(HẾT) CHƯƠNG 32 – TIỂU THUYẾT TRỐNG MÁI

Tiểu thuyết văn học Việt Nam – Tiểu Thuyết Trống Mái – Tác giả Khải Hưng – Xuất bản năm 1936. Mời các bạn theo dõi CHƯƠNG 32 của cuốn tiểu thuyết.

Vụ hè năm sau, Hiền cùng mẹ vào Sầm Sơn nghỉ mát rất sớm. Hiền đã quen với sự buồn tẻ, vắng ngắt của những buổi đầu mùa tắm nên không chán nản, bứt rứt khó chịu như năm trước nữa. Cho đến cả những tiếng chào mời nhộn nhịp tới tấp của các cô hàng dừa, hàng trứng, hàng gà, hàng cau cũng chỉ làm cho nàng nhếch một nụ cười thẳng thắn vui sướng.

Rồi dần dần theo vào từng cánh bạn thân, sơ của Hiền. Một thiếu nữ đẹp và giàu đi nghỉ mát thì bao giờ chẳng có bạn bè cả trai lẫn gái đi ủng hộ tháp tùng?

Trong đó tất nhiên phải có Lưu, người vừa chiếm số một trong kỳ thi lên năm thứ ba trường Luật, và có lẽ chiếm luôn cả số một trong những người hy vọng được trái tim của Hiền.

Rồi những tiểu thuyết êm đềm dịu dàng, ầm ĩ, lả lơi bắt đầu… Những tiểu thuyết bất di bất dịch ở ngoài biển từ khi người Việt- Nam biết mến chuộng cái ‘trò đùa’ với ‘nước mặn’…

Hiền như đã quên hẳn ‘anh chàng đánh cá đẹp trai’. Trong ký- ức của nàng, cái tên ‘Vọi’ đã hầu như không còn hiện hữu ở trên đời.

Một buổi sáng, Hiền, Phụng và Lưu rủ nhau đến chơi hòn Trống Mái để xem lại dấu vết kỷ niệm của mình năm trước.

Tới nơi, khi Hiền còn đang loay hoay sửa soạn máy ảnh để chụp thì Phụng cười ròn rã bảo bạn:

– Chị Hiền ơi! Tên chị đây này!

– Biết rồi, viết bằng sơn trắng chứ gì?

– Không. Đục sâu vào đá kia!

Hiền cũng cười:

– Bậy! Tôi có đục tên tôi vào đá bao giờ đâu? Hoạ chăng đục vào cát ngoài bãi biển.

– Không mà! Đục vào đá thật! Đâu này, anh Lưu thử xem có phải là tôi nói dối không?

Lưu quan- sát ngắm nghía xong gật đầu:

– Phải đấy, nhưng đứng chung với một tên khác. Ngộ lắm!

Phụng lại phá lên cười:

– Còn ngộ hơn nữa kia, anh Lưu coi! Tên ấy khắc nhan nhản khắp mọi nơi.

Hiền chạy vội lên tảng đá hỏi:

– Đâu?

Quả thật, trên thành hai tảng đá Trống và Mái có tới hơn một chục cặp chữ ‘V.H.’ khắc trong những khung, hoặc tròn, hoặc vuông, hoặc hình chữ nhật hay hình bầu dục. Tác giả những công trình ấy kể đã tỉ mỉ và mất nhiều thời giờ, tuy rằng nét chữ lệch lạc xiêu vẹo như người mới tập viết. Phụng nói đùa:

– Gớm thật! Sao mà anh chị lãng mạn, nồng nàn đến thế? Có lẽ khắc tên lên trên khắp núi Sầm Sơn chăng?

– Dễ thực đấy. Kìa chị coi!

Vừa nói, Phụng vừa giơ tay trỏ những tảng đá đứng nằm vây bọc hòn Trống Mái. Trên tảng đá nào cũng có ít nhất một cặp chữ ‘V.H.’. Phụng lại cười hỏi:

– H. là Hiền. V. là ai? Hay Vọi đấy?

Hiền buồn rầu đứng ngây người suy nghĩ, mắt mơ màng nhìn biển xa. ‘Anh chàng đánh cá đẹp trai’ hiện ra rõ rệt trong ký ức nàng. Đã vào chơi Sầm Sơn được gần nửa tháng mà không một lần nàng nhớ đến người năm trước đã làm cho cuộc nghỉ mát của nàng đỡ buồn tẻ, và hầu như trở nên thiên ái tình thuần khiết. Bỗng nàng phá lên cười rũ rượi…, cười đến chảy nước mắt rồi bảo Lưu:

– May mà tên Lưu bắt đầu bằng chữ L đấy đấy. Chứ tên là Văn, Viên, hay Vằn thì chết, tôi cũng ngờ chính anh là thủ phạm.

– Hay cô cho phép tôi bắt chước kẻ vô danh kia cũng khắc một cặp chữ. Một cặp thôi.

– Cặp chữ gì?

– L.H.

Hiền lạnh lùng nói:

– Tùy ý. Ai cấm anh khắc chữ?

– Hay cho tôi chữa chữ V. ra chữ L. cho tiện?

Hiền hoảng hốt, như muốn ngăn cản:

– Ấy chớ! Kỷ niệm ái tình là một vật rất thiêng liêng. Xin anh đừng đụng chạm tới của người ta.

Phụn lim dim đôi mắt đứng ngẫm nghĩ, nói một mình:

– Chẳng lẽ…

Lưu hỏi:

– Cô bảo gì?

– Tôi bảo chẳng lẽ V. là Vọi?

Lưu cười:

– Cô nghĩ lẩn thẩn quá! Anh ta có biết viết đâu!

– Ừ nhỉ.

Hiền yên lặng bước lại gần, tò mò ngắm từng chữ. Cái cảnh ngồi nói chuyện với ‘anh chàng đánh cá đẹp trai’ dưới bóng hòn Trống Mái lại vụt hiện ra trong trí nhớ.

– Từ hôm nào vào đây tới nay dễ ta chưa gặp anh Vọi lần nào?

Lưu lạnh lùng đáp:

– Có lẽ anh ta đi kiếm ăn ở vùng khác.

– Vô lý!

Phụng tinh quái đùa rằng:

– Hay chị lại đặt một tiệc trà mời anh ấy đến dự?

Hiền vui mừng reo lên:

– Ồ, phải đấy! Vậy ta đến mời anh Vọi đi.

Dứt lời, nàng đi thẳng. Lưu và Phụng đưa mắt nhìn nhau rồi thong thả bướ theo sau. Ba người mỗi lúc một thêm kinh ngạc vì trên con đường từ hòn Trống Mái đến xóm Sơn, chốc chốc lại gặp tảng đá có khắc hai chữ V.H. Hiền có vẻ lo lắng buồn rầu. Nàng như linh cảm, đoán biết đã xảy ra một sự việc gì quái lạ…

Tới cổng nhà Vọi, Hiền càng lo lắng vì nàng không thấy con chó trắng chạy ra mừng, mà cũng chẳng nghe thấy tiếng sủa của nó. Trong sân, một cảnh tiêu điều lạnh lùng. Không còn có buồm hay lưới phơi… Những sợi lưới mà năm trước Hiền ví với cái rèm che cửa. Vứt lăn lóc đó đây là mấy mảnh bát sành và mấy mẩu khoai lang. Hàng giậu dong xơ xác, trống trải…

– Anh Vọi! Anh Vọi! Vọi ơi!… Vọi!…

Hiền gọi ba bốn lần mà vẫn không có tiếng trả lời. Thằng bé con bên láng giềng thò đầu ra cổng nhìn sang rồi ‘ù té chạy’ thụt vào trong nhà.

Ba người định quay về thì từ ruộng lúa đi tới một người đàn bà lưng bẻ gập trên cây gậy trúc, miếng vải màn giắt dưới vành khăn nâu che cặp mắt lòa:

– Ông bà nào hỏi cháu? Cháu Vòi ra chợ sắp về đấy.

– Còn anh Vọi? Anh Vọi đâu bác Bật?

Người đàn bà òa lên khóc rồi sụt sịt hỏi:

– Ông bà… là ai… mà… biết… cháu… Cháu… cháu… chết rồi… còn đâu!…

Bà ta lại khóc… khóc thật thảm thiết. Hiền và Phụng kinh hoàng:

– Chết rồi! Chết rồi?

– Vâng… chết rồi!

Hai cô thiếu nữ sợ người đàn bà khốn khổ ngã gục xuống đất vội xốc nách đỡ vào trong hiên, đặt ngồi trên cái phản thấp mọt không chiếu. Ai nấy đều yên lặng đứng ngắm bà Bật ngồi khóc. Một lúc lâu, bà mới lau nước mắt, ngẩng mặt lên hỏi:

– Ông bà sao biết mà đến hỏi thăm?

Hiền buồn rầu đáp:

– Tôi là Hiền, bà quên rồi sao? Năm ngoái anh Vọi ốm, tôi đem thuốc đến cho…

Bà Bật vội kêu lên:

– À, cô Hiền!.. Tôi nhớ ra rồi!

Bà lại khóc kể lể:

– Thưa cô… cháu nói đến cô luôn… Quý hóa quá… Cô tử tế… cô thương người thế! Ối Vọi ơi! Cô Hiền đến thăm mày đó mà mày bỏ… mày đi đâu…

Hiền đưa khăn lên lau nước mắt. Lưu khó chịu, quay mặt nhìn đi nơi khác để giấu sự xúc động lộ trên nét mặt.

– Thôi đi về, hai cô…

Hiền không trả lời, kéo Phụng ngồi xuống phản. Phụng hầu như mất hết nghị lực, tâm thần bàng hoàng nên Hiền bảo sao làm vậy. Hình như một sự hối hận ghê gớm đang chuyển động trong lòng nàng. Hiền vuốt ve, an ủi bà Bật:

– Thôi bà ạ. Chẳng qua là số phận. Số anh Vọi có thế! Bà cũng không nên quá thương xót mà sinh ra đau ốm…

Giữa lúc ấy, Vòi ở cổng đi vào, thấy mẹ khóc cũng òa lên khóc. Đó là một thói quen ở nhà quê. Có khách lạ đến thăm viếng người nhà mình bao giờ cũng phải đem tiếng khóc ra cám ơn, chứ lòng thương anh của Vòi không sâu đậm bằng lòng thương con của người mẹ khốn khổ kia…

Thật vậy, chỉ một lát sau Vòi đã bình tĩnh, thản nhiên thuật cho mọi người nghe cái chết thảm khốc của anh mình…

Hôm ấy vào cuối canh tư sang đầu canh năm, Vọi cùng một người bạn trong nghề thả mảng ra khơi. Trời đẹp, biển êm. Sáng tinh sương, mảng đã ra xa. Hai người bỏ neo quăng lưới. Bỗng lưới mắc phải vật gì…

Nghe tới đoạn ấy, Hiền nhớ lại câu chuyện Vọi thường kể… câu chuyện thầy của Vọi mất tích ở ngoài khơi. Nàng kêu rú lên:

– Trời ơi! Cá nhà táng!

Vòi trừng mắt nhìn hỏi:

– Cô biết chuyện à?

– Vậy ra anh Vọi bị cá nhà táng ăn thịt?

– Thưa cô, em cũng không biết. Nhưng anh Vọi lặn xuống gỡ lưới rồi không thấy lên nữa.

Bà Bật vẫn hai tay ôm mặt khóc nức nở. Phụng hỏi vẩn vơ:

– Trước khi chết, anh ấy còn buồn rầu không?

Vòi ngẫm nghĩ một lúc rồi mới đáp:

– Thưa cô… có, buồn lắm. Rồi một dạo, anh ấy đã đi hát đối với chúng em. Rồi vào khoảng gần Tết, anh ấy lại buồn. Nhưng mấy hôm trước khi anh ấy chết, anh ấy đã vui vẻ trở lại như xưa, chiều nào cũng rủ em lên núi chơi.

Hiền giật mình hỏi:

– Lên núi Trống Mái?

– Vâng.

– Những chữ đóng khung vuông, tròn do chính anh ấy khắc vào đá phải không?

Lưu chau mày:

– Cô hỏi lẩn thẩn quá, đã bảo anh ấy không biết chữ!

Vòi vội cãi:

– Thưa thầy, những chữ ấy chính anh Vọi, anh ấy khắc thật đấy. Anh em nhờ anh Câu viết mãi, anh em bảo đó là chữ V với chữ H thì em cũng biết vậy. Đây này, thầy với cô coi, cũng chữ anh Vọi viết cả.

Vòi vừa nói vừa trỏ lên vách quét vôi trắng. Ở đấy có từng hàng chữ V.H. viết bằng gạch non. Phụng và Hiền mắt lặng lẽ nhìn nhau.

– Anh Lưu!

– Dạ!

– Không dám, anh dạ trời! Anh cho tôi xem cái ví được không?

Lưu vui mừng:

– Sao lại không được?

Vừa nói, chàng vừa rút ví đưa cho Hiền. Hiền nghiễm nhiên mở ra coi.

– Trời ơi! Anh giàu nhỉ? Có nhiều tiền thế này!

Lưu cười:

– Nhiều gì? Tôi có hơn một trăm đó thôi.

– Hơn một trăm mà lại không nhiều?

– Vậy một trăm với bao nhiêu?

– Với mười lăm đồng. Thôi, có một trăm cũng giàu lắm rồi! Tôi vay chỗ lẻ.

Cầm ba tờ giấy năm đồng, Hiền đưa cho bà Bật nói:

– Chúng tôi đãi…

Người đàn bà khổ sở đưa tay đỡ lấy tiền, mếu máo nói:

– Ơn này… tôi biết làm thế nào trả được…

Hiền buồn rầu, đáp lại một câu đầy ẩn ý:

– Tôi là người có tội! Dẫu có làm phúc bao nhiêu cũng không chuộc được tội đâu bà ạ.

Đoạn nàng đứng dậy chào bà Bật rồi cùng Lưu và Phụng ra về. Vòi tiễn mọi người đến cổng. Hiền ghé tai thì thầm bảo cô bé nhà quê láu lỉnh:

– Khi nào em cần chị giúp điều gì thì cứ lại đàng nhà.

Đến hòn Trống Mái, Hiền xúc động quá ngồi xuống, hai tay ôm đầu nghĩ ngợi. Phụng cũng ngồi xuống thở dài ứa nước mắt, lẩm bẩm:

– Chỉ tại mình!

Lưu đứng tựa tảng đá nhìn ra xa. Ngoài kia tiếng sóng biển vẫn rầm rộ đổ hồi…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Bài Viết Được Xem Nhiều