TP – Đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT được nhiều giáo viên nhận định có nhiều điểm mới, đánh giá năng lực học sinh rõ nét, chính xác hơn. Tuy nhiên, việc đưa 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới chưa thuyết phục và tăng tỉ lệ may rủi cho học sinh.
Ba dạng thức câu hỏi trắc nghiệm
Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với gần 5.000 học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc định dạng đề thi mới được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa. Môn Ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.
Các môn trắc nghiệm có điểm mới như có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng gồm: câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi dạng đúng sai; câu hỏi dạng trả lời ngắn. Dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam. Đề thi Ngoại ngữ theo chương trình mới cũng chỉ dùng một loại dạng thức này. Trong khi đó, các môn khác sẽ sử dụng thêm dạng thức câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời đúng/sai hoặc trả lời ngắn. “Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay”, Bộ GD&ĐT khẳng định tính nổi trội của dạng thức ra đề mới.
Chưa hạn chế được “mẹo mực”
Thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên dạy Vật lý tại Hà Nội, cho rằng, mục tiêu của việc nghiên cứu các dạng thức trắc nghiệm mới nói chung là để giảm tính may rủi, tăng mức độ đánh giá khả năng giải quyết câu hỏi thực của thí sinh. Trong định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đưa thêm 2 dạng thức trắc nghiệm mới là đúng/sai và trả lời ngắn sẽ hạn chế được việc dùng “mẹo mực” và xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 6,2%, nhỏ hơn 4 lần so với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá trên của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý bởi đang so sánh câu hỏi 1 điểm (dạng đúng/sai) và câu hỏi chỉ có 0,25 điểm (dạng cũ). So sánh ngang bằng thì 1 câu hỏi dạng đúng/sai tương đương với 4 câu hỏi dạng cũ.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ đã nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở và yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh. Đề thi từ năm 2025 cũng thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng nhằm phù hợp với định hướng đánh giá năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thử làm một so sánh, xác suất ngẫu nhiên để lấy tối đa 1/1 điểm ở dạng cũ là 0,39% trong khi ở dạng đúng/sai là 6,2% (tăng 16 lần). Xác suất ngẫu nhiên để lấy 0/1 điểm ở dạng cũ là 31,6% trong khi ở dạng đúng/sai là 6,25% (giảm 5 lần). Điều đó có nghĩa là dạng câu hỏi đúng/sai sẽ làm tăng khả năng lấy điểm của thí sinh lên quá cao khi các em chọn ngẫu nhiên.
Thầy Hà cũng chỉ ra, một vấn đề nữa là quy định cho điểm câu hỏi đúng/sai, nếu thí sinh làm được 3 ý được tính 0,5 điểm và 4 ý được 1,0 điểm là ổn. Bởi vì 3 câu hỏi dễ thí sinh có thể “ăn điểm” nhưng với ý 4, câu hỏi khó nhưng nếu các em không làm được có thể chọn ngẫu nhiên và 50% đạt 0,5 điểm là yếu tố may rủi có cơ hội cực lớn. “Do đó, Bộ GD&ĐT cần bỏ dạng thức câu hỏi đúng/sai hoặc giảm số điểm câu hỏi dạng này từ 1,0 điểm xuống 0,5 điểm”, thầy Hà góp ý.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy bộ môn Toán ở Hà Nội, phân tích đề minh họa có nhiều điểm tích cực lẫn hạn chế. Trong đó, cấu trúc 3 dạng thức phù hợp với các đánh giá đang được triển khai trên thế giới. Theo thầy Tùng, dù các năng lực chưa được “cài cắm” hết song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ là năng lực tư duy, lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề… “Đề kiểu này có thể đánh giá, phân loại học sinh chính xác hơn và vì thế vẫn có thể là một căn cứ để các trường ĐH dùng để tuyển sinh”, thầy Tùng nói.
Tuy nhiên, thầy Tùng cũng cho rằng, dù lứa thí sinh thi chương trình mới vào năm 2025 nhưng Bộ GD&ĐT cần giới thiệu cả ma trận và bảng đặc tả để giáo viên làm cơ sở để xây dựng các đề thi khác. Ngoài ra, Bộ cũng cần tăng các bài toán có yếu tố thực tế bởi vì chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tính ứng dụng của toán học.
Đối với học sinh, để làm được dạng đề mới, thầy Tùng khuyên, phải học thực chất, không học vẹt, học đối phó, đồng thời luôn tìm hiểu nguồn gốc vấn đề, mở rộng, tổng quát hóa sẽ giúp các em có bức tranh toàn diện về một vấn đề. “Và một điều quan trọng nữa là học sinh cần rèn luyện kỹ năng tính toán tốt ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp; rút ra những kinh nghiệm để cải thiện cho bản thân”, thầy nói.
Nguồn: https://tienphong.vn/giao-vien-noi-gi-ve-de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-cua-bo-gddt-post1601987.tpo