Vọi buồn và Thu mới lớn lên, có cặp má đỏ hây hây, Vòi muốn se hai người lại với nhau. Trong đám gái quê, Vòi nổi tiếng láu lỉnh và sớm khôn biết.

Về đến nhà, bà Bật kỳ kèo rầy con sao không đi nghề. Vọi chẳng nói chẳng rằng, bỏ ra bãi biển. Vòi ra tìm anh về ăn cơm, nhưng Vọi kêu đau bụng, vào giường đắp chiếu nằm ngủ…

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời