Tác phẩm Vỡ Đê – Chương 4

Tác Phẩm “Vỡ Đê – Chương 4” – Xuất bản năm 1936 của tác giả Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939). Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp.


Ông huyện bỏ cái nón dứa, ngồi phịch xuống cái ghế gụ kiểu Tầu, thở hồng hộc. Ngọn đèn con dùng để châm đóm ăn thuốc lào chiếu một ít ánh sáng vàng vào mặt quan… Một cái mặt xương xẩu, lưỡng quyền rất cao với hai cánh râu thưa thớt vẽ ra hai vệt bóng đen võng xuống. Một cái mặt sa sầm như giời trước một cơn mưa rào.

Lúc ấy, bà huyện đương ngồi ở sập, xắt một khoanh giò lụa. Cách đấy vài thước, tại một cái kỷ nhỏ kê sát vào tường, một chiếc đèn măng sông đương được Kim Dung tiểu thơ đốt cho mồi cồn thứ hai. Những làn lửa xanh lè phì lên, liếm quanh cái bấc hình búp đa một cách huyền ảo, kỳ quái…

– Sao mà lâu thế, con? Mau lên để cậu xơi cơm chứ?

– Thưa me không biết sao mãi nó cứ không lên lửa?

– Đốt nữa đi! Nhanh lên!

– Vâng, con đương…

Vừa đến đây, lửa xanh bốc lên kín cả cái bấc sau một tiếng nổ ục, và ánh sáng đèn vấp phải ánh sáng ở hai hàm răng ngọc và ở hai đuôi mắt tuyệt đẹp của Kim Dung. Cả cái sắc đẹp lộng lẫy của thiếu nữ hiện ra với tất cả vẻ diễm lệ, vẻ huyền ảo của một cái hư ảnh. Con đường ngôi thẳng băng, hai mảnh tóc đen lay láy lòa xòa rủ xuống cái trán nở nang… với đôi má đầy đặn có nhung tơ như của hai quả đào. Kim Dung mê man nhìn vào cái măng sông như chìm đắm trong những điều bí mật của khoa học.

Bà huyện nhìn ra ngoài hè thấy anh lính lệ đương khoanh tay dựa lưng vào cột mà nhìn giăng sao trên giời như một nhà thi sĩ thì bảo:

– Kìa, lệ không vào cởi giày cho quan đi à?

– Dạ.

Quan vẫn ngồi thừ người ra, mắt lim dim… Cái áo tơi sau lưng, cái khăn trên đầu, đôi giày ống bó dưới cẳng. Lính lệ quỳ xuống đất vừa toan tháo đôi ống ra thì quan chợt mở mắt, từ tốn giơ cánh tay ra, xua… Lính lệ đứng lên, lại ra ngoài hè với cái cột. Bà huyện ngơ ngác nói:

– Để nó tháo giày, ông đi xơi cơm chứ? Bảy giờ rồi còn gì!

Vẫn không nói gì cả, quan đứng lên, ra sập để lại ở ghế cái áo tơi ủ rũ nó dần dần gục xuống như một người ngủ gật. Quan ngồi ghé ở sập nhìn vào mâm cơm. Con chim xào, đĩa trứng muối, đĩa củ cải đen, đĩa thịt gà, bát canh rau cải, không làm cho nét mặt quan thay đổi gì cả. Bà huyện xới xong bát cơm mới hỏi:

– Hay ông xơi một cốc rượu cao cho nó tỉnh?

Thấy chồng vẫn không đáp, bà huyện nghiêng mình mở tủ chè lấy nậm rượu và cái cốc để ra mâm cơm. Bà vừa rót đầy cốc rượu vừa bảo con gái:

– Dung ơi Dung! Con ra quạt cho cậu vài cái đi!

Dung bỏ cái đèn, vớ chiếc quạt ở kỷ, ra ngồi sau bố, vừa che miệng cười vừa phe phẩy mấy cái, nửa lần khân, nửa tôn kính. Mãi đến lúc ấy, ông huyện mới nói:

– Chết mất! Khó lòng thoát vỡ đê!

