CHƯƠNG 15 – TIỂU THUYẾT TRỐNG MÁI

Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 15 của cuốn tiểu thuyết.

Ra đến ngoài ruộng, Hiền bỗng đổi ý, muốn theo đường núi trở về nhà. Vọi tuy khuyên nàng nên đi đường biển cho chóng kẻo về trễ ‘bà cậu’ chờ cơm. Nhưng chàng lấy làm sung sướng vì được ở bên cạnh nàng lâu thêm một chút. Nỗi sung sướng ấy cẳng một lần nào Vọi nghĩ đến và tìm hiểu xem cỗi rễ từ đâu. Chàng chỉ biết rằng hôm nào không gặp cô thiếu nữ ‘có lòng tốt’ thì chàng buồn rầu chẳng còn thiết làm gì. Ngày ngày chàng đánh rút bên kia làn nước, mắt lơ đễnh, tay chân rời rạc, tâm thần bâng khuâng. Nhưng nếu cô Hiền chỉ đi qua một lượt và nhìn chàng khẽ gật một cái là đủ khiến chàng trở nên vui vẻ làm việc nhanh nhẹn.

Có một buổi trưa Vọi đứng ủ rũ hàng giờ dưới bóng phi lao để chờ đợi. Hễ gặp Hiền ra tắm là chàng mãn nguyện trở về nhà chẳng ao ước gì hơn nữa, và cũng chẳng cần biết rằng Hiền có trông thấy mình không.

Đó có lẽ không phải là ái tình, và Vọi hình như chẳng hiểu ái tình là gì. Vả lại, anh chàng đánh cá nào dám mơ màng đến cô thiếu nữ giàu sang có bộ áo tắm đáng giá bằng cả một cơ nghiệp dân chài! Nhưng đó là cảm tình. Vọi cảm vì tấm lòng tử tế của Hiền. Chàng không bao giờ tưởng tượng một cô con gái cao quý lại dễ dãi, tự hạ mình đoái nghĩ đến đám dân nghèo như thế.

– Anh nghĩ gì thế anh Vọi?

Vọi kinh ngạc giật mình, ngỡ là Hiền đoán biết được tư tưởng của mình.

– Thưa cô, không…

– Cái Vòi, em anh trông mặt lanh lợi lắm nhỉ?

– Thưa cô, nó láu lỉnh lắm kia đấy. Mẹ tôi thấy cô tốt bụng thương kẻ nghèo nên cứ bảo tôi đưa nó đến hầu bà với cô.

Lúc nãy Hiền thất vọng về cử chỉ của bà Bật khi nghe con nói cho biết rằng nàng sắp trả công cho một đồng bạc. Giờ nghe Vọi nói vậy, nàng cũng thất vọng không kém! Nàng vẫn yên chí rằng người nhà quê yêu cảnh nhà quê, yêu nghề của họ. Ai ngờ họ chỉ ao ước một cảnh khác. Nàng nghĩ thầm:

– “Đang theo một nghề tự do, tuy không giàu nhưng đủ ăn sao lại mong con mình ‘được’ hầu hạ kẻ khác?”.

Nàng lại nghe Vọi nói tiếp:

– Tôi bảo mẹ tôi rằng tôi còn kiếm đủ tiền nuôi được cả nhà thì can chi phải cho em đi ở? Nhưng mẹ tôi không yêu nó đâu, vì nó cứ ốm luôn nên chỉ muốn tống cổ nó đi thôi. Tôi thì thương nó lắm. Cô tính, thầy tôi mất đi, chúng tôi chỉ có hai anh em.

Hiền cảm động, nhìn Vọi khen thầm rồi nói:

– Anh nghĩ thế là phải. Có một nghề trong tay vẫn được tự do sung sướng. Dù giàu hay nghèo cũng vậy. Đi ở làm gì?

Bấy giờ hai người đã trèo hết con đường dốc bên cái miếu con. Hiền đứng lại nhìn xuống xóm Sơn ẩn khuất trong những bụi tre, khóm chuối. Đàng xa sau rặng phi lao, trăng mười bốn lấp ló trong đám lá thưa chiếu xuống mặt biển lăn tăn gợn sóng.

Hiền nhìn Vọi bằng cặp mắt mơ mộng, nói:

– Anh chọn đúng chỗ. Ở đây phong cảnh đẹp lắm!

Vọi đã bắt đầu mạnh dạn, đã dám ‘bàn’ với cô thiếu nữ tên Hiền này những vấn đề ngoài chuyện làm ăn.

– Thưa cô, có gì mà cô khen đẹp?

Hiền mỉm cười:

– Anh không thấy đẹp? Có lẽ vì anh nhìn mãi nhàm mắt rồi! Tôi tưởng những đêm trăng tròn khi ăn cơm chiều xong lên ngồi đây nói chuyện thì còn gì thú bằng? Tiếng sóng rạt rào không ngớt làm cho lời mình nói có ý nghĩa thầm kín… Những ngọn phi lao nghiêng theo chiều gió như khúc khích cười cố lắng tai nghe. Đàng xa, làn nước trắng xóa dưới ánh trăng vàng như nụ cười bất tuyệt của một giai nhân…

Hiền bỗng ngừng lại phá lên cười. Quang cảnh êm đềm làm cho nàng thốt ra những lời văn quá lãng mạn ở trước mặt một anh dân chài chất phác. Nàng lại ậm ừ hỏi:

– Anh có hay ngồi đây ngắm trăng lên không?

– Thưa cô, có. Nhưng đó là ngày còn bé thôi chứ bây giờ tôi chả lúc nào rỗi. Đêm có trăng là nhữn đêm phải làm việc nhiều. Kìa cô coi! Mảng đi thả lưới đầy như lá tre. Đáng lẽ ra phải ngồi trên mảng rồi.

– Vậy ra tôi làm anh mất một buổi đi nghề! Anh có tiếc không?

Vọi không đáp, vơ vẩn nhìn theo những cánh buồm nâu ngoài biển. Thật ra, không những Vọi không tiếc mà còn ao ước thỉnh thoảng được nói chuyện với Hiền ở nơi vắng vẻ như hôm nay. Nghe những lời dịu dàng thanh tú của nàng, Vọi có những cảm giác mới lạ. Đó là sự sung sướng bồng bột trong lòng làm máu nóng đưa lên mặt nóng bừng hai má.

Sự yên lặng có sức huyền bí làm cho Hiền rùng mình:

– Thôi, đi về kẻo trễ anh Vọi ạ.

Nhưng khi đến hòn Trống Mái, Hiền không thể không leo lên được. Nàng đứng thẳn người, hai tay cầm dang hai đầu vạt áo khoác cho gió thổi bay phất phới đập vào tảng đá rêu mờ xanh. Theo cái ngách trống hổng ở giữa hai sườn đá, luồn gió đều và mạnh. Hiền thở khoan khoái và cảm thấy các thớ thịt như đang hô hấp, sinh sôi nảy nở thêm ra.

Thấy Vọi lững thững đi đi lại lại dưới đồi, Hiền vẫy gọi:

– Anh Vọi!

– Chuyện gì, thưa cô?

– Lên đây chứ!

Vọi ngước mắt nhìn Hiền, dáng ngần ngừ:

– Nhưng cô về thôi… kẻo tối.

– Đã có trăng! Thì anh cứ lên đây một tí đã nào.

Vọi cười vơ vẩn:

– Vâng, thì lên.

Mặt trời đã lặn hẳn. Phía tây, đám mây tím mỗi lúc một trở nên xanh đen. Phía đông, trăng mọc đã cao. Bóng hai người song song nnằm dài trên bệ đá. Hiền ngắm nghía hàng lỗ nhỏ ở dưới gầm tảng đá bảo Vọi:

– Nước chảy đá mòn, thật đúng. Anh trông những giọt nước mưa khoét đá trũng xuống thành một hàng lỗ.

Vọi cười:

– Thưa cô, không phải nước mưa khoét đâu, chính tôi đục nó, đục để đánh ô. Cô coi, hai mươi lỗ đều đặn là hai mươi cửa.

– À, ra thế. Ừ mà cũng có lý, nếu nước mưa đục thì sao chỗ khác không có nhỉ?

– Vâng, chính thế. Giá còn sớm thì tôi dạy cô đánh ô. Nhưng tối mất rồi, cô về thôi.

– Anh sợ ma?

Vọi yên lặng, quay nhìn vào vách đá. Thực ra, Vọi chỉ sợ Hiền, sợ đến nỗi không bao giờ dám trái ý nàng.

– Thưa cô, người ta cứ vẽ thế kia để làm gì?

Vừa nói Vọi vừa trỏ tảng đá đầy những tên viết tắt hay viết đủ chữ, hoặc bằng sơn trắng, sơn xanh, hoặc dùng thỏi sắt nhọn đục sâu vào đá. Hiền nhoẻn hàm răng trắng đáp lại:

– Đó là người ta ký tên để giữ kỷ niệm. Một cặp tình nhân chẳng hạn đến đây chơi rồi khắc tên vào đó, ý mong muốn cho ái tình của hai người lâu bền với vạn vật.

Mỗi khi Hiền nói giọng văn hoa quá thì nàng lại không nhịn được cười vì nàng chợt hiểu và nghĩ thầm:

– “Ai lại đi nói những câu ấy với anh Vọi?”.

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời