Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 17 của cuốn tiểu thuyết.
Hiền vừa thì thầm hát, vừa sửa sang những bông hoa hồng, hoa tử vi trong các bình thủy tinh màu ám khói. Nàng quay lại hỏi mẹ:
– Mẹ ngắm xem có đẹp không?
– Đẹp lắm!
Bà Hậu âu yếm đăm đăm nhìn con mỉm cười như cố tìm hiểu ý nghĩ của một cô thiếu nữ ‘đến thì’.
Buổi sáng, Hiền đã ngỏ lời xin phép mời các bạn đến dự tiệc trà vào lúc năm giờ và nghe nàng kéo violon (vĩ- cầm). Bà Hậu bằng lòng ngay. Bà cho rằng con gái thời nay cần phải quảng giao để kén chọn lấy người chồng xứng đáng. Thấy con gái đã 20 mà chưa ưng một ai, bà cũng hơi sốt ruột, lo lắng. Vì thế, ở Hà- Nội bà thường vẫn thường hay mở tiệc thết bạn bè của con, cả trai lẫn gái. Trong số đến dự tiệc cố nhiên ó đầy đủ sinh- viên các trường Luật- Khoa, trường Y- Khoa…, những người năng lui tới với mẹ con bà. Những buổi tiệc ấy có khi trở thành những cuộc hội họp nói về văn- chương, khoa học trong một phòng khách thính. Ai nấy thi nhau trổ tài để làm rung động những cặp mắt đen và những quả tim vàng.
– Con đã gửi thiệp mời rồi đấy chứ?
– Thưa mẹ, rồi ạ.
– Con mời những ai?
– Thưa mẹ, con mời hết thảy những ngươi thường đến nhà mình. Tất cả độ chừng chín, mười người thôi.
– Có Lưu, Thiện, Thanh chứ?
Hiền mỉm cười tinh ranh:
– Lẽ cố nhiên phải có Lưu, Thiện, Thanh.
Rồi nhận thấy mình có vẻ hơi ‘hỗn’ xược với mẹ, Hiền bèn nói chữa:
– Thưa mẹ, ở Sầm Sơn này chẳng mời các anh ấy thì còn mời ai? Có bao nhiêu người mời được, con đều mời cả. Thế là hay hơn hết, mẹ nhỉ?
Lúc ấy có tiếng chuông ở cổng. Hiền bèn chạy ra.
– Anh Lưu! Chào anh! Anh vẫn được mạnh?
– Cám ơn chị. Còn chị, ‘ngọc thể’ vẫn được an khang chứ?
Hiền cười đáp:
– Cám ơn anh. ‘Ngọc thể’ tôi vẫn được như thường.
Lưu vào phòng khách chào bà Hậu. Bà ta vui vẻ bảo chàng:
– Ông Lưu đến trước nhất, chắc hôm nay may mắn lắm.
Lưu cũng cười:
– Thưa cụ, thánh nhân đã dạy: ‘ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau’!
Hiền nghe nói lẩm bẩm:
– Nhạt!
Lưu đoán nghe được lời bình phẩm của Hiền, cười bảo nàng:
– Vâng, kể cũng hơi nhạt.
Rồi chàng ngồi yên lặng ngắm bình hoa đặt trên cái bàn thấp phủ khăn ren. Thấy Lưu nét mặt có vẻ hơi giận, bà Hậu khéo léo tìm cách gợi chuyện để có dịp ‘tán tụng’chàng; nào hỏi đến việc học, đến các kỳ thi rồi lân la đến nhà cửa, gia đình cha mẹ, anh em chàng. Lưu tập tễnh mừng thầm vì chàng biết rằng khi nào các bà mẹ có con gái kén chồng mà nói với mình những câu chuyện thân mật như thế là tất có ý chọn mình vào chỗ ‘đồng sàng’. Vì thế, chàng giở hết tài ngôn luận ra khoe khoang một cách kín đáo nhún nhường:
– Thưa cụ, con học đã có gì. Được đỗ đầu kỳ thi lên lớp cũng là may.
Bà Hậu toan nâng câu khiêm tốn của Lưu lên thì Hiền đã đỡ lời:
– Thưa mẹ, anh Lưu nói thật đấy.
Thấy mẹ lườm có ý thầm trách cái tính ngỗ ngịch vô lễ của mình, Hiền nói chữa:
– Vì so với các luật- sư, tiến- sĩ, thạc- sĩ thì học lực của anh Lưu kể cũng chưa có gì thật. Nhưng người ta sao thì rồi mình cũng thế phải không, thưa anh!
Biết rằng một làn không khí lạnh lẽo đang phảng phất trong phòng, Hiền tươi cười đánh trống lảng vì cũng như các cô thiếu nữ có học, nàng rất tài về khoa nói chuyện.
– Anh Lưu ạ, thạc- sĩ nghĩa là cái quái gì nhỉ!
– Vâng, tôi cũng tưởng vậy. Sao không dùng chữ giáo- sư chuyên môn có giản dị hơn không?