Vợ cau mày nghĩ vẩn vơ hồi lâu rồi hỏi:

– Sao? Nước lên to lắm à?

Chồng vẫn nhỏ nhẻ nhai cơm một cách khó chịu như phải làm một việc bần cùng, nét mặt vẫn đăm đăm, trí não để cả vào một ý nghĩ. Kim Dung nói một cách rất ngây thơ:

– Sắp lụt ạ, hở cậu? Thế thì thích lắm đấy nhỉ? Từ bé đến giờ, con chưa được trông thấy vỡ đê bao giờ đấy!

Mẹ mắng con gái:

– Im! Để cậu mày xơi cơm!

Dung vừa cười vừa cãi:

– Thì con làm gì đâu nào?

– Con nói những câu ngu dại lắm! Ngần ấy tuổi đầu rồi mà…

Vì đương ở vào cái tuổi trẻ, cái tuổi sung sướng, cái tuổi nó làm cho người ta ở vào bất cứ việc gì, bất cứ trường hợp nào cũng có thể lạc quan để cười đùa được. Dung cãi lại:

– Con tưởng phải lụt chớ? Thỉnh thoảng cũng phải có một tai nạn gì xảy ra thì bọn phụ nữ chúng con mới có dịp lập chợ phiên hay đi quyên tiền để làm việc xã hội chứ?

Thấy con gái nói thế, bà mẹ chẳng biết dạy bảo ra làm sao nữa. Thật vậy, Kim Dung là hạng gái tân thời, có sắc, cũng đã có đi học, mà trước khi chờ có người đến rước thì chỉ còn một cách giết thì giờ ở sự nay tìm mốt y phục ở một tờ báo này, mai tìm một mốt đánh kem đánh phấn khác ở một tờ báo kia. Vì lẽ bà cần quảng cáo cho con gái lắm, óc bà chỉ bận có một việc là mong được làm thông gia với một ông quan cao chức hơn ông huyện để gia đình được thêm thanh thế trong quan trường, nên không dịp nào có thể để Kim Dung khoe sắc đẹp trước công chúng mà bà lại để lỡ… Sáu tháng trước ở tỉnh có mở một cuộc quyên tiền giúp Hội bài trừ bệnh lao do bà công sứ chủ tịch thì Kim Dung đã quyên được nhiều tiền nhất, và đã được bà công sứ hết lời ngợi khen. Do thế, ông huyện cũng được quan trên có ý bằng lòng. Bà huyện đã mãn nguyện ở chỗ Kim Dung cứ việc vừa ăn chơi vừa nhảy đầm cũng đã đủ giúp ích cho bố mẹ. Do thế những bộ y phục tân thời rất kỳ lạ của Kim Dung không còn tính cách xa xỉ đàng điếm nữa mà đã được bà huyện coi trọng như những vật thần thánh bất khả xâm phạm. Do thế, trước kia ông huyện mắng con gái về tội lãng mạn một cách kịch liệt bao nhiêu thì về sau ông lại im lặng một cách gan góc bấy nhiêu. Theo cái thói phép nhà quan, việc gì lấy được lòng quan trên là được coi trọng, chẳng cứ nó trái với sách luân lý. Vì vậy, Kim Dung càng được bố mẹ yêu chiều. Nàng không phải chỉ là một tiểu thư, con gái một ông huyện mà thôi, nàng là một vị công chúa nữa. Nàng muốn mặc gì thì mặc, muốn nói gì thì nói, muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi gì thì chơi.

Thấy cả bố lẫn mẹ đều có ý chịu mình, Kim Dung lại nói:

– Con ước rằng có lụt thì lụt cho sớm!

