CHƯƠNG 11 – TIỂU THUYẾT TRỐNG MÁI

Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 11 của cuốn tiểu thuyết.

Đêm hôm ấy khuya lắm Hiền mới ngủ được. Hai cảnh tượng của bãi biển trăng soi còn rõ ràng hiện ra trong trí nhớ nàng: bóng con cua chạy nhanh như bay biến vụt vào cõi mộng và nguyên cái thân thể của Vọi in lên nền trời xanh trong. Một cảnh bé nhỏ và một cảnh hùng tráng. Ngoài kia tiếng thủy triều đang lên như than thở không ngừng…

Tuy không ngủ được mấy, Hiền cũng dậy thật sớm ra biển. Dậy sớm đã thành một thói quen đối với nàng. Thấy Vọi đứng kéo lưới, nàng chạy lại hỏi:

– Anh làm việc luông từ tối hôm qua đến giờ?

Vọi cười:

– Thưa cô, không. Đêm qua thả lưới. Sáng nay dậy kéo lưới.

– Dậy từ bao giờ?

– Từ sớm, lúc gà chưa gáy cơ.

Hiền yên lặnng đứng nhìn. Trừ vài bọn chài lưới ra, bãi biển vắng ngắt không còn một ai ra tắm. Rồi Hiền đi đi lại lại, ngắm nghía những tấm thân đầy bắp thịt rắn chắc. Vọi không những cao hơn, nở nang hơn mà còn có vẻ sáng sủa thông minh nhất trong đám.

Vọi vừa làm việc vừa nhìn Hiền mỉm cười. Cô thiếu nữ dễ dãi tử tế Vọi đã quen lắm rồi. Gặp nàng, Vọi không bẽn lẽn xấu hổ như buổi đầu nữa.

– Đã sắp có cá chưa anh Vọi?

– Sắp có đấy cô ạ.

Hiền vừa nói vừa quay đi:

– Nếu có cá ngon đem đến bán cho tôi nhé!

Thấy có gió thổi đến, Hiền nhớ đến một trò chơi khi Hồng còn ở Sầm Sơn: chơi đấu xe cỏ kim. Nay chỉ có một mình nàng mà không có ai chơi chung, Hiền ra bẻ hai cành lá cỏ cho chạy thi rồi cũng như mọi lần vừa cười vừa chạy theo sau. Lúc gió thổi mạnh, cỏ lăn thật mau, loáng loáng ánh trăng xiên ngang, trông y hệt như con cua chạy dưới bóng trăng đêm hôm trước, rồi cũng như con cua, bị nước biển tràn lên cuốn lấy trôi đi…

Mất hai lá cỏ, Hiền bẻ hai cái khác tiếp tục chơi… Mãi lúc mặt trời lên cao, nàng mới trở về nhà ăn sáng.

Một lát sau, Vọi đến, tay xách hai con cá chim thật to. Thoáng thấy bóng chàng, Hiền mừng rỡ ra mở cổng hỏi:

– Anh đem cá bán cho tôi đấy à?

– Kéo lưới được hai con cá chim lớn, tôi đem biếu cô.

Hiền cảm động. Nàng vẫn nhận thấy rằng đa số người vùng Sầm Sơn ham lợi. Có khi nhờ họ việc cỏn con, họ cũng chìa tay xin tiền không chút ngượng ngập. Hiền cũng không trách gì họ, vì biết rằng họ nghèo lắm.

Một anh dân chài đem đến biếu hai con cá là chuyện nàng không thể tưởng tượng được, không bao giờ ngờ đến có sự việc lạ lùng đến như thế!

– Tôi trả tiền anh thôi, chứ anh kiếm ăn vất vả khó nhọc, tôi nhận không của anh làm gì? Như vậy coi sao được!

– Thưa cô, chả là bao. Hôm nọ cô cho mấy viên thuốc sốt, em gái tôi uống khỏi ngay, mẹ tôi với tôi vẫn mong tìm được vật gì quý để tạ ơn. Nay có hai con cá tươi xin cô nhận cho chứ đừng từ chối mà buồn lòng tôi lắm!

Hiền bật cười:

– Ra anh đến ơn tôi đấy! Nhưng thuốc của tôi chỉ có hai xu một viên mà anh cho tôi hai con cá đáng những mấy hào. Làm ơn thế này thì tôi làm ơn đời…

Rồi nàng xách hai con cá vào trong nhà khoe với bà Hậu:

– Mẹ ạ, anh Vọi biếu mẹ hai con cá chim đây này.

Bà Hậu chau mày bảo con:

– Sao lại để cho anh ấy biếu không vậy con?

– Anh ấy tạ ơn ‘thầy lang’ đấy chứ!

Bà Hậu chẳng hiểu Hiền nói gì, nhưng vì chiều con nên bà cũng cười cho con bằng lòng. Vọi vui mừng, cúi chào ra về. Hiền nói cảm ơn rồi đưa Vọi ra cổng. Nàng dặn:

– Chiều nay anh lại cho tôi thuê mảng nhé!

– Vâng. Tôi xin đến đây đón cô…

– Rồi anh chở tôi sang bãi Nít hay bãi Sơn cũng được. Ở đây đông người, tắm không thích. Nhân tiện tôi đến thăm ‘cái Vòi’, em anh.

– Cám ơn cô, em nó khỏi hẳn rồi, đã đi chợ phiên trước.

Dứt lời Vọi đi thẳng, trong lòng sung sướng được bà Hậu và cô Hiền nhận cho hai con cá…

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời