Phần 20 – phần cuối: Các hiệu cao lâu khách – Hà Nội băm sáu phố phường – xuất bản năm 1943 của Thạch Lam.
Những chốn ăn chơi của Hà Nội là nhất Bắc Kỳ, nhất cả Đông Dương nữa, cái đó đã rành rành, không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiền mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu có danh và bền vững đều là của người Tàu. Về cách tổ chức một chốn ăn, về danh vọng của một ngôi hàng cơm, thật quả chúng ta không có nề nếp, tục lệ và quy củ. Hồi Hà Nội còn là kinh đô của vua Lê, chúa Trịnh, chắc cũng có nhiều quán rượu tươm tất do người mình chủ trương. Nhưng giờ vết tích còn đâu? Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du, lúc còn trẻ tuổi bắt ba, bốn người bạn uống rượu và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán rượu ấy chẳn hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ mà Nguyễn Du đã ngồi thì hẳn là một chốn đáng cho ta trọng vọng dường nào.
Nhưng không có cái chúng ta muốn thì đành yêu mến cái mà chúng ta có. Mà những cái chúng ta người của ba mươi sáu phố phường đang có thì cũng chẳng phải là không đáng yêu: bạn chắc đã nhiều lần thưởng thức cái món bánh gà rán, da ròn, thịt mềm vị thơm, của Đông Hưng Viên, hoặc một buổi chiều buồn bã, mượn cái men say của rượu Mai Quế Lộ sánh trong chén, để nhắm nhía cái mùi béo của những miếng phì tản trong như thạch đen, lẫn với cái vị cay ướt của nhát gừng muối hoặc rót một chút Thanh Mai còn nồng cái hương chua của những quả mơ ngàn, lên trên chiếc bánh dừa quánh nước; hoặc gọi một bát cơm lá sen để gửi thấy mùi thơm ngát của mùa hạ trên hồ, bạn chắc đã thưởng thức cái mềm béo ồ, tất cả cái thú vị của thớ thịt và của xương ròn của món chim quay hiệu Quảng Sinh Long hoặc màu vàng óng ánh của đĩa “gà sì dầu”; bạn đã thưởng thức cái món thịt bò của hiệu “nhà khách cháy” Tự Lạc Hiên, có chú bếp béo quay và cô hàng nhí nhảnh; tất cả các món bằng thịt bò, sào cải làn, áp chảo, mì bò nước hay khô, mà bao giờ thịt cũng mềm, cháy sém ngoài mà trong vẫn sung nước ngọt. Ấy là hồi năm ngoái, năm kia, chứ bây giờ thì chủ với tớ ở hiệu đã chia rẽ nhau rồi ông chủ Tự Lạc vẫn ngồi gật gật cái đầu sau quầy hàng, mà chú bếp béo thì nghiễm nhiên trở nên một ông chủ khác của hiệu Nam Viên, còn cô khách nhí nhảnh ngày trước thì đã đi lấy chồng…
Ở Hàng Buồm còn hiệu Mỹ Kinh, nhưng cái ngon về món ăn thì hình như không trú chận ở đó; Hàng Trống có hiệu cao lâu Tử Xuyên, Hàng Bông có Vân Nam tửu gia, Tự Hưng Lâu và Đại Á Tế Á, hiệu sang nhất là Hà Thành; đó là những hiệu cao lâu, cũng như các phòng ngủ, thi nhau được mọc lên như nâm sau cái hồi dân Trung Quốc chạy loạn sang ta. Không có gì đáng kể, người Asia mà cái sang trọng lịch sự cũng được người ta coi trọng ngang với cái vị ngon, và chúng ta sẽ có nhịp trở lại sau này.
Trở lên, đấy là tất cả những cao lâu của người Tàu ở Hà Nội, của một giống người có lẽ hơn ai hết đã nâng việc ẩm thực lên mực một nghệ thuật hết sức phiền toái, tỷ mỉ và cầu kỳ. Ngủ giường phương Tây, lấy vợ Nhật Bản, ăn thức ăn Tàu … Có dân vừa thanh cao trong chén rượu hâm nóng trên tuyết, hay trong chén trà núi Vũ Di pha vào chén sứ men như ngọc thạch, lại vừa bề bộn thừa mứa trong những bữa tiệc đầy hàng chục món, cầu kỳ đến bắt một giống nhái ở Hồ Nam gẩy bụng lấy nguyên miếng mỡ để nấu nước dùng? Thật đi từ đầu nọ đến đầu kia, dùng hết cả cảm giác quan của linh hồn và của thân thể.
Muốn thết bạn xa, hay đãi một người khách quý, hoặc trong một dịp long trọng hay đặc biệt nào đó, người của Hà Nội chỉ biết đưa nhau đến một trong những hiệu cao lâu ấy. Nhưng cũng chỉ ở những trường hợp ấy thôi; có lẽ vì ăn luôn những thức cầu kỳ và nhiều vị ấy chóng chán, hay cũng vì giá tiền có đôi chút hơi cao. Còn trong những lúc thường, lúc đi chới mát vẫn vơ, hay ở các rạp tuồng, rạp chiếu bóng đi ra, người Hà Nội ưa đến những chốn khác hơn; những hiệu nem, hiệu phở, hiệu cháo lòng, nho nhỏ rải rác khắp các phố, phần nhiều của người ta trông nom; ở đấy, với một vài hào, họ có thể có dăm ba món để ăn, một cút rượu Văn Điển hay cút rượu Con Hươu, vài lá rau thơm quen thuộc để khề khà nhắm nhía các thú đi ăn hiệu. Ở đây, mới hội họp tất cả Hà Nội, sang cũng như hèn, đủ các hạng người, từ ông trưởng giả giàu có đến nhà văn sĩ nghèo nàn, trong cái hoạt động vui vẻ của cái không khí đặc biệt của Hà Nội.