Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 7 của cuốn tiểu thuyết.
Cũng như mọi ngày, buổi trưa hôm nay rất oi nồng. Thỉnh thoảng mới có một cơn gió thoảng qua, nhưng là gió tây đem hơi nóng tới. Làn không khí như yên lặng để lắng xuống những chất đặc nặng nề đè ép lên ngực ta làm cho bứt rứt khó thở. Ngoài kia biển vẫn réo. Tiếng ồn ào rầm rộ khiến người ta tưởng tượng có luồng gió dữ gầm thét trong lá phi lao.
Trên cái sập quang dầu kê ở đầu hiên, bà Hậu thiu thiu ngủ, mắt chập chờn lim dim, tay luôn luôn phẩy cái quạt giấy. Ngoài sân bên chiếc lõng tre dưới tàn lá xanh của cây khế lấm tấm cài nhữnggg chùm hoa đỏ tía. Hiềnn thiêm thiếp nằm trong cái võng gai mắc vào hai thân cây long não ngọn cao vượt hẳn lên từng không. Ánh nắng len qua kẽ lá chạy chấp chới trên bộ quần áo lụa mỗi khi có hơi gió nhẹ lướt qua.
– Ngủ đấy à?
Nghe câu hỏi, Hiền choàng thức giấc, mắt chớp bỡ nghỡ nhìn. Hồng cười:
– Trời ơi! Nóng thế này mà ngủ được! Đi chơi không?
Hiền cũng cười:
– Đi chơi càng nóng. Nhưng đi thì đi.
Hiền mời bạn uống nước dừa rồi thản nhiên đứng tháo võng gấp lại. Hồng hỏi:
– Tháo võng làm gì thế?
– Đem vào rừng.
Hồng hoảng hốt:
– Em không vào rừng đâu. Năm ngoái xảy ra chuyện gì chị không nhớ à?
Hiền đầu đội nón lá, tay ôm võng yên lặng tiến bước đi ra cổng. Hồng nói thì nói vậy nhưng cũng lững thững theo sau. Trong bằng hữu vẫn thường thế. Có hạng người rất nhu nhược đối với bạn hay nói trái lại, nhưng bao giờ cũng tự bắt buộc làm theo. Nhất là khi người kia có tánh quả quyết và bướng bỉnh. Tới con đường giáp bãi cát, Hiền bỗng trỏ tay ra biển bảo Hồng:
– Kìa, hình như có một cái thuyền đánh cá đương vào bờ. Có lẽ thuyền anh Vọi đấy.
Hồng nhìn theo:
– Không phải thuyền. Mảng đấy!
– Phải rồi! Mảng! Mảng anh Vọi!
Mãi lần này Hồng mới kịp để ý đến cái tên lạ lùng ấy, ngơ ngác nhìn bạn hỏi:
– Anh Vọi nào thế?
– À, chị chưa quan với anh Vọi nhỉ? Ta xuống xem đi. Nếu phải anh Vọi thì em sẽ giới thiệu chị với anh ấy nhé? Rồi chị sẽ biết, anh Voi đẹp lắm kia.
Cặp má Hồng hây hây đỏ. Thấy thế, Hiền càng cười to:
– Không trách được bọn họ cứ mắng nhau ‘bẽn lẽn như con gái’! Từ nay mà động nghe nói đến con trai hay đứng trước mặt đàn ông chị còn đỏ ửng cặp má lên thì em xin tặng ngay một quả đấm móc vẹo quai hàm để nhắc chị điều đó.
Hồng gượng cười nhưng trong lòng không được vui, miễn cưỡng theo bạn ra bãi biển. Chỉ trong khoảnh khắc, hai cánh buồm nâu vừa nhấp nhô ở ngoài xa đã cỡi ngọn sóng trắng vùn vụt phi vào gần bờ. Rồi người ta chưa kịp lưu ý tới, đôi đuồm đã hạ từ lúc nào, và cái mảng đã gối trên mũi đá.
Hiền vội chạy lại reo mừng:
– Đúng rồi, đúng anh Vọi rồi.
