Học sinh lớp 12 hiện như ngồi trên lửa vì tình trạng học trực tiếp (Offline) hay học trực tuyến (Online) vì sắp tới kỳ thi quan trọng là thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy.
7h15 bắt đầu tiết học đầu tiên như thường lệ nhưng hôm nay, lớp của Nguyễn Thu Hằng (học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận Hà Đông, Hà Nội) chỉ có 25% các bạn học trực tiếp trên lớp, 75% còn lại học trực tuyến vì là F0, F1. Đây là buổi học có số lượng học sinh học trực tiếp ít nhất kể từ ngày Hằng quay lại trường học tập trung. Cô giáo vào lớp, máy chiếu đã sẵn sàng.
Bài học diễn ra như thường lệ, chỉ có điều thỉnh thoảng cô giáo gọi một bạn học trực tuyến trả lời thì đầu mic bên kia im lặng, có khi cô gọi đến lần thứ 3 vẫn không thấy đâu. Dù yêu cầu học sinh luôn phải bật camera nhưng có bạn báo hỏng. Tiết thứ 2 lại bắt đầu. Tuy nhiên, từ đầu buổi, Hằng đã nhận được thông tin thầy giáo dạy Toán là F0 nên dạy trực tuyến từ nhà. Máy chiếu lại được bật lên để cả lớp theo dõi. Nhưng lần này, 9 học sinh đi học trực tiếp lao xao trao đổi tin tức thập cẩm. Vì mạng ở lớp không ổn định nên tiết học diễn ra bập bõm, lúc được lúc mất.
Còn lớp của Trần Thị Phương, học sinh lớp 12 một trường THPT tại quận Tây Hồ, cả tuần trước gần như vừa học vừa chơi do nhiều giáo viên mắc COVID-19. Tuần này, lớp học 50% trực tiếp, 50% trực tuyến. Chị Phương Nga, mẹ của Phương tỏ ra lo lắng vì trước mắt con sắp phải tham gia các kỳ thi quan trọng nhưng việc học hành cứ bập bõm theo F0, F1 và kiến thức cứ rơi rụng dần.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay có khoảng 20% giáo viên và học sinh của trường mắc COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra căng thẳng với nhà trường. Tuy nhiên, quan điểm của trường là chuẩn bị mọi hình thức học tập cho học sinh, còn lựa chọn hình thức nào để học là trách nhiệm của phụ huynh và học sinh. Bà Yến chia sẻ, có những hôm học sinh đang học, phụ huynh gọi điện đến đón về vì là F1 của người thân.
Thầy Mai Hùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, thông tin, các lớp phụ trách đều trong tình trạng dạy song song on – off. Có lớp được 50%, có lớp 80-90% nhưng có lớp chỉ 25% học trực tiếp. Hiện nay, giáo viên nếu không là F0, F1 sẽ dạy trực tiếp tại trường. Lớp nào có máy chiếu thì học sinh học trực tiếp và trực tuyến đều nhìn màn hình máy chiếu để học. Với hình thức này, giáo viên không thao tác trên bảng. Nhưng có những lớp chỉ có camera quay trực tiếp bài học của thầy cô viết trên bảng. Hình thức này có bất cập là khi giáo viên phát phiếu bài tập chỉ học sinh trên lớp có, còn học sinh học trực tuyến phải nhìn file PDF và học sinh học trực tuyến khó tương tác với giáo viên.
Thầy Mai Hùng cho biết, với môn Toán, từ các đề thi minh họa được các trường ĐH công bố, có thể thấy các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không có sự khác nhau nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản để vận dụng. Tuy nhiên, do các kỳ thi đánh giá năng lực là để lựa chọn thí sinh vào học đại học nên số lượng câu hỏi mang tính phân hóa nhiều hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT hỏi chủ yếu kiến thức trong lớp 12, còn kỳ thi đánh giá năng lực hay tư duy, kiến thức gần như trải đều cả ba lớp THPT.
Thầy Hùng cũng chỉ ra vấn đề bất cập khác là với những lớp có nhiều F0, cả lớp học trực tuyến, giáo viên đến trường tiết dạy on, tiết dạy off nên phải mang theo phương tiện cá nhân. Một số môn có thể dùng máy tính cá nhân để dạy nhưng với Toán phải có giải thích, chỉ 1 cái laptop bất tiện, mà phương tiện mang đi rất lỉnh kỉnh, khó khăn.
Học sinh, giáo viên đều phải cố gắng
Theo bà Yến, việc các trường xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ tạo điều kiện rất lớn cho học sinh trong bối cảnh hiện tại. Phần lớn học sinh lớp 12 của trường THPT Trần Phú đã có chứng chỉ ngoại ngữ. Do đó, thi tốt nghiệp THPT không đáng lo ngại vì chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản.
Thầy Hùng cho rằng, học sinh phải có ý thức tự giác và thích nghi, như thế dù học trực tuyến cũng không bị ảnh hưởng. Có hạn chế là học sinh học trực tuyến không được trao đổi trực tiếp với giáo viên, nhưng hoàn toàn có thể bật loa lên hỏi được ngay. Các thầy cô luôn cố gắng trao đổi với học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, tâm lý giáo viên là luôn ưu tiên học sinh học trực tiếp hơn vì không mất thời gian. Theo thầy Hùng, học on – off như hiện nay rất vất vả, nhất là giáo viên là F0 phải dạy ở nhà. Vì học sinh đến lớp, giáo viên ở nhà nên độ tập trung của học sinh rất thấp.
Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp “on – off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể “phân thân” để dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến. Nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời giáo viên hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại, thầy cô cũng không thể nắm bắt được. Việc quan tâm đến những nhóm đối tượng này bị hạn chế nên dù giáo viên phải làm việc vất vả hơn, nhưng rất có thể vẫn có học sinh bị bỏ rơi phía sau. Do đó, giáo viên còn mất thêm thời gian và công sức khi phải dạy bổ sung miễn phí cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi nhất định trong tuần.
Nguồn: https://tienphong.vn/hoc-sinh-lop-12-roi-boi-vi-hoc-on-off-post1420305.tpo