PHẦN XIX: SỐNG MÒN – NAM CAO – 1956

TÁC PHẨM SỐNG MÒN – TÁC GIẢ NAM CAO – NĂM XUẤT BẢN 1956 – CHƯƠNG XIX.

Thứ chẳng đi đâu. Y vẫn nghỉ ở nhà đủ ba mươi ngày nghỉ của y. Chẳng phải vì những lời khuyên can của mẹ, của bà. Chỉ vì ngay sau lúc tát vợ xong, nỗi tức giận trút ra rồi, y đã nghĩ ngay rằng Liên có thể bị oan uổng lắm. Và ngay lúc ấy, giữa lúc nghiến răng và khóc lóc, y đã như biết rằng y không thể bỏ Liên. Y đã nghĩ đến đi chơi. Y vẫn nghĩ rằng không có Liên chắc đời y khổ lắm. Lại chính lúc ấy, chính lúc nguyền rủa và đau đớn, y nhận ra rằng y yêu Liên đến bực nào! Y ngồi nhớ lại những cách Liên ăn ở với y từ trước đến nay. Trừ những điều mà y ngờ vực cho Liên – toàn rất vu vơ – còn thì Liên thật là một người yêu chồng và ngoan ngoãn. Liên chịu khổ vì y rất nhiều nhưng bao giờ cũng vui lòng. Chẳng bao giờ Liên nghĩ rằng chỉ vì đi lấy chồng mà mình đang từ cảnh ấm no, bước sang cảnh đói nghèo. Chẳng bao giờ Liên so sánh mình với người nọ, người kia lấy được chồng danh giá hơn hay có của hơn, được ăn no mặc lành hơn hay được chiều chuộng hơn, tự do hơn. Ngay những khi bị Thứ rằn vặt, day dứt vì những nỗi ghen bóng ghen gió không đâu Liên cũng chẳng giận Thứ bao giờ. Liên chỉ tỏ ý thương chồng. Liên chỉ phàn nàn cho số kiếp mình, không dưng mang những cái tiếng không hay, để chồng không thật tin mình, vừa ý về mình. Và Liên đã nín nhịn Thứ, đã chiều ý Thứ biết bao nhiêu mà kể! Nếu không phải vì yêu thì còn có thể vì gì? Thứ tự biết chẳng có gì để cho Liên phải chiều chuộng, để mà trục lợi. Liên được như thế là tốt lắm rồi. Cho rằng y có đánh bạc một vài lần, thì những đức tính của y cũng đủ chuộc lỗi cho y. Đừng nói gì Liên đánh bạc một vài lần. Nếu Liên có ngoại tình đi nữa, có lẽ Thứ cũng không có can đảm bỏ. Một cái gì ở trong y như bảo y như vậy. Y nghĩ đến San. Lúc này y hiểu cho San lắm. Y tự bảo: “Mình phải làm ráo riết thế, để cho Liên phải cẩn trọng về sau, với lại cũng để cho bà và mẹ, từ nay chừa xúi giục…”. Tuy nhiên, y cũng đau đớn thật.

Đêm hôm ấy, Liên và Thứ nằm riêng. Liên nằm võng với con. Thứ nằm giường. Tuy vậy, cả hai cùng ở trong một căn buồng. Không ai nghĩ đến chuyện đi nằm ở một chỗ riêng biệt hẳn. Cả hai cùng buồn bực và cố tỏ nỗi buồn bực ra ngoài. Liên không chịu ru con. Thứ nằm sõng sượt, không giãy giọn, như người đã chết. Không ai ngủ, tuy cả hai cùng lặng tiếng. Vào khoảng quá nửa đêm, vì nhiều muỗi quá, con bé bị thức giấc luôn luôn. Liên phải đem nó đặt vào màn. Tưởng đó là một cớ Liên dùng để làm lành. Thứ thấy lòng quang nhẹ hẳn đi. Y hồi hộp đợi. Nhưng đặt con nằm, vỗ về nó một lúc cho nó ngủ mệt rồi, Liên lại ra võng một mình. Lòng Thứ lại sầm tối lại. Y nghiến răng, dọa thầm Liên trong trí: “Đã vậy thì được lắm, chẳng bao giờ nữa ta tha thứ…”.

Y nghĩ đến một cách sống mà y vẫn ao ước xưa nay: sống tự do một mình, ở mỗi tỉnh ít lâu, làm bất cứ cái gì cốt kiếm đủ cho một mình mình ăn, còn thừa tiền, còn thừa thì giờ thì đọc sách, chơi bời, du lịch, hoạt động cho một công cuộc xã hội nào mình thích, chẳng bận tâm gì đến gia đình nữa. Y mỉm cười ngạo nghễ trong bóng tối, như đã báo thù được Liên rồi vậy. Và y cố tưởng tượng ra những cái khổ của Liên sau lúc y đi, cho hả… Bỗng đứa con giãy và hụ hị. Y quay ra, nhẹ nhàng ôm lấy nó. Tấm lòng cha dịu hẳn đi, nước mắt Thứ chảy ra ướt đẫm mi mắt. Đứa con khóc thét lên. Không biết làm thế nào cho con lặng, lại thấy Liên vẫn nằm im, Thứ lại càng nhiều nước mắt chảy ra hơn. Y gần bật lên tiếng khóc, như những người mẹ nhịn lâu quá, thấy vú mình hết sữa mà con thì khóc đói. À, y sẽ liệu thế nào về đứa con đây? Y không thể để cho Liên. Y sẽ đem nó đi theo. Y sẽ thuê một người nuôi nó cho y. Y tưởng tượng ra một căn nhà nhỏ ngoại ô, hai cha con, một người vú nuôi sạch sẽ và yêu con nít. Y nhớ đến một cuốn tiểu thuyết của một văn sĩ Pháp, tả một người cha gần vào cái cảnh ngộ y lúc này. Anh khám phá ra rằng chị có ngoại tình. Biết chắc đứa con là máu mủ của anh, anh đuổi vợ đi và giữ lại con. Từ đấy đứa con là lẽ sống độc nhất của anh ta. Anh chăm chỉ làm nuôi nó. Thằng bé đã lên ba, lên tư gì đó thì một hôm một tai nạn nhà máy khiến người cha cụt một ngón tay, phải nghỉ làm rồi mất việc làm. Sự rủi ro ấy xảy ra vào dạo cuối năm. Thành thử ngày mùng một Tết, hai cha con mở mắt ra thấy bụng thì đói mà nhà thì không còn một mẩu bánh, một đồng xu, giữa lúc mọi nhà vui vẻ mừng năm mới… Thứ nhớ nhất cái cảnh người cha dắt đứa con đi qua những hàng bán đồ chơi. Đứa con kêu lên những tiếng vui thích, thèm thuồng, đòi thứ nọ, chỉ thứ kia, phụng phịu nhăn nhó gọi: “Ba! Ba!…” và người cha đau đớn, tủi cực, nghẹn ngào, phải nghiến chặt răng, lấy tay bịt lấy mắt con, kéo vội con đi qua chỗ ấy… Thứ dường như biết trước cảnh nếu y muốn nuôi con thì rồi cảnh y cũng na ná cảnh người cha khốn nạn kia. Số tiền y kiếm ra cũng chẳng to gì. Rồi bố con cũng đến khổ sở mà thôi! Nhưng y thấy trong cảnh khổ ấy có một cái gì đẹp lắm. Y tự bảo: y sẽ vui lòng chịu. Và y đã tính toán sẵn những món tiền hàng tháng phải tiêu… Nhưng trong khi ấy, một cái gì ở trong y vẫn bảo y rằng chẳng bao giờ y sẽ bỏ Liên. Y dự tính việc nọ, việc kia như thế để cho óc có cái mà nghĩ ngợi thôi. Thật ra thì y biết rằng thế nào rồi vợ chồng y cũng sẽ lại lành nhau, không thể thế được…

Đứa con không chịu lặng. Liên vào màn, nằm xuống bên cạnh nó. Tay Liên trong khi ôm lấy đứa con, khẽ chạm vào tay Thứ, truyền cho y một cái cảm giác êm êm. Liên vội nhích tay đi. Thứ mỉm cười. Y nhớ đến đêm tân hôn, vợ chồng rất rụt rè, chỉ dám chạm khẽ đến nhau một tí rồi lại vội nhích ra, như dò xét nhau dần dần vậy. Bao nhiêu là khép nép, bao nhiêu là nâng niu trong cái đêm sung sướng ấy! Liên như một đóa hoa mảnh dẻ, một vật quý mỏng manh, mà Thứ chỉ dám chạm đến một cách e dè. Liên xo người, nằm ép vào tận tường. Thứ rón rén dịch vào trong từng tí, từng tí mà thôi. Và khi y đã sát người Liên, y thấy Liên như giật nẩy mình, rồi Liên thở nhanh hơn, trống ngực Liên đập mạnh, Liên sợ sệt, mềm lả, gần như ngất người đi, rũ rượi trong tay Thứ… Từ bấy đến giờ, hơn sáu năm trời rồi! Biết bao nhiêu là sự đổi thay! Biết bao nhiêu là mộng đẹp tàn! Liên đã già đi, đã xấu đi, đã mặc những cái áo rách bạc màu, đã thành một thiếu phụ nhà nghèo. Thứ thấy buồn buồn, thấy thương thương, ngậm ngùi. Liên, khi bước chân về nhà chồng, có ngờ đâu đời mình sẽ thế này. Y vẫn đinh ninh rằng chỉ một vài năm, chồng sẽ thi đỗ, sẽ đi làm, và y sẽ theo chồng ra tỉnh thành. Vợ chồng sẽ ăn trắng mặc trơn. Y không còn phải chân lấm tay bùn, chỉ ngày ngày trông nom cơm nước cho chồng và quanh quẩn với con. Chồng y sẽ chẳng bao giờ thô tục với y, đánh đập y. Y sẽ ngoan ngoãn, sẽ tươi cười, sẽ lễ phép, sẽ dịu dàng, sẽ thổi cơm thật dẻo, nấu canh thật khéo, thu xếp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và chồng y sẽ vừa lòng. Vợ chồng sẽ quý nhau, sẽ nể nhau. Nhà sẽ không bao giờ có tiếng nói to. Y sẽ trẻ lâu, và những khi y và Thứ về quê, hai vợ chồng sẽ đi hai cái xe cao su về tận cổng nhà, chồng bước xuống trước, chững chạc, bảnh bao, điếu thuốc lá ở trên môi. Vợ bước xuống sau, trẻ như măng, tươi hơn hớn, bế đứa con nhẵn nhụi, trắng trẻo, mập mạp như con tây, anh xe đi sau cùng, ôm xách những quà bánh đắt tiền đem về để biếu họ hàng. Họ bước vào sân, và những đứa em đã chạy ra, reo: “A! Anh phán, chị phán đã về!…” và hàng xóm sẽ bảo nhau: “Sung sướng thật! Vợ chồng người ta cứ như tiên như rồng ấy!…”. Cô gái quê mười bảy tuổi là Liên, những buổi tối mùa thu cả nhà đi ngủ rồi, đóng chặt cửa buồng, ngồi giở những cái quần lĩnh, áo the, thắt lưng nhiễu, khăn nhung, khuyên vàng… sắm sanh để về nhà chồng ra ngắm nghía, vuốt ve, mắt sáng ngời và đôi má ửng hồng, chắc đã sung sướng mỉm cười nghĩ đến tương lai của chính mình đẹp như hoa. Còn lại được những gì trong lòng người thiếu phụ hăm bốn tuổi, đang ôm con, nằm cùng một giường với Thứ kia? Hỡi ôi! Khi người ta mười bảy tuổi ai cũng mộng, nhưng chẳng một mộng nào thành sự thực bao giờ? Cuộc sống phũ phàng. Đời thì buồn mà kiếp người thì khổ lắm rồi. Sao họ còn muốn gây buồn, gây khổ cho nhau nữa? Nghĩ thế, Thứ thấy mọi cái đều nhỏ cả, đều không đáng kể. Không một tội nào to tát không thể tha thứ. Không một người nào không đáng cho ta thương xót và an ủi… Không một chút ngần ngừ, tay Thứ tìm và nắm lấy tay Liên. Y hơi ngạc nhiên, khi thấy Liên không làm gì để chống cự lại y. Bạo dạn hơn, y nằm xích lại và quàng tay ôm lấy vợ. Đứa con nằm lọt giữa hai người, giãy giụa. Thứ vội lùi đi. Liên trở mình cho nó, đặt nó ra bên ngoài. Liên cũng muốn làm lành. Thứ ôm lấy Liên gục mặt vào gáy Liên mà khóc. Liên lại quay lại. Đôi mặt sát nhau. Thứ thấy mặt Liên áp vào má y cũng đầm đìa nước mắt, y kéo mạnh Liên vào ngực và vỗ nhè nhẹ vào lưng Liên. Họ không nói với nhau một lời nào. Cuộc làm lành đã xong.

Sáng hôm sau, họ đã lại ngồi cùng mâm, ăn cơm sáng với nhau. Và đêm ấy Liên đã hỏi chồng:

– Ai nói với mình sao mà mình làm thế?

Thứ xấu hổ không muốn nhắc đến chuyện ấy làm gì nữa. Nhưng Liên cứ năn nỉ. Thứ đành phải nói ra. Liên hăm hở, bảo:

– Bác cả còn sống đấy. Tất cả những người đi ăn giỗ hôm ấy cũng còn sống trờ trờ cả đấy. Tôi có thể kể tên từng người một. Mình đi hỏi người ta. Nếu chỉ có lấy một người bảo rằng hôm ấy có trông thấy tôi đánh bạc, tôi xin giơ cổ cho mình chém.

– Nhưng con ở?…

– Một là nó nói vu. Hai là nó không nói thế, nhưng bà nghe nhầm ra thế. Hôm ấy tôi giữ em, ngồi chơi nói chuyện với bà Hương mãi. Rồi em khóc, đòi bế đứng lên. Tôi gọi con ở bế nó đi chơi. Tôi nhổ tóc sâu cho bà Hương chứ có đánh chác gì đâu!

Thứ chẳng biết nói sao. Lẳng lặng một lúc lâu, rồi Liên bỗng thở dài, rầu rầu bảo:

– Tôi đã định chẳng nói ra làm gì để mình nghĩ ngợi thêm phiền. Nhưng ở nhà này, khổ lắm. Chúng mình ăn riêng, chưa sắm sanh được tí gì, bà bảo những nồi, niêu, bát đũa, nhà sẵn có cứ lấy mà dùng, nhưng đến lúc dùng thì bà, với nhất là chúng nó lại nói nọ, nói kia. Có cái giá vo gạo chúng nó cũng giấu đi. Cắt mấy tàu lá chuối khô ở vườn về đun, chúng nó cũng không cho. Tôi bực mình, nhiều khi phải thổi cơm bên ấy. Thấy thế, bà lại giận. Nhất là từ hôm mình gửi thư về hỏi thăm tôi, bà lại càng giận lắm.

Thứ ngạc nhiên

– Tôi gửi cho cậu Vĩnh, làm thế nào mà bà biết được?

– Thế mới lôi thôi!… Tại thằng phu trạm. Nó ngại vào nhà. Nó gặp bà ở đường, đưa cái thư cho bà và bảo: “Của ông giáo nhà bà gửi cho cậu Vĩnh đấy, bà ở liền nhà cậu Vĩnh, đưa cho cậu ấy giùm cháu với”. Nó gửi từ trưa mà mãi đến tối bà mới đưa cho tôi đem sang cậu Vĩnh.

– Nhưng thư đã bóc ra chưa?

– Lúc bà đưa cho tôi thì dán kín. Nhưng chắc bà bóc ra rồi dán lại. Bởi vì lúc tôi mới về, vào buồng ngay, cả nhà không biết, tôi nghe cụ bảo là: “Cứ viết thư cho chồng nó bảo: nó chẳng ốm đau gì, chỉ đi đánh bạc thôi!”. Thì ra bà với cụ thấy tôi đi vắng suốt ngày, cứ tưởng tôi đi đánh bạc.

Thứ nhớ lại những điều bà và mẹ kể lể về Liên. Đúng là bà và mẹ đã sai bóc thư xem. Không thế, sao bà cố ý nói cho y biết Liên chỉ ốm qua loa, nhức đầu, sổ mũi ít ngày. Y nghĩ đến việc vợ San. Bây giờ y chẳng còn tin gì nhiều rằng vợ San đã phụ chồng. Tin làm sao được những tiếng xấu, tiếng tốt ở đời này? Ai cũng chuộng sự thật nhưng có mấy người trọng nó?… Y thấy buồn. Ngay bố con, anh em mà cũng còn những sự ghen ghét, thì sự tử tế ở trên đời này, biết tìm ở đâu? Y không ngờ trong gia đình y lại có thể có những cái tẹp nhẹp, những cái nhỏ nhen đến làm người ta phải đỏ mặt lên như vậy…

Chỉ mấy hôm sau, vợ chồng Thứ đã lành nhau hẳn. Nhưng Thứ cũng như Liên, cảm thấy trong tình vợ chồng có một cái gì đó mất đi, chẳng còn trở lại bao giờ. Họ chẳng còn nhìn nhau bằng những con mắt ngày xưa. Thứ bình tĩnh hơn, ít ghen hơn, tin Liên hơn. Nhưng y đã thấy Liên thiếu hẳn một cái gì mà y không thể nói ra, nhưng mà y cảm rõ. Một đôi lúc, cái tiếng nói the thé, xa xả của Liên lại trở về trong trí óc y. Y cố bảo rằng người ta không phải là thần và trong lúc tức quá, uất ức quá, không ai giữ vẻ mặt và tiếng nói dịu hiền được. Nhưng vô ích. Y vẫn có cái cảm giác khó chịu như một người bừng tỉnh. Hình như hôm qua y còn nhìn Liên dưới ánh đèn, mà hôm nay, y nhìn Liên dưới ánh sáng ban ngày vậy. Có lẽ cái cảm giác của Liên về Thứ cũng gần gần như thế. Liên vẫn ngoan ngoãn, vẫn chiều chuộng, chẳng giận dỗi gì, nhưng trở nên ít nói, ít cười hơn, lạnh lùng hơn. Những tia sáng của một tâm hồn tin tưởng, yêu đương đã tắt trên đôi mắt của y. Đôi mắt bây giờ mệt nhọc, lơ đãng hơn, thẫn thờ hơn. Liên có vẻ già đi đến mười năm. Trước mặt Liên, cuộc đời đã trở nên nhàn nhạt, đàm đạm, không nhiều màu sắc, nhiều mùi vị như trước nữa. Ngày phân ly, khác hẳn mọi lần. Liên cũng quanh quẩn ở bên chồng cho đến tận lúc chồng đi, gấp quần áo cho chồng, nhắc chồng nhớ thức nọ thức kia, soát lại cho chồng từng cái sơ mi, cái áo, cái quần, nhặt nhạnh từ đôi bít tất, cái lược chải đầu, quyển sổ tay, cái bút chì… cho đến những cái mùi xoa, chiếc khăn rửa mặt, rồi lại tự tay mình mở tủ lấy cái ví cho chồng, kiểm lại tiền và hỏi chồng có cần lấy thêm không. Liên chẳng quên một tí gì. Nhưng Thứ có cảm tưởng như Liên săn sóc đến mình chỉ vì bổn phận, vì thói quen. Họ cũng buồn, nhưng cái buồn vẫn có một vẻ gì khang khác, không giống như mọi lần…

Gần đến bến xe hơi, Thứ gặp San đi xe kéo trở về. San xua tay, ra hiệu cho Thứ từ đằng xa. Thứ ngạc nhiên, chẳng hiểu ra sao. Đến gần, San mới hỏi:

– Quay trở về đi thôi!

– Sao vậy?

– Hải Phòng bị ném bom. Hà Nội có báo động một ngày đến ba lần, quan đốc lý lệnh cho dân thành phố tản cư.

Thứ há hốc mồm, một tháng nay, y không xem báo, nhưng chẳng biết một tin gì. Cái tin bom rơi tận đất nước mình, khiến y hồi hộp lạ lùng. Chỉ một phút sau, y mới thấy lo. Y ngẩn mặt hỏi San.

– Chúng mình không đi nữa thật à?

– Anh bảo còn đi làm gì? Lấy đâu ra học trò?

San có vẻ cũng ngơ ngác, hoang mang. Đôi mắt y là đôi mắt của một người vừa trông thấy cả cái cơ nghiệp của mình cháy ra tro. Y cười cái cười của một người điên, bảo bằng một cái giọng hả hê giả dối.

– Tôi bằng lòng lắm! Phen này sẽ biết nhau… Sống thì sống hẳn, mà chết thì chết hẳn. Cứ ngắc ngoải mãi thì chán lắm. Cho cái trường suy ngay đi, chúng mình cũng không cần. Người ta ăn là nhiều, chứ chúng mình ăn là mấy.

Thứ sực nhớ ra:

– À! Đích thế nào? Có tin tức gì thêm không?

– Về nhà thương Robin ngay từ hôm tôi còn ở trên ấy kia mà! Anh không biết à?

