Tác phẩm Vỡ Đê – Chương 13

Tác Phẩm “Vỡ Đê – Chương 13” – Xuất bản năm 1936 của tác giả Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939). Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp.


Sau bảy tiếng đồng hồ chống chọi với những làn sóng đồng nguy hiểm, có khi lướt trên đồng ruộng và cũng có khi vượt qua những vực sâu hàng mấy con sào, chiếc thuyền thúng, khi về đến đầu làng, thì vết thương ở đáy thuyền lại rộng thêm hai ngón tay, vì mấy cái nan tre đã long hết lượt sơn ghép bên trên.

Phú ngừng tay cầm gầu té nước ra ngoài thuyền. Chàng toan đứng lên nghển cổ tìm tòi cái mái nhà nhà mình, nhưng em giai của ông chánh Mận thấy thuyền chòng chành, vội kêu ầm lên, Phú lại vội vàng ngồi xuống. Cái hàng rào tre bao bọc quanh làng xưa kia um tùm, đẹp đẽ, kín đáo bao nhiêu, nay thấy lơ thơ, chỗ thì mất hẳn hàng khóm một, chỗ thì phô ra những thân cây bị đẵn ngang lưng chừng… Quang cảnh bề ngoài mà trông cũng đã không đang tâm. Thế mà còn những cảnh tàn phá bên trong? Thế còn mẹ chàng, chị Tuất và đứa cháu, nhất là đứa cháu?

Thôi thì Phú hãy kiên tâm một lát… Bác lái đò, trông thấy cái cổng làng bị nước ngập, từ mặt nước đến cái vòm tò vò chỉ có một quãng thấp mà cái thuyền không thể nào chui lọt qua, đã cắm sào một chỗ, nét mặt ngán ngẩm, hai tay khoanh… Bác rền rĩ:

– Được ba hào chỉ của cậu thì mất cả một ngày giời, hỏng mất cả một cái lòng thuyền!

Tức thì người em giai ông chánh Mận nói ngay:

– Này thôi, anh im đi! Trước sau thì tôi đã mặc cả cẩn thận, anh biết đường, anh có bằng lòng thì anh mới chở chứ? Có ai bắt ép anh không? Đến nhà rồi thì anh vòi phỏng?

Người lái đò ấp úng:

– Không!… Nghĩa là tôi nói thế thôi chứ!

Người thuê đò hỏi Phú:

– Cậu nhỉ? Cậu có biết lối nào chỉ cho anh ấy chở mình vào làng không?

Phú đáp:

– Phải chở vòng quanh vậy. Cũng không xa là mấy, đến chỗ gốc muỗm thì có một đoạn rào hổng thuyền vào lọt thỏm.

Rồi chàng thấy nước vào thuyền đã khá nhiều, vội cầm gàu tát nước và bảo người chở thuyền:

– Thôi, chịu khó một tí nữa. Đến nhà rồi mà còn lầu nhầu thì có phải mất cả cái công phu, cái tử tế trong ngót một ngày không?

Bác lái lẳng lặng rút chiếc sào lên, ngồi xuống chỗ lái thuyền, đưa mái chèo. Cái thuyền lại êm ả lướt trên nước, đi lượn quanh dãy rào tre. Đến chỗ gốc muỗm, mấy cái đưa chèo của bác lái, mũi đò quay, thế là vào trong làng.

Khi đi qua cái hàng rào duối nhà mình, Phú mừng thầm vì nước chỉ ngập có lưng chừng cái nhà gianh. Tuy chàng không thấy một bóng người, không nghe thấy một tiếng động, song một làn khói lam nhẹ từ cái mái ra bốc thẳng lên không gian đủ khiến Phú được yên tâm. Chàng toan nói với người có tiền thuê đò là cho chàng xuống chỗ ấy… Rồi chàng lại thôi, vì chợt nghĩ ngay ra rằng như vậy là thiếu lịch sự. Phú đã đi nhờ đò. Trong quãng bảy tiếng đồng hồ, chàng đã phải nhận lời mời, nghĩa là ăn một cái bánh mỳ của người em ông chánh Mận, thì ít ra chàng cũng phải để người ta về thăm nhà người ta trước đã, còn việc chàng về nhà thì chàng sẽ nghĩ đến sau. Vả lại, ít ra cũng phải có câu cảm ơn người em, và cả người anh nữa, cho phải phép.

Người em ông chánh Mận ấy nguyên là một nhà buôn ở tỉnh. Khi thấy tin vỡ đường, người ấy vội về làng xem nhà cửa và gia đình ông anh ruột ra sao. Cũng là một sự tình cờ may mắn cho Phú, khi chàng được gặp người ấy. Nếu không chắc chẳng bao giờ Phú có cách gì về thăm nhà cửa. Chàng không có một xu trong túi, và cả đến cái thẻ thuế thân nữa cũng không. Vậy mà từ con đường cái quan về đến làng, cánh đồng úng thủy dài là ngót mười cây số!

Lúc gặp gỡ nhau, Phú đã phải trải qua một thời khắc lúng túng, ngượng nghịu…

Với cái áo sa tây trơn, với đôi giày tây vàng, lại một cái va lá mới xách ở tay, người em ông chánh Mận có vẻ cái gì cũng như là hơn Phú. Người ấy không nhận ra Phú là ai. Bộ quần áo vải trắng của Phú đã bị đất cát và nước phù sa nhuộm cho thành ra màu củ nâu mà lại bẩn hơn quần áo vải nâu. Chân tay chàng, xưa kia có cái da dẻ mịn màng trắng trẻo của học trò, bây giờ đã bị mặt trời và xẻng cuốc làm cho sần sùi và đen đủi như của một dân cày chính tông. Mặt chàng cũng hốc hác ra, vì làm nhiều, ăn ít, mưa nắng, những ngày mệt nhọc, những đêm không ngủ, ấy là mới kể trong vòng một tuần lễ. Một thời gian đủ cho râu và ria đâm ra tua tủa ở mép và cằm của Phú, và làm cho chàng có cái mặt ghê gớm của một tên phạm nhân hoàn toàn!

Cho nên khi Phú yêu cầu người em ông chánh Mận cho đi nhờ đò thì trước cái mặt ấy, bộ quần áo ấy, cái nón cu lá rách ấy, người kia đã sửng sốt hỏi xẵng:

– Thì mày là thằng cha căng chú kiết nào ở đây mới được chứ?

Nghe thấy một người làng ăn nói với mình như thế, Phú đã giật mình lo sợ cho cái thân hình phu phen tiều tụy của mình. Chỉ vì mấy ngày làm đê và bị giam mà chàng đã bị hạ xuống thấp đến thế! Chàng bèn cười gượng mà rằng:

– Ơ kìa! Ông hai Bảo, ông không nhớ ra tôi là ai hay sao?

– ?…

– Tôi là Phú, em giáo Minh đây mà! Con cụ Cử đây mà.

Người kia bèn nhíu đôi lông mày, nhìn Phú từ đầu đến chân lâu lắm. Rồi trợn mắt, và nghi ngờ, và ngạc nhiên, và rồi kinh hãi:

– Ủa! Cậu Phú! Cậu Phú mà lại như thế này!

– Phải! Tôi bị bắt đi làm phu hộ đê đã tuần lễ nay, ông hiểu chưa?

Tức thì người ấy hiểu ngay, mà lại hiểu theo cái óc trưởng giả hương ẩm nữa. Vì rằng người ấy giẫm mạnh chân phải xuống đất mà nói:

– Ừ mà phải! Cậu bạch đinh chân trắng nên phải đi phu!

Rồi hai người xuống đò. Trong một lúc khá lâu người em ông chánh Mận đem so cái học thức của Phú và của mình, rồi lại đem đo lường với việc đi đê, thì rất sung sướng rằng mình đã bỏ tiền ra mua cái chân tư văn. Biết phận mình là thằng đi đò nhờ, lại sung sướng cho cuộc gặp gỡ ấy là một điều may mắn hãn hữu cho mình được sớm về thăm mẹ, Phú chẳng ngại ngồi phệt xuống tát nước, thứ nước nó vào đằng lòng thuyền, chỉ vì thuyền rò… Muốn xua đuổi khỏi óc cái hổ thẹn phải nhờ vả kẻ khác, Phú đã tự nhủ “Chấp kinh tòng quyền, thế cũng chẳng sao!” Có lẽ do Phú mà cái tư văn của ông hai Bảo nổi bật hẳn lên, nên chi ông này, trong cả chuyến đò, đã đối với Phú tử tế lắm. Nào hỏi thăm mọi tin tức một cách vồ vập, nào mời ăn bánh thay cơm… Đối lại, Phú chỉ việc nghĩ: “Chấp kinh tòng quyền!”…

– Ơ kìa! Chú hai Bảo! Về làm gì cho khổ!