Vọi vừa cúi xuống buông trùng ống quần vừa ngước mặt nhìn:
– Kìa ! Cô…
Hiền vẫn cười, vui vẻ trách:
– Cô Hiền! Có thế mà mãi không nhớ!
Rồi nàng quay lại vẫy bạn đứng ở khoảng cát trắng khô:
– Lại đây Hồng! Đấy, chị coi Vọi đẹp không?
Anh đánh cá nghe cô thiếu nữ khen mình đẹp vội ngồi xuống bới thúng cá vụn, nhặt những con ốc và những con bạch tuột nhỏ vứt đi. Còn Hồng trái lại, nàng không thẹn thùng nữa, chỉ rũ ra cười. Ban nãy nàng vẫn tưởng Vọi là tên thực hay tên gọi đùa của một trang công tử ra nghỉ mát ở Sầm Sơn, chứ với một anh dân chài thật thà đần độn kia, khi nào nàng còn phải giữ gìn e lệ?
Lưng nửa sọt các thứ cá lớn, cá lỡ và một thúng đựng lộn xộn vừa cá vụn, vừa tôm cua, trai, mực, đó là kết quả của cuộc đi lõng.
Cá chưa kịp quẫy lên bãi, mấy người lái đã xuốn mảng xoắn xít mặc cả rồi trả tiền và trút cả sang thúng của mình gánh đi. Hiền thương hại, phàn nàn:
– Ngần ấy mà có một đồng bạc! Sao rẻ thế?
Hai người đánh cá thu xếp lưới và thúng sọt, dùng chèo gánh về nhà. Hiền và Hồng đi liền bên. Thấy Vọi có chiều không vồn vã tiếp chuyện mình. Hiền nhắc ngay đến ảnh. Quả nhiên Vọi hớn hở:
– Thưa cô, ảnh của tôi xong rồi à?
– Xong rồi! Nhưng tôi để ở nhà. Chốc nữa anh lại tôi biếu vài cái.
– Thưa cô, ngay bây giờ có được không?
Hiền cười:
– Bây giờ không được vì hôm nay tôi không muốn tắm, mà về thì bà tôi bắt tôi đi tắm mất!
Vọi tỏ vẻ kinh ngạc:
– ‘Bà Cậu’ vẫn đi với cô là bà cô đấy à? Thế mà còn trẻ nhỉ?
Hồng và Hiền cùng cười rú lên khiến Vọi xấu hổ cuống quít rảo bước. Hồng giảng nghĩa:
– Anh lẩn thẩn lắm! Bà nghĩa là mẹ kia! Người ta thường gọi mẹ bằng bà như thế là thường chứ.
Từ đó Vọi lại im thin thít. Còn người bạn cùng nghề thì hai cô thiếu nữ có thể tưởng là câm vì chưa nghe thấy chàng nói một câu hay cười một tiếng. Bỗng Hiền thốt nghĩ đến những nỗi nguy hiểm ngoài khơi, ngập ngừng hỏi Vọi:
– Sáng hôm nay hai cái mảng cùng đi sao chỉ có một cái trở về?
– Cáì kia về từ nãy rồi.
Hai người chài lưới đi rất mau hầu như chạy. Hồng không sao theo kịp bèn dừng lại rồi cùng bạn rẽ vào rừng phi lao.
Hiền tìm nơi cây mọc dày để mắc võng cho được rợp. Một bọn con gái kiếm củi khô nghe tiếng động ù té chạy tán loạn. Mãi sau, một người quăy lại trông thấy Hiền và Hồng mới hoàn hồn cười khanh khách gọi bạn:
– Không phhải đâu!
Hiền chợt nghĩ đến những cái biển gỗ quét vôi trắng có chữ ‘rừng cấm’ đóng vào thân cây phi lao suốt dọc bãi từ Sầm Sơn ngược lên cửa Sông Mã. Chỉ thoánh nhìn vẻ khiếp sợ hiện trên nét mặt cá cô gái quê và con em bọn thuyền chài, nàng cũng đoán biết được sự trừng phạt nặng nề của thầy đội kiểm lâm đối với bọn đi kiếm củi. Nàng ngỏ ý tưởng ấy với Hồng thì nàng ta cười đáp:
– Nhưng giá cứ để mặc họ thì chẳng bao lâu họ chặt hết rừng. Rồi vài chục năm sau ruộng nương vùng này se biến thành toàn đồi cát.
