[An Giang] Lái xuồng đưa học sinh đến trường mùa nước lũ

Gần 200 học sinh có nhà bị chia cắt do lũ thuộc huyện An Phú được đưa rước miễn phí đến trường mỗi ngày trong suốt ba tháng.

Khoảng 6h sáng hàng ngày, anh Trần Văn Hiền lại có mặt tại Ban chỉ huy quân sự xã Vĩnh Hội Đông, kiểm tra số ao phao trên chiếc tắc ráng (một loại xuồng máy) dài hơn 6 m, sau đó khởi động máy hướng về phía ấp Vĩnh An, Vĩnh Hoà.

Anh dân quân tự vệ 34 tuổi ở xã biên giới này đã gắn bó với việc đưa rước học sinh vào mùa nước lũ nhiều năm.

Em Nguyễn Thị Kim Hương ở ấp Vĩnh An, học sinh lớp 5 trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông rất sợ phải nghỉ học. Mấy ngày đầu khi đường đến trường bị nước ngập qua gối, em xin đi cùng xuồng của người quen. Sau khi được các chú xã đội tổ chức đưa rước, em không sợ trễ học nữa.

Hương và các bạn thường được cha mẹ đưa ra chờ sẵn ở bến sông vào buổi sáng. Chị Nguyễn Thị Chi, mẹ của Hương, cho biết mùa khô con gái đi học bằng xe đạp. Mùa nước lũ, hai vợ chồng đều bận giăng lưới, bắt cá mưu sinh nhưng không dám để con đi học một mình. “Nhờ có mấy chú xã đội đưa rước, tôi và bà con ở đây rất yên tâm”, chị Chi nói.

Đón học sinh lên xuồng, anh Hiền đưa áo phao, đợi các em mặc và ổn định chỗ ngồi, rồi tiếp tục lái xuồng đến tận cửa một số gia đình bị nước ngập sâu để đón. Mất hơn 10 phút, anh Hiền mới bắt đầu lái xuồng máy chạy theo hướng bến đò Dung Thăng, cạnh trường tiểu học. Dắt tay học sinh xuống, anh Hiền nhìn theo chúng đến khi khuất sau cổng trường mới trở về.

“Có nhiều em đã biết bơi nhưng nước mùa này chảy xiết, để an toàn, các em nhỏ phải nằm trong tầm mắt của người lớn”, anh giải thích. Khoảng 10h, anh sẽ gác lại công việc đang làm để đi đón các em về. Tan học có nhóm ra trước, nhóm ra sau, anh tài công phải đưa vài lượt mới xong.

Anh Nguyễn Tống Hữu Trí , Phó chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy quân sự xã Vĩnh Hội Đông, cho biết xuồng máy đưa đón học sinh được tận dụng từ phương tiện của đơn vị. Tiền xăng đa phần từ nguồn của quân sự xã hoặc vận động mạnh thường quân hỗ trợ. “Mùa nước cũng là mùa đánh bắt cá tôm của người dân. Quân sự xã lãnh phần đưa rước các em để phụ huynh có nhiều thời gian mưu sinh. Các em đến trường cũng an toàn hơn”, ông Trí nói.

Mùa lũ ở miền Tây thường bắt đầu vào tháng 7 âm lịch, kéo dài đến tháng 10. Nước từ dòng Mekong chảy vào Việt Nam sớm nhất tại các huyện biên giới thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tuỳ lượng nước đổ về, các địa phương vùng đầu nguồn bị ngập nhiều hay ít.

Thầy Hà Minh Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông, cho biết 64/514 học sinh của trường cần được đưa đón vì bị nước lũ chia cắt. Các năm trước, khoảng 50% học sinh của trường bị gián đoạn việc đi lại vào mùa lũ.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú, ngoài Vĩnh Hội Đông, các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc và Vĩnh Hậu đều có nhà học sinh bị chia cắt do lũ, khoảng cách từ nhà đến trường từ 0,5 đến 3 km. Để an toàn, nhà trường và địa phương thống kê số lượng và tổ chức các tuyến đưa đón học sinh. Dự kiến cuối tháng 11 dương lịch, khi nước rút hoàn toàn, việc này mới dừng.

Ông Trần Hoà Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú nói việc đưa rước học sinh vùng lũ đến trường chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn. “Sắp tới, khi lũ rút, UBND huyện sẽ khảo sát các tuyến đường bị ngập để bố trí vốn nâng cấp”, ông Hợp nói.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Bài Viết Được Xem Nhiều