Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 22 của cuốn tiểu thuyết.
Thấy Lưu rẽ về bên tay trái, Hiền gọi:
– Phía này, anh Lưu!
– Ra biển kia mà!
– Thì anh cứ đi với tôi.
Hiền với vẻ mặt cau có nhưng quả quyết. Lưu hiểu rằng những lúc ấy mà làm trái ý nàng thì không có lợi gì nên lẳng lặng đi theo, không hỏi, không nói một lời. Gần đến on đường rẽ sang nhà bưu- điện, Hiền gặp Phụng liền rủ cùng đi chơi. Cô kia nhận lời ngay.
– Nhưng đi đâu thế chị?
Hiền thản nhiên đáp:
– Đến thăm anh Vọi.
Nghe nói đôi mắt Lưu trợn trừng:
– Đến nhà Vọi?
– Vâng.
Phụng suy nghĩ, cố nhớ lại:
– Anh Vọi? Có phải cái anh đánh cá đến dự tiệc hôm nọ không?
– Phải đấy chị ạ. Anh ấy ốm.
Lưu tìm được một câu ngăn cản:
– Biết anh ta mắc bệnh gì mà cô dám đến thăm? Nhỡ anh ta bị thổ tả, ho lao, hay sốt rét, thương hàn thì có lây chết không?
Hiền lạnh lùng nói:
– Vậy thì anh đừng đi nữa là hơn hết, cả chị Phụng cũng vậy. Nếu sợ lây thì xin ở lại, tôi đi một mình. Riêng tôi, tôi biết anh Vọi không mắc những bệnh nguy hiểm ấy.
Rồi nàng biểu lộ lòng độc ác của nàng bằn một câu bí hiểm, đầy những ý nghĩa mờ ám:
– Mà anh ấy mắc bệnh gì có lẽ tôi cũng đoán ra được.
Nàng muốn nói Vọi ốm tương tư vì nàng, nhưng Lưu không hiểu, cho rằng nàng đã một mình lẻn đến thăm anh ta rồi. Lưu cười gượng nói:
– Cô nóng quá! Cô còn chẳng sợ lây nữa là tôi đây, thân một nam nhi dũng cảm.
Hiền vẫn còn căm tức, và chẳng hiểu sao nàng cảm thấy ghét Lưu về đủ các phương diện. Nàng nhíu mày nhìn đi nơi khác và bật lên một tiếng cười chua chát, cay cú lạ lùng.
– Đi thì đi, không đi thì thôi! Làm gì mà phải giở những thân danh ‘nam nhi dũng cảm’ ra như thế! Nó có vẻ…
Nàng toan nói ‘có vẻ tuồng’, nhưng kềm ngay được vì nàng chợt nhận ra là mình ‘tàn nhẫn quá’.
Từ đó ba người yên lặng đi bên cạnh nhau không ai nói với ai. Mãi đến lúc leo hết con đường dốc lên núi, Lưu mới dừng lại thở và bảo hai cô thiếu nữ:
– Các cô trèo khỏe quá!
Phụng tự phụ, mỉm cười:
– Chuyện!
Hiền hỏi:
– Thế nào? Anh đã mệt rồi sao? Vậy cái ‘dũng cảm nam nhi’ của anh cất ở đâu, không đem ra dùng?
Lưu bèn ngồi nghỉ một lát để ngắm cảnh, nhưng Hiền nóng ruột muốn biết ngay bệnh trạng của Vọi ra sao nên bảo chàng:
– Chịu khó một tí nữa, sắp tới rồi! Đó cũng là cách tập thể thao. Anh phải biết, ngày nào chúng tôi cũng tập chạy, tập đi ít ra cả tiếng đồng hồ. Phải không chị Phụng?
Lưu nghĩ mà thêm xấu hổ với hai cô bạn gái nên đứng dậy đi liền. Ngắm họ, chàng nhận thấy có sự liên hệ của tấm thân dịu dàng uyển chuyển với cái sức mạnh của sự tập luyện công phu. Và chàng hiểu rằng thời nay không còn là thời chia hẳn ra bên đàn ông là mạnh mẽ, và bên đàn bà là yếu đuối nữa. Chàng nghĩ thầm:
– “Ta sống ở thế kỷ trọng ‘cá nhân chủ nghĩa’. Nhưng muốn cho chủ nghĩa này đắc thắng thì không gì bằng làm cho nam nữ bình đẳng về mọi phương diện. Những danh từ ‘phái mạnh phái yếu’ kia vẫn còn thì chưa thể bình đẳng được.”.
Nhìn hai người bạn gái, chàng tự hỏi:
– “Họ với mình, ai thuộc phái mạnh và ai thuộc phái yếu?”.
Vấn đề phụ nữ rõ rệt hiện ra trước mắt chàng hiện ra thành thịt thành xương. Cái vấn đề mà trước kia chàng cho rằng chỉ có ở trong lý tưởng, vì chàng mới đọc những lời bàn tán khô khan lờ mờ, kiểu cách đăng trên báo chí chứ không bao giờ chịu nghĩ đến một cách thiết thực như hôm nay…