– Lạy bác. Tôi thấy vỡ đường, sốt ruột quá, không về không xong. Thế nào? ở nhà có việc gì đến ai không?

– Chỉ hại của thôi, chứ may không hại gì đến người! Mất nghìn bạc!

Đã đến nhà, hai anh em trông thấy nhau hỏi thăm om xòm như vậy. Người lái đò đặt mũi cái thuyền thúng vào bè nứa cho hành khách có chỗ bước lên. Phú muốn chào hỏi ông chánh Mận song ông ta chỉ để ý đến người em và có một thái độ tình cờ lãnh đạm với Phú. Người ta không trông thấy chàng nữa. Trong cảnh ấy, Phú thấy một mối bất bình đưa lên nghẹn cổ, thấy đáng hổ thẹn về quần áo của mình, và lại thấy rằng cái nghèo không những là cái xấu mà còn là cái nhục nữa. Cảnh nước lụt trong nhà ông chánh Mận chẳng phải là một cảnh thương tâm. Có khi vì nước lụt mà sự giàu có súc tích của ông chánh lại được phô ra một cách rõ rệt. Vẫn hay nước đứng lưng chừng ba tòa nhà gạch, nhưng ông chánh đã ghép những tre gỗ thành một cái bè. Cái bè ấy, lấy thừng buộc vào cột nhà, vào các thân cây muỗm trong vườn. Trên cái bè ấy, có kê những tấm gỗ giường phản. Bên trên những cái giường phản bày bập bềnh trên mặt nước nhưng mà rất ngăn nắp ấy, lại có một thứ gióng tre có mái lợp gianh. Trên nóc tòa nhà ngói có đến mấy chục cái nong để phơi thóc, những thóc ướt vì nước lụt không chạy kịp.

Xa xa, một cái bè nứa khác cũng buộc vào một cây muỗm là chỗ trú chân của một con trâu, một con bò, ba con lợn, và mấy lồng gà lớn, gà con. Còn cái bè của người thì bị giam trong khu vực ba cái mái của ba tòa nhà gạch, chắc chắn đến bậc giá có bão táp cũng không sợ gì trôi. Phú trông thấy bà cụ mẹ ông chánh nằm một góc, hai đứa trẻ ngồi chơi một góc, người vú già và mấy tên gia đinh ngồi một góc khác nữa. Thành thử cái bè rộng rãi ấy, trên mặt nước, chỉ có thi vị chứ không có gì là vẻ “dân siêu”.

– Ông cho con xin tiền đò!

Đến lúc ấy hai anh em mới ngừng chuyện để trả tiền cho bác lái. Trông thấy Phú, ông chánh Mận ra ý hối hận, vồn vã:

– Ấy chết chửa kìa, cậu Phú. Mời cậu hãy vào trong này! Thế việc lôi thôi bắt bớ đến cửa công ra làm sao?

Vẫn ngồi ở thuyền, Phú đáp:

– Không hề gì ạ. Tôi được tha rồi. Nhân gặp ông Hai cũng về làng nên tôi được đi nhờ một chuyến. Thôi, cảm ơn hai ông…

– Thì hãy vào đây một lát đã!

– Thôi, nhân tiện ông lái cho thuyền ra thì xin phép ông cho tôi về trông thấy đẻ tôi… Tôi chưa biết nhà cửa như thế nào…

– Thế kia à! Nếu vậy thì thôi, tôi chả dám lưu lại nữa.

– Vâng thôi, thế chào hai ông! Cám ơn ông hai Bảo lắm nhé!

– Không dám ạ! Chào cậu…

Chiếc thuyền thúng quay mũi, lại tháo lui ra bằng đường lối lúc nãy nó vào. Khi mấy cái nhà của ông chánh và bức tường điểm kính vụn và mảnh chai bao bọc những mái nhà ấy khuất sau một bụi tre thì thình lình Phú gặp chị ruột. Cô Tuất lúc ấy ngồi trên một cái bè đóng bằng bốn cây chuối cạp làm một bằng gióng và thừng tre. Cô chở bằng một miếng gỗ vuông lấy ở cánh cửa một cái chạn bát. Cái bè của cô trôi phăng phăng. Trước mặt cô có một rá gạo đỏ. Cô thản nhiên chở bè, không để ý đến thuyền và người chở thuyền. Phú phải gọi:

– Chị Tuất ơi, chị Tuất!

Cô Tuất ngơ ngác một lúc rồi hỏi:

– Cậu Phú đấy à! Về từ lúc nào thế?

– Ở nhà có ai việc gì không chị? Đẻ đâu? Cháu đâu?

– Ở cả nhà chứ đâu!

– Thôi thế tôi mừng. Rõ phúc đức! Chị đi đâu về thế? Tôi sang bè ấy liệu có được không hay chìm?

– Được! Ba người ngồi cũng không sao.

Phú bèn quay lại người lái đò:

– Thôi thế tôi sang bè kia, ông trở ra một mình nhé? Cảm ơn ông nhé!

– Không dám!

Khi bước sang bè chuối với chị rồi, Phú còn đứng nghênh ngang chỉ trỏ cho bác lái đò:

– À này, tôi mách đây này! Trước khi đi ra khỏi làng này, ông cứ trông ngón tay trỏ tôi đây mà cho thuyền đi thẳng, qua hai cái ao rồi đến một vườn cau thì ông hỏi ông lý trưởng xem ông ta có lên đường cái quan không thì may ra chuyến về của ông cũng có tiền đấy.

Người lái đò cảm ơn và theo lời Phú, cho thuyền tiến phía có bóng cau. Tuất không chở vội, đăm đăm hỏi:

– Thế cậu ra sao? Được quan tha đấy à? Thế là yên chuyện chứ? Gớm, nghe ông lý nói thì sợ quá!

– Đẻ có biết không?

– Không, tôi giấu đẻ rồi. Thế được tha hẳn chưa?

– Chưa thì sao lại về được đây mà lại còn phải hỏi!

Phú gắt với chị như vậy chính là vì muốn chị mình được yên tâm. Rồi chàng giật lấy mảnh gỗ. Trong khi cái bè trôi phăng phăng chàng lại hỏi:

– Vay gạo nhà ai thế?

– Nhà ông chánh Mận.

Đến đây, Phú ngừng tay khuấy nước, trợn mắt vì bất bình:

– Lại vay ông chánh Mận!

Nhưng Tuất thản nhiên mà rằng:

– Lúc cùng, biết làm thế nào? Cả làng này vay chứ gì mình mà thôi!

Đến nhà. Cái bè chuối vào sân, lướt đến chỗ mái gianh. Thì ra nhà đã phá một góc mái gianh ra làm cửa. Trông thấy mẹ, Phú reo lên:

– Đẻ ơi đẻ! Con về được đây rồi!

Lúc ấy cụ Cử đương thổi lửa cho nồi khoai sọ kê trên ba hòn gạch ở một cái bếp đất thô. Cụ bưng mặt, nức nở khóc:

– Sao mày không chết ngay ở đê đi có được không?

Chẳng để ý, Phú lại nói:

– Thôi, thấy người nhà còn nguyên vẹn thế này là mừng rồi!

Rồi chàng nhìn vào trong nhà. Cái giường gióng tre, mấy tấm phản buộc liền vào cái hòm chân thành một thứ sàn khá vững chãi. Một con mèo ở một xó. Một lồng gà ở một xó khác. Nước dâng lưng chừng nhà, muốn vào ắt phải cúi khom lưng… ở hay! Cái gì thế kia? Thằng cu Hiền. Thằng cu Hiền ôm cột, không, hai tay và hai chân bị trói vào cột, cái đít trên một cái tã! ỞPhú nhìn Tuất thì cô này vội cắt nghĩa:

– Tôi đi, không trói nó thế thì đẻ không bao giờ luộc xong nồi khoai.

Bài viết hữu ích cho bạn không?

Trả lời