Ông huyện làm như không nghe thấy, đưa mắt nói với vợ:

– Lo lắm, mợ ạ. Mỗi lần nước lên một ít thì lại một lần nghiệm thấy rằng đê đắp phần nhiều bằng cát chứ không phải bằng đất. Cái bọn thầu đê láo thật! Chuyến này mà vỡ thì rồi nhiều người khổ.

Bà huyện chép miệng:

– Kinh tế thế này mà lại còn vỡ đường nữa thì dân quê ắt rồi trộm cướp tứ tung.

Ông chồng ra vẻ bực mình mà rằng:

– Khi tôi nói nhiều người khổ không phải là tôi nói dân quê mà là tôi nói hạng quan lại như tôi! Nếu mình có gan thì không kể, nhưng mình lại không có gan, ấy khổ là vì thế! Chứ không thì giàu! Vô số người sẽ giàu về dịp này! Mình không ăn thì mình dại!

Nói đến đấy, ông mới sợ hãi nhìn ra ngoài hiên… Không thấy tên lính lệ đấy nữa, ông gật đầu một cái thì bà huyện kệ nệ xích lại gần chồng, nghiêng đầu nghe nói thầm…

– Mợ tính nào là bắt phu, bắt tre, ở tỉnh thế nào người ta cũng cho là mình gặp dịp béo bở, dù không ăn người ta cũng cho là ăn. Như thế không ăn cũng dại. Nếu mà vỡ đê nữa thì họ lại càng tin là mình kiếm chác được nhiều…

Bà huyện vì chưa bao giờ được làm việc quan, nhất là lại việc quan vào những lúc vỡ đê, nên rất kinh ngạc. Bà trợn mắt, cái miệng thành ra tròn y như một chữ o. Mãi mới lắp bắp:

– Kiếm chác?… Vỡ đê mà lại còn kiếm chác?

Ông chồng nổi nóng:

– Bẩm vâng ạ! Nếu vỡ đê thì tất có nhiều chuyện lôi thôi! Tất rồi có thằng lý trưởng này bị cách chức, thằng chánh tổng kia được bát phẩm! Rồi còn cứu tế, còn chẩn bần!

Mặc dầu ngu dại là giống đàn bà, khi người ta đã là vợ một ông huyện thì người ta cũng phải thông minh trước những câu cắt nghĩa mập mờ ấy. Bà gật gù mà rằng:

– Àà!

Chỉ có cô con gái là không hiểu nên tức khắc hỏi:

– Thế là thế nào?

– Im! Im ngay, không được nói leo vào chuyện người nhớn!

Mắng con gái rồi ông lại khẽ nói với vợ:

– Nói thế là bà đủ hiểu. Mình không kiếm chác thì cũng chẳng yên được với họ!

Bà huyện chép miệng một cái, nghĩ ngợi đến nhăn đặc cả cái mặt. Rồi nói:

– Thôi thế thì tùy cậu… Nghĩa là mình phải giữ gìn, ăn cho có nhân có nghĩa thì thôi, chứ mà cứ theo đúng lời dặn của cụ Cố nhà thì cũng không được… Ừ, mà còn bao nhiêu người chứ mình có nuốt trôi một mình được bao giờ đâu!

Đến đây cả hai vợ chồng cùng nghĩ đến cụ Cố! Cụ Cố năm nay đã trên bảy chục tuổi. Ra làm quan từ đời vua Tự Đức, cụ đã xin từ chức, khi thành Thăng Long thất thủ, quyết giữ chữ trung, mặc dù cụ không vào đảng Cần Vương. Một năm sau, nhận thấy các bạn hữu cũng lục tục kéo nhau ra làm quan, lại nhân có dịp một ông thống sứ về tận làng triệu, cụ lại ra làm quan để theo cái thuyết tùy thời. Các bạn hữu vẫn bảo cụ:

