Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 24 của cuốn tiểu thuyết.
Lưu nghe câu nói thản nhiên của người đàn bà lại càng căm giận, nhưng chàng vừa nghĩ ra được một kế vội tươi ngay nét mặt bảo Phụng:
– Để cô Hiền ngồi đây, cô Phụng với tôi ra bãi bể chơi đi.
Chàng tưởng nói thế là trêu tức được Hiền, nào ngờ Hiền vui vẻ bảo Phụng:
– Phải đấy! Chị ra đó mà hóng mát. Bãi xóm Sơn đẹp lắm. Tôi đã tắm ở đó mấy lần rồi.
– Thôi, chờ chị cùng đi cả.
– Thì hai người cứ đi trước, tôi sẽ ra sau.
Phụng xưa nay vẫn ghen với Hiền được Lưu luyến ái và coi như người vợ chưa cưới. Nàng cho rằng nàng giàu có, xinh đẹp chẳng kém gì Hiền thì sao nàng lại không xứng làm vợ Lưu? Mà có lẽ Lưu sở dĩ không để ý đến nàng chỉ vì chưa có dịp nào được chuyện trò thân mật với nàng mà thôi. Phải biết rõ tâm hồn nhau mới thành thật yêu nhau được. Vì thế, nàng nhận lời, đứng dậy cùng Lưu đi liền.
Nhưng nàng đâu ngờ đó chỉ là một mưu kế của Lưu dùng để gợi lòng ghen tuông của Hiền. Chàng vẫn kiêu căng, tự cho mình là một người chồng mộng tưởng của các cô tân thời. Chẳng thế mà tiệc trà nào, bọn họ cũng phải mời chàng cho bằng được. Cái ý nghĩ âm thầm ở đây, trái tim các cô thiếu nữ kén chồng cùng những bà mẹ kén rể, chàng đều tự hào rằng chàng đọc được vanh vách.
Ra tới bãi biển, thấy Lưu buồn rầu nghĩ ngợi, Phụng khẽ hỏi:
– Thưa cô, quả có thế.
– Ai lại đến thăm một anh đánh cá bao giờ!
Không thấy Lưu trả lời, Phụng bèn nói tiếp:
– Chẳng còn nghĩ đến thể diện, thể diếc gì nũa! Chẳng còn sợ những lời dị nghị của công chúng nữa!
Nghe Phụng nói xấu ‘người yêu’, Lưu đã có mòi hơi cáu. Chàng gằn giọng hỏi:
– Cô tính, lời dị nghị của công chúng thì phỏng đáng kể vào đâu?
– Vẫn biết thế, nhưng nhỡ ra…
– Nhỡ ra sao?
Phụng muốn Lưu hiểu ngầm câu nói đầy nọc độc của mình nên mỉm cười vờ chữa:
– Không, chẳng sao cả. Chết chưa! Em quên hẳn chị Hiền là ‘vị hôn thê’ của anh!
Lưu dằn từng tiếng:
– Thưa cô, thế thì cô lầm to. Cô Hiền chỉ là một người bạn rất đáng kính của tôi thôi, cũng như cô, cô Thi, cô Lan và hết thảy các cô thiếu nữ khác mà tôi có hân hạnh được quen biết.
Phụng tinh ranh nhìn Lưu:
– Thì ra thế! Tôi cứ tưởng…
Lưu ngắt lời:
– Thưa cô, không bao giờ nên ‘tưởng’ cả!
Phụng cười nắc nẻ:
– Không thì thôi, làm gì mà ‘anh’ giận ‘em’ thế?… Nếu chị Hiền không phải là vị hôn thê của anh thì ‘càng hay’ chứ sao!
Lưu chau mày:
– Thưa cô, sao lại ‘càng hay’?
– Vì ban nãy tôi lỡ lời nói xấu chị ấy mất câu.
– Vâng, tôi cũng tưởng điều ấy không nên, nhất là khi nguời bạn lại không có mặt ở đây.
Phụng càng cười to:
– Tôi có thể ví anh với anh Alceste trong vở hài kịch của Molière. Ai lại nói chuyện với một thiếu nữ mà cau có gắt gỏng đến thế!
Lư chợt hồi tâm tỉnh ngộ:
– Xin lỗi cô, tôi thường có nết xấu ấy thực, cô tha thứ cho. Nhưng ta về thôi kẻo cô Hiền mong.
Phụng vẫn còn tai ác:
– Biết đâu rằng chỉ Hiền mong?
Khi hai người trở lại nhà Vọi thì Hiền đang đứng bên phản hỏi chuyện anh đánh cá. Gần đó, Vòi tay cầm bát nước với ống thuốc. Thấy Lưu và Phụng, Hiền thản nhiên hỏi:
– Về vội thế?
Phụng đưa mắt liếc Lưu, có ý bảo:
– “Đấy anh coi! Chị Hiền có mong đợi chúng ta đâu!”.
Hiền chỉ hỏi một câu vơ vẩn rồi lại quay về phía Vọi:
– Anh uống rồi?
– Thưa, đã. Cám ơn cô.
– Vậy nằm nghỉ nhé, chúng tôi về thôi. Hễ chưa khỏi thì tôi lại đem thuốc đến. Nhưng chắc thế nào cũng khỏi, phải không?
Vọi trở mình quay vào phía trong. Hiền vừa thoáng trông thấy hai giòng lệ lặng lẽ chảy hai bên má chàng. Đó có lẽ là những giọt nước mắt sung sướng trong đời Vọi. Hiền cũng sung sướng mỉm cười…