Giữa lúc ấy, ai cất giọng hát lanh lảnh ngân nga. Hai người không nhận rõ được một tiếng, song chừng là một câu ví có nghĩa tinh ranh lắm. Và lời ca vừa dứt thì cả bọn củng thét lên cười có vẻ khoái trá.
Hiền và Hồng còn đương đưa mắt thầm hỏi nhau cái cớ khiến họ cười như thế thì từ con đường hẻm xóm khuất một người vận quần áo nâu đi ra.
– Kìa, anh Vọi!
Người đánh cá toan đi thẳng nhưng Hiền gọi giật lại hỏi:
– Này anh Vọi! Các cô hái củi vừa hát bài gì thế?
Vọi hàm răng trên cắn lên môi dưới, cặp má tự nhiên đã đỏ càng đỏ thêm. Hiền đoán chắc rằng câu hát ví của cô kia có nghĩa trêu ghẹo, bỡn cợt anh chàng đẹp trai nên anh ta mới bẽn lẽn xấu hổ đến thế. Hiền thương hại hỏi sang chuyện khác:
– Sao anh bảo anh ở mãi bên kia hòn Trống Mái mà hôm nay lại thấy anh về đây?
Vọi chau mày lẩm bẩm mắng tụi cắt cỏ đương ranh mãnh nhìn mình cười rồi quay lại trả lời Hiền:
– Thưa cô, hôm nay tôi đi nghề với cậu tôi. Cậu tôi ở làng Lưu Trung ngay gần đây.
Vừa nói chàng vừa giơ tay trỏ:
– Vậy bây giờ anh về nhà?
– Vâng, tôi về nhà… kẻo mẹ tôi mong ngóng.
Thấy lần nào nói đến về nhà Vọi cũng thêm vào câu ‘kẻo mẹ tôi mong ngóng’ Hiền phải bật cười, không nhịn được. Anh dân chài cuống quít ngơ ngác nhìn:
– Thôi, chào hai cô. Tôi xin về.
Hiền chềm luôn:
– Kẻo mẹ anh mong ngóng.
Vọi thật thà, không hiểu đó là câu chế giễu nên cũng lập lại:
– Vâng, kẻo mẹ tôi mong ngóng.
Một cô cắt cỏ ranh mãnh ghé vào tai Hiền thì thầm:
– Cô thử hỏi anh ấy có vợ chưa mà coi.
Tò mò muốn biết sự hiệu nghiệm của câu bí mật ấy, Hiền làm theo lời:
– Anh Vọi, anh đã có vợ chưa?
Tức thì Vọi cắm đầu rảo bước đi thẳng. Sau lưng chànggg, bọn cắt cỏ, kiếm củi phá lên cười vang cả một góc rừng. Hiền đứng vịn vào vai Hồng ngồi đu đưa trên võng mỉm cười khẽ nói:
– Trong bọn gái quê này thế nào chẳng có vài cô chết mệt vì anh đánh cá đẹp trai.
Hồng như không nghe rõ, ghé mắt nhìn qua rừng phi lao ra nơi biển xa:
– Về tắm nhé chị Hiền?
– Tắm làm gì? Lên hòn Trống Mái chơi có hơn không… Ồ, suýt nữa quên!
Hiền hoảng hốt chạy thật mau về phía Sầm Sơn. Một lát, nàng trở lại. Vọi lững thững theo sau. Hiền cười bảo bạn:
– Tháo võng cất đi về rồi cùng anh Vọi lên Trống Mái.
Nàng quay lại phía Vọi nói tiếp:
– Về nhà tôi đưa ảnh cho.
Vọi nghe nói đến ảnh quên cả câu chuyện bực mình ban nãy, nhanh nhẹn tháo võng bỏ vào cái nón rồi mang theo hai cô thiếu nữ, nét mặt thản nhiên như không thèm lưu ý đến tiếng cười ròn rã ở sau lưng…