“Nước mất thì đã mất rồi, mà dân thì vẫn còn. Giữa lúc này, nếu hạng sĩ phu không ra nhận cái trách nhiệm làm cha mẹ dân thì người Pháp phải nhấc bọn thông ngôn “lục tỉnh”, bọn bồi bếp lên làm quan. Cứ để bọn ấy chiếm hết mọi địa vị trong quan trường thì thật chỉ hại cho dân, sỉ nhục cho nước. âu là bọn khoa mục chúng ta tùy thời mà gánh vác việc nước còn hơn”. Thế là cụ ra nhận chức, bỏ mặc ngoài tai những sự hờn giận của một bọn sĩ phu khác ngụ trong bốn chữ “làm quan với Tây”. Cụ tin rằng cứ giữ thanh liêm cũng đã là một cách giúp nước, không câu nệ vì những lời câu chấp. Mà quả nhiên cụ cũng đã giữ được thanh liêm cho đến lúc về hưu trí với số hưu bổng khá hậu và một cái ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Lúc còn làm quan, cụ thường khinh bỉ những kẻ nhũng lạm, những ông quan vì nghề làm quan mà giàu. Bây giờ, đến lúc con giai cụ lại từ chức tham tá cai trị ra làm cha mẹ dân, cụ vẫn phải dặn con cố giữ thanh khiết cho khỏi phạm đến danh dự của cụ mà cụ bảo một cách hơi kiêu ngạo là của cả gia tộc. Vì lẽ nhà nho Bắc kỳ dễ không còn ai là không biết sự thanh bạch của cụ, nhất là lại cái cảnh một người Tây đen đem mõ tòa đến hỏi nợ cụ, định bỏ tù cụ, mà cụ chỉ khoan thai lấy Bắc đẩu bội tinh ra đeo vào ngực rồi ung dung đứng lên nói: “Vâng, ông là chủ nợ mà ông muốn bỏ tù, tôi cũng xin vui lòng…” để cho viên mõ tòa phải cáo lui sau khi xin lỗi rất khẩn khoản. Cụ cho điều ấy đủ làm chứng cho cả cuộc đời thanh liêm của một ông Tổng đốc và không còn sự gì vinh dự đáng khoe khoang hơn. Không hối lộ! Chỉ có thế là được nên quân tử, cụ bảo con cụ đến hàng nghìn lần rằng đừng nên phạm phải cái điều rất dễ theo ấy.

Ông huyện đã nghe theo lời khuyên bảo ấy những khi nào ông không nghe theo không được, những khi nào ông sợ nguy hiểm, và đã không nghe theo những khi nào ông có thể không nghe theo. Do đó, những sự bực tức, những lúc oán giận bố mỗi khi ông tự lừa dối mình mà tưởng rằng ông không chóng giàu chỉ tại có một sự khuyên ngăn của cụ Cố. Dần dần việc khó chịu ấy làm cho ông đổi chương trình. Đáng lẽ chỉ ăn những món nhỏ, thì ông quyết định là cứ ăn cả những việc lớn, miễn là ăn cho được công được việc, có nhân có nghĩa, không là ăn liều thì thôi!

Ông huyện quyết định như thế. Ông ăn cơm thấy ngon. Vợ ông lại nói như xui như giục ông:

– Đấy, cậu xem! Hai bát họ mỗi bát hai nghìn để chạy chọt ra làm quan! Đã bao lâu nay, đến họ cũng chưa đóng hết! Như người ta thì đã tậu ô tô rồi! Lắm lúc nghĩ giá cứ làm tham tá thì lại sướng mà chả đến nỗi đến lo mất ăn mất ngủ…

Ông huyện lặng thinh trước lời trách cứ. Ông chan đầy canh vào bát cơm, và lùa luôn mấy đũa rồi vứt bát đứng lên. Con gái ông vẫn ngồi thừ ra, lưng dựa vào tủ chè, mơ mộng như ngồi trước một cái máy ảnh. Chợt có một hồi gót giày tây nện vang lên.

– Lạy quan lớn ạ!