Thứ lại càng phân vân đẫy, đi hay không đi nữa? Quay trở về, y thấy ngượng với Liên. Đã đành Liên sẽ chẳng nói gì. Nhưng biết đâu Liên lại chẳng nghĩ thầm: “Thế ra cũng có lúc người ta cần đến vợ!…”. Y sẽ nhục khi cầm lấy bát cơm do vợ kiếm. Vả lại biết đâu ngày mai không có học trò? Ở đấy, ngoại ô, có ai cần đi lánh nạn?… Thì ra trái với điều y vẫn tưởng và nhất là vẫn bảo, y vẫn cần bám lấy cái trường. Muốn cho mình khỏi thẹn với mình, y tự bảo:

– Lúc khác, mình có cần gì! Tìm đâu cũng được mỗi tháng hai chục bạc, mà không đi làm thì ở nhà quê, cũng sống. Nhưng lúc này thì lại cần có cái trường để sống tạm.

Y tưởng như mọi công việc sẽ ngừng trệ hẳn, người ta chỉ nghĩ đến việc chôn của và tích thóc. Y sẽ chẳng có gì để tích. Y tự an ủi bằng cách bảo:

– Tích đã chắc giữ được mà ăn ư?

San giục:

– Thôi, đi về! Anh trả tiền xe của anh rồi lên xe này.

Thứ ngần ngừ:

– Khoan đã!… Yên, chúng mình thử nghĩ xem…

– Còn nghĩ ngợi gì! Cứ đi về!

Thứ vẫn không quyết tâm hẳn. Y cười do dự, bàn:

– Hay là chúng mình cứ lên xem… Lên để thăm Đích với lại trả nhà, lấy đồ đạc của chúng mình về. Đằng nào chúng mình chẳng phải lấy đồ đạc của chúng mình về?

– Đồ đạc thì có cóc gì? Nay mai, xem tình hình thay đổi thế nào… Nếu yên yên thì chúng mình sẽ lên. Nếu quá thì mặc kệ! Nếu Oanh chạy, thế nào en cũng phải chạy cả đồ đạc cho chúng mình. Còn nhà thì tôi đã hẹn rồi: nếu cuối tháng chúng mình không lên, ông Học cứ việc cho người khác thuê.

Thứ vẫn dùng dằng. San sốt ruột bèn đổi ý. Y tặc lưỡi.

– Ồ, mà cũng phải! Anh lên đi cũng được. Từ hôm Đích về, anh vẫn chưa gặp Đích… Với lại cũng nên đem đồ đạc về. Anh đem cả giùm tôi. Tôi thì thế nào cũng phải về. Nhà đang thiếu người làm. Đi mà không được việc thì thà ở nhà làm đỡ đi.

Thứ lưỡng lự thêm một lúc nữa. Rồi y đành đi một mình…

Đến Hà Nội, mới sáu giờ. Thành phố vẫn tấp nập như thường. Thứ yên lòng. Y đi la cà một lúc lâu, ngừng lại trước tủ kính các hiệu may, nhìn giá những sơ mi. Rồi y vào hiệu phở tái ăn. Nước dùng ngon. Y gọi luôn một bát thứ hai. Y còn có thể ăn được một bát nữa và đã toan gọi thêm, nhưng nghĩ ngợi một chút, lại thôi. Ra trả tiền, người ta tính y những hai hào. Trước kia, mỗi bát có năm xu. Cách đây hơn một tháng, đi ăn với San một lần y đã phải trả bảy xu. Bây giờ lại tăng lên một hào! Y chỉ còn vừa đúng hai hào lẻ, vẫn tưởng còn lại sáu xu để đi xe điện về trường. Không muốn đổi bạc, y đành đi bộ vậy…

– Càng khuya càng tốt!…

Thứ nghĩ thế. Thật ra thì y cũng không muốn đến trường vào lúc chưa tối hẳn. Hàng xóm người ta trông thấy. Người ta sẽ nghĩ bụng thế nào về một anh giáo khổ, ngây thơ đến nỗi tưởng rằng lúc này mà vẫn còn những trẻ con cắp xách đến trường? Họ sẽ cho y là một anh chàng cố đấm ăn xôi mất!

Bởi nghĩ thế, nên gần đến trường, y chọn mé đường tối cúi mặt xuống mà đi. Đến cửa trường, y gần nín thở, kiễng gót chân lên để rẽ vào. Không gõ cửa, y vẫn cầm cái quả nắm xoay đi một cái. Cùng một lúc, hình như có một người xoay cái quả đấm ở bên trong. Quả nhiên hai cánh cửa mở ra, không đợi y phải đẩy, kéo theo cả tay y…

– Ai? À chú!… Sao chú lên muộn vậy?

Thứ chực vào, Oanh bảo:

– Chú đứng yên ngoài ấy… Tôi khóa cửa…

Y ra và bảo tiếp

– Nhà ở trên kia kìa!… Ở đây không có chỗ nằm. Đồ đạc khuân lên trên ấy cả rồi. Đây chỉ còn ít bàn ghế học trò chưa kịp dọn.

– Không có ai ngủ ở đây à?

– Không… Nhưng khẽ chứ, kẻo có đứa nào nó biết. Tôi đóng hết các cửa sổ rồi khóa cửa ngoài. Thôi, đi!…

Hai người vừa đi vừa nói chuyện nhỏ…

– Thằng Mô đâu?

– Nó về nhà nó từ trưa kia. Tai nạn quá! Bà mẹ vợ nó bị xe hơi cán, không biết còn sống hay đã chết.

– Sao vậy?

– Nào có biết!… Bà cụ nhà nó đi xe cát, chắc chậm chạp, lớ ngớ làm sao đó. Già rồi cũng yếu. Với lại xe hơi chạy còi báo động, còn phải nói!…

Oanh đổi chuyện, nói luôn việc thuê nhà mới.

– Này chú ạ! Căn nhà tôi mới thuê rộng lắm. Ở ngay xế cửa nhà Hải Nam, chú biết đấy chứ gì. Chủ cái nhà cũ nay đòi đuổi, mai đòi đuổi, tức mình!… Với lại tôi cũng muốn thuê lên trên ấy, rộng rãi, để cho Đích ở. Ốm mà nằm cái nhà cũ thì chật chội quá, không chịu được… Đích về rồi đấy, chú biết chưa?

– Đã… Tôi cũng thấy anh San nói chuyện…

– Sao chú San biết? Hôm ấy chú ấy còn ở đây thì Đích còn nằm nhà thương Rôbin kia mà!…

– Tôi tưởng anh Đích vẫn nằm nhà thương?

– Không, về rồi… Tôi nói là về nhà ấy! Nhà thương đuổi về không cho nằm nữa. Đích mới về từ hôm qua.

Tim Thứ bắt đầu đập mạnh hơn. Y không tưởng y phải gặp Đích ngay lát nữa. Từ lúc ấy, y mặc Oanh nói, chỉ ầm ừ đáp lại. Y thấy lại những cái cảm giác của y ngày xưa hồi chưa cưới Liên, khi y sắp bước chân vào nhà bố vợ. Y chắc sẽ ngượng nghịu ghê gớm lắm…

Nhưng trái lại… Oanh lên trước, đi thẳng lại chỗ Đích nằm, một cái mền kéo lên kín cả vai…

– Chú Thứ đã lên.

Đích quay ra. Thứ cười dịu dàng, bước lại. Cái mền động đậy, Đích khẽ ngóc đầu lên, giơ ra một cái bàn tay rặt những xương. Thứ đưa tay, nắm lấy:

– Gầy lắm nhỉ?

Thứ giữ tay Đích trong tay mình, bảo thế. Đích cười buồn.

– Sắp chết, còn gì!

Y chớp mắt luôn mấy và bảo tiếp

– Moa mong toa mãi. Hôm về, thấy San, không thấy toa, moa cực quá! Hình như toa bỏ moa rồi vậy.

Mặt y co rúm lại, nước mắt tràn qua bờ đôi mắt sâu hoăm hoắm, chảy xuống đôi má lõm. Tay y run lên trong tay Thứ và cánh tay kia của y vội co lên, che mắt. Thứ thấy mờ đôi mắt. Y xịt mũi và an ủi Đích.

– Anh đừng nghĩ thế… Chúng mình bỏ nhau sao được?

– Moa vẫn biết. Nhưng khi người ta sắp chết, người ta thấy người ta cô độc lạ! Người ta oán những an hem, bè bạn lạ!

Rồi Đích chùi nước mắt, nhìn Thứ hỏi:

– Lớp này tim toa thế nào? Bớt không?

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Bài Viết Được Xem Nhiều

Sorry. No data so far.