Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 8 của cuốn tiểu thuyết.
Sầm Sơn 23 tháng 6 năm 193…
Chị Oanh,
Chị chờ em à? Thì ra em có viết thư hẹn với chị rằng em về mà em quên bẵn hẳn đi. Xin lỗi chị nhé.
Vâng, quả có thế. Em vẫn dễ đổi ý kiến như khi còn đi học tuy ngày nay em đã già hơn thuở ấy những hai, ba tuổi. Vì thế, tuần trước em chỉ muốn về, bây giờ lại không muốn về nữa. Hay chị vào đây nghỉ mát chio vui?
Thế nào chị cũng vào đấy, vì Hồng ra Hà Nội sáng hôm qua thành thử ở trong này em trơ trọi, không bạn. Rõ em giận chị Hông quá đi mất thôi! Bảo thế nào cũng không chịu nghe! Không biết về làm gì vội thế, làm em nhớ nó từ hôm qua đến giờ cứ ngơ ngẩn cả người chẳng khác gì nhớ tình nhân! Em nói thế không biết tình nhân nhớ nhau thế nào?
May quá có anh Vọi, không thì em buồn chết. À, em chưa nói chuyện anh Vọi với chị lần nào nhỉ. Anh Vọi không phải là một công tử hợp thời, cũng không phải một nhà văn- sĩ có tâm lý học hay triết lý học vẩn vơ, nhất lại không phải là một thi sĩ đa sầu đa cảm, đa tình đa tứ. Anh Voi chỉ là một anh đánh cá rất thật thà, hiền lành.
Mấy hôm trước lúc Hồng còn ở trong này, anh ấy đưa chúng tôi đi xem đủ các nơi quanh vùng… Nào rừng thông, nào núi Đường Trèo… Anh ấy còn hứa đem chúng tôi ra khơi nhưng Hồng nhát quá không dám nhận lời cùng đi nên lại thôi.
Em xin nhắc một lần nữa: thế nào chị cũng phải cố mà vào chơi. Em mong đấy.
Bạn của chị,
HIỀN
Hiền cho thư vào phong bì, mỉm cười tự nhủ thầm:
– “Chị Oanh biết Vọi là ai mà mình nói chuyện Vọi với chị ấy!”.
Có một điều nàng không nghĩ đến là trong thư nàng không khoe tấm thân nở nang, vạm vỡ, cân đối của Vọi như mọi khi nàng đã khoe với hết thảy mọi người. Có lẽ vì hai hôm trước đây, nhờ một sự tình cờ, nàng nhận ra rằng anh dân chài không phải chỉ có những vẻ đẹp về hình thể và tâm hồn anh không phải có những đặc tính thành thực, chất phác, ngây thơ.
Hôm ấy vào ba giờ chiều, ba người lên chơi hòn Trống Mái. Cùng đi với một người con trai đến nơi vắng vẻ, Hồng hơi ngượng tuy biết Vọi chỉ là một người quê mùa không đáng sợ. Nhưng vì quá nể Hiền, nàng không muốn trái ý bạn.
Trời nóng như thiêu như đốt. Lên hết cái dốc gần đường phố Cầu, Hồng phải ngồi lại nghỉ mệt dưới bóng một tảng đá lớn bên chùa Sầm Sơn. Nàng vừa cầm nón quạt vừa thở hổn hển. Hiền mỉm cười đưa mắt nháy Vọi để thầm bảo cho chàng biết rằng cô bạn của mình yếu đuối quá. Vọi không hiều nghĩa cử chỉ ấy mà chỉ bẽn lẽn đỏ mặt cúi đầu.
Nhưng chàng lại vui vẻ ngay được vì chàng thấy Hiền và Hồng không chút giấu diếm lấy gương và phấn ra trang điểm để sửa lại nhan sắc bị mồ hôi làm hoen ố.
– Các cô đánh phấn làm gì! Ở đây có ai đâu?
Câu nói rất hợp lý và rất ngộ nghĩnh khiến Hồng phải ngẫm nghĩ. Còn Hiền thì cười lớn bảo Vọi:
– Chẳng có anh là gì?
Vọi không hiểu, cũng cười theo. Gần đấy, trong một khoảng đất bằng phẳng, dăm con bò thản nhiên đứng gặm cỏ non. Bọn trẻ mục đồng vào ẩn nắng trong chùa nghe tiếng cười chạy ồ cả ra tò mò nhìn. Hiền khó chịu, giục Hồng đứng dậy đi.
Qua chùa, ba người xuống một cái dốc. Trời nóng bức nhưng Hiền vẫn luôn miệng hỏi chuyện Hồng dù bạn mình đã thở phào hơi tai và chỉ trả lời nhát gừng. Vọi thì đi rất mau, vượt hẳn lên trước. Chừng muốn tỏ cho anh đánh cá biết rằng mình cũng chẳng ươn hèn gì, Hiền rải bước đi kịp chàng và cách một quãng lại cùng chàng đứng chờ Hồng.
Trong khi ấy, hai người nói chuyện liên liên về hết các mọi thứ. Trông thấy ngọn núi, đống đá, thung lũng nào Hiền cũng hỏi tên. Mà Vọi cũng thích giảng nghĩa. Hình như khắp vùng này chứa đầy những kỷ niệm êm đềm về quá khứ của chàng nên chàng chỉ mong có người nhắc đến để nói, và nói thật nhiều.
– Đây là khe nước, hễ mưa to thì nước tràn lên thành cái suối nhỏ. Ngày còn bé tôi vẫn ra đó thả thuyền chơi.
– Thế núi này là núi gì?
– Đó là hòn Đá Lớn. Chắc cô chẳng trèo được vì cao và khó leo lắm.
Hiền mỉm cười hỏi:
– Anh đã leo lên ngọn lần nào chưa?
– Đã nhiều lần rồi.
– Vậy chốc nữa tôi cũn leo lên đến tận ngọn cho anh coi.
Vọi kinh ngạc nhìn Hiền rồi chàng nở một nụ cười ngờ vực:
– Nó dốc mà nhọn, trông như cái vú con gái.
Đến lượt Hiền kinh ngạc trố mắt nhìn Vọi. Nàng không ngờ trước mặt cô thiếu nữ Vọi lại ‘dám’ sỗ sàng như thế. Nhưng câu nói sỗ sàng đối với Hiền chỉ có nghĩa tự nhiên, thẳng thắn đối với khối óc người chất phác của một anh dân quê. Vì vậy, Vọi ngơ ngác không hiểu tại sao Hiền lại cười ngất réo bạn mà khoe rằng:
– Hồng ơi! Anh Vọi bảo hòn Đá Lớn kia giống cái vú con gái. Chị trông có hệt không?
Hồng xấu hổ không đáp. Vọi nghiễm nhiên nói tiếp:
– Nhất lá đứng dưới đường nhìn lên lại càng giống lắm! Tất cả dãy núi này người ta đặt tên là núi ‘Người Nằm’ hay núi ‘Cô Con Gái’. Hòn Gầu Cao là cái đầu. Hòn Đá Lớn cùng hòn Buồm là hai cái vú. Đường trèo chạy thẳng xuống dưới kia là đùi và chân.
Hiền rũ ra cười và chờ cho Hồng theo kịp. Nàng bảo bạn:
– Chị đã thấy chưa? Dãy núi này là người con gái trần truồng hay mặc may- ô nằm phơi mình dưới ánh mặt trời.
Rồi nàng quay hỏi Vọi:
– Thế xóm Sơn của anh ở vào chỗ nào người con gái?
Anh chàng đánh cá không hiểu đó là câu nói cợt nên ngớ ngẩn đáp:
– Thưa cô, tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết xóm tôi ở chân núi Đầu Câu.
– Đầu Câu? Ồ, tên hay nhỉ!
Hồng chau mày, thì thầm trách bạn:
– Sao chị cứ đùa anh ấy mai thế? Người ta hiền lành, không nên chế nhạo người ta như thế!
Nhưng Vọi vẫn thật thà giảng nghĩa:
– Vâng, núi Đầu Câu. Người Tây thường gọi là núi Con Voi vì nó cũng hơi giống cái đầu voi thò xuống hút nước biển.
Hiền nghe lơ đãng vì đương mãi đăm đăm nhìn một người đàn bà lom kkhom từ trong túp lều tranh lụp sụp đi ra. Theo sau là một con chó mực xổ ra sủa dữ dội. Bà lão đuổi chó rồi ngửa tay xin tiền.
Hồng chun mũi ghê tởm vì bà ta ăn mặc vừa lôi thôi, vừa bẩn thỉu. Hiền cho cái lối xin tiền như thế là đê tiện quá, nhất là nàng lại thấy một người đàn bà khỏe mạnhh ý chừng là con dâu bà lão đương ngồi thái khoai lang ở sân. Nàng nghĩ thầm:
– “Con cái kiếm ăn được sao lại để bà già tự hạ mình xin tiền khách qua đường?”.
Nhưng Vọi đã tiến lại gần chào hỏi:
– Bác ơi! Anh Đa đã đỡ chưa ạ?
Bà lão ngẩng nhìn:
– Anh Vọi đấy à? Nhà nó vẫn thế đó anh ạ!
Hiền tò mò nhìn vào trong nhà. Ở gian bên, một người đáp chiếu nằm rên trên một cái giường tre xiêu vẹo. Dưới gầm giường là môt đống khoai lang để ngổn ngảng. Cái giường ấy với cái phản thấp kê gian bên kia và cái ổ rơm ở gian giữa là tất cả đồ đạc trong nhà. Sự nghèo nàng làm cho Hiền rùng mình ghê sợ, không hiểu sao ở vào cảnh trơ trụi đến thế mà người ta sống nổi! Nàng thì thầm bảo Hồng:
– Trời ơi! Một mẹ già, hai vợ chồng với sáu, bảy đứa con lúc nhúc trong gian nhà chật hẹp hôi hám!
– Mà chị trông kìa! Những đứa con, đứa thì gầy, bụng thì ỏng, mắt thì toét!
Hiền ngắm Vọi nói chuyện với con dâu bà lão và bảo bạn:
– Trẻ con vùng này coi yếu đuối cả mà sao những người đi đánh cá thì khỏe mạnh vạm vỡ thế?
Sau khi cho mỗi đứa bé một xu, Hiền và Hồng cắm đầu đi thẳng không dám quay cổ trở lại nhìn túp lều tranh tồi tàn nữa. Vọi theo sau bảo hai người:
– Anh Đa ốm đã năm, sáu hôm nay mà không đi nghề được. Túng thiếu, đói lắm! Sáng nay qua nhà thương tôi có xin cho anh ấy mấy viên thuốc sốt đấy nhưng coi bộ chẳng ăn thua gì!
Hiền hỏi:
– Lúc nnãy anh đưa thuốc cho vợ người ốm phải không?
– Chính phải. Với lại tôi giúp chị ấy một hào.
Hiền cảm đợng nhìn Hồng. Vọi nói tiếp:
– Anh ấy túng bấn lắm, nhà đất bán cả, phải lên ở nhờ nhà nước, trồng qua quít, ít khoai, ít ngô lấy cái ăn.
– Nhưng anh ta cũng đi nghề mà?
– Đi nghề là khi nào người ta thuê. Hai cô tính, đi nghề phải có vốn sắm mảng. sắm lưới chứ. Vốn ấy nhiều thì hai, ba trăm bạc, mà ít ra thì cũng phải hai, ba chục bạc. Anh Đa đâu còn bao nhiêu tiền dư nên chỉ đi bắt ngao, câu cá nhì nhằng. Tôi thương anh ấy lắm. Một mẹ già với đàn con mà không có nghề thì đến chết đói mất! Vì thế tôi thường bảo anh ấy đi nghề với tôi; kiếm được nhiều thì tôi chia cho nhiều, kiếm được ít thì lấy ít vậy. Độ này anh ấy ốm không đi nghề được thì họa hoằn tôi cũng phải giúp anh ấy một vài hào, dăm ba xu.
Hai cô thiếu nữ lấy làm kính phục tấm lòng thương người của Vọi, đưa mắt nhìn nhau lẳng lặng nhìn nhau cảm động…