Một người to béo, mặc quần áo đi săn, lưng có đeo một khẩu súng hai nòng, đứng sững trên thềm mà cười như lệnh vỡ… với anh lính lệ nét mặt hoảng hốt đứng bên cạnh. Ông huyện rộ lên:

– Àà! Anh Khoát! Cơn gió nào thế, hở giời?

Người khách bước vào, không bông phèng nữa, cúi đầu chào bà huyện:

– Lạy bác ạ! Kìa, cháu Dung… Tôi tạt vào xin ngủ trọ, mai đi săn sớm.

– Không dám ạ, lạy bác. Đun nước đi, chúng bay.

Nói xong, bà ra hiệu cho con gái tháo sang phòng bên. Không có đàn bà trẻ con đấy nữa, hai người bạn được phép tỏ tình thân mật ngay tức khắc.

– Thế nào, mày? Mày làm quan độ này có khá không?

– Nước chó gì! Chán chết!

– Thôi đi, đừng nói phét! Ông biết tỏng ra! Dân huyện mày nó kêu như cháy đồi! Dù sao đi nữa thì nghề làm quan vẫn còn kiếm ăn được.

– Thế mày, độ này mày có phát tài không?

– Tối nguy! Chí nguy! Rượu thì bị rượu Fontaine hạ giá, rượu lậu nó cạnh tranh dữ dội! Xe thì vừa rồi một chiếc lăn mẹ nó xuống sông, một chiếc nhảy lên vồ phải đầu xe lửa! Kiện nhau mấy tháng chưa biết thua được ra làm sao! Buôn bán cái gì cũng hỏng, chết mất, mày ạ.

– Ừ, báo cũng có đăng, tao cũng đã biết…

– Đấy, mày xem! Mày không cứu ông thì ông tự tử mất!

– Tao làm gì được?

– Quan thầy mày vừa sang bằng chuyến Henri Rivière đấy thôi. Mày chả phất thì còn ai mới phất?

– Chưa chắc. Thế mày muốn gì?

– Ông… Ông chỉ muốn xoay một vố! Nhân vụ đê điều này, có cái số tre đấy ắt ăn được. Mày để tao thầu cho nhé? Nhất là lụt thì ông hả quá! Mày ạ, tao có hai nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết không? Với lại bốn nghìn bao gai mà phòng Thương mại nó không lấy nữa, chó thế. Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm tiền…

Đến đây, ông khách ngừng lại. Vì người lính lệ đã mang khay nước ra. Ông tháo súng, cởi cái thắt lưng đầy những ổ đạn, tháo cả giầy ống. Pha xong nước, người lính lặng lẽ lùi ra.

– Mày ngủ đây chứ? Khoát?

– Thì đã hẳn. Mai tao đi săn sớm. Bảo nó trông cái mô tô của tao cho cẩn thận ở sân ngoài.

– Được. Lâu nay anh em mình chưa có đêm nào đôi hồi được vài câu tâm sự nhỉ? Thế thì để tao phải bảo nó dọn cái món “xương khướu” mới được.

– Thuốc phiện ấy à?

– Chứ gì nữa!

– Thế thì nhất! Người Việt Nam ở thế kỷ hai mươi này lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa! Bảo ngay đi thôi!

Quan nhìn về phía sau lưng, thấy con gái đứng sau rèm, ông huyện gật lại, khẽ nói:

– Này con! Con nói với mợ bảo thằng bếp nó làm một con gà nhé? Sửa soạn cho cậu ăn cháo đêm. Bảo mua ít nem chua nhắm rượu, trứng gà tươi, lạp xường, ca la thầu ăn cháo, cái gì cũng phải đủ. Và gọi cho cậu thằng lính.

Khi thằng lính vào, ông lại hất hàm một cái, ra cái hiệu lệnh bí mật bằng cách nắm hai tay lại, để lên mồm, như người ta thổi một cái tù và tưởng tượng.

Người lính cúi đầu, mỉm cười, lùi